Nâng tầm các giá trị di sản Công viên địa chất Non nước Cao Bằng
Từ năm 2018 đến nay, Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đẩy mạnh bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, xây dựng 5 tuyến du lịch trải nghiệm CVĐC theo hướng bền vững. Qua đó được thành viên Mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO đánh giá cao, bầu chọn đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng.
Miền đất lưu giữ nhiều giá trị di sản cổ xưa
CVĐC Non nước Cao Bằng có trên 130 di sản địa chất đa dạng, phong phú, diện tích trên 4.000 km2 tại 10 huyện, Thành phố là minh chứng cho sự kiến tạo vỏ trái đất hơn 500 triệu năm trước. Với diện mạo địa chất đa dạng, khí hậu á nhiệt đới ôn hòa, tạo hóa đã ban tặng cho Cao Bằng nhiều cảnh đẹp thiên nhiên nổi với hệ sinh thái đa dạng.
Ông Guy Martini, chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO kiểm tra công tác bảo vệ cảnh quan thung lũng treo Sóc Hà (Hà Quảng). |
Đây là nơi đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô… sinh sống từ hàng nghìn năm đã hình thành, tạo dựng nên văn hóa truyền thống đặc sắc, phong phú giàu bản sắc, đậm chất nhân văn.
Khu vực CVĐC Non nước Cao Bằng có 5 danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, 96 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 25 di tích cấp quốc gia, 68 di tích cấp tỉnh; 5 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 1 bảo vật quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Đến nay, CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng xây dựng 5 tuyến du lịch trải nghiệm, gồm: “Hành trình về nguồn cội” huyện Hòa An, Hà Quảng; “Khám phá Phja Oắc - Vùng núi của những đổi thay” huyện Nguyên Bình; “Trải nghiệm văn hóa bản địa xứ sở thần tiên” huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang; “Một thời hoa lửa” huyện Thạch An - Thành phố; “Kết nối CVĐC Toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang - CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng” huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc.
Ông Guy Martini, chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO chia sẻ: CVĐC Non nước Cao Bằng là nơi lý tưởng để khách du lịch tìm hiểu quá trình kiến tạo vỏ trái đất trên 500 triệu năm với nhiều di sản minh chứng như: Các điểm di sản hóa thạch, trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản, cảnh quan đá vôi, hang động, thác nước... tạo thành cảnh quan đẹp nổi tiếng như cúc đá tay cuộn Kéo Yên (Hà Quảng), thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao, Mắt Thần núi, sông Quây Sơn (Trùng Khánh)… và trải nghiệm sự đa dạng về di sản văn hóa, lịch sử của đồng bào các DTTS.
Với diện mạo địa chất đa dạng có nhiều cảnh đẹp hoang sơ, nổi tiếng gắn với văn hóa bản địa đặc sắc, phong phú, những năm qua, nhiều tạp chí các quốc gia phát triển đã bầu chọn Cao Bằng, trọng điểm CVĐC Non nước Cao Bằng là điểm đến lý tưởng để ngắm cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, thơ mộng và trải nghiệm văn hóa bản địa đặc sắc. Mở ra hướng phát triển du lịch Cao Bằng theo hướng bền vững, thúc đẩy giải quyết vấn đề toàn cầu về chống biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường, đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn...
Thực hiện tốt các khuyến nghị Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO
Ngay sau khi được công nhân danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý (BQL) CVĐC Non nước Cao Bằng và các huyện, thành phố, người dân trong vùng CVĐC đã tích cực thực hiện các khuyến nghị về bảo tồn và phát triển các giá trị di sản CVĐ.
Ông Guy Martini, chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đến thăm làng dệt thổ cẩm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng). |
Giám đốc BQL CVĐC Non nước Cao Bằng Vi Trần Thùy cho biết: Thường kỳ 2 năm/lần, chuyên gia mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO sẽ tổ chức kỳ thẩm định lại CVĐC, nếu không thực hiện tốt các khuyến nghị sẽ bị tước danh hiệu. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, BQL CVĐC Non nước Cao Bằng tham mưu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh, các huyện, Thành phố đẩy mạnh nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản CVĐC Non nước Cao Bằng.
Tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho hàng chục nghìn lượt người tại các cấp, sở, ngành, 10 huyện, Thành phố, giáo viên, học sinh nhà trường Chương trình giáo dục về CVĐC, nâng cao nhận thức cộng đồng và người dân địa phương theo mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs). Hội thảo cấp tỉnh “Giới thiệu bộ tài liệu hướng dẫn thực hành phát triển du lịch bền vững trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng”. Giáo dục về CVĐC thông qua mô hình “Câu lạc bộ cùng em khám phá CVĐC” tại các trường học… được chuyên gia UNESCO, mạng lưới CVĐC Việt Nam đánh giá là sáng kiến và có thể chia sẻ với các CVĐC toàn cầu trên thế giới.
Hằng năm, hưởng ứng Ngày làm sạch môi trường thế giới (19/9), BQL phối hợp với Tỉnh đoàn Thanh niên tổ chức chương trình ra quân, huy động đoàn viên thanh niên các xóm, xã trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng thu gom rác thải, trồng cây, hoa tạo cảnh quan sạch đẹp tại các điểm di sản trên 5 tuyến du lịch CVĐC, đặc biệt là điểm di sản bazan cầu gối đèo Mã Phục (Quảng Hòa) và điểm Mắt Thần núi, xã Cao Chương (Trùng Khánh) - nơi có nhiều du khách dừng chân checkin. Các huyện, Thành phố kiểm soát chặt chẽ, không để diễn ra khai thác đá, chặt phá rừng, tăng cường trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, hệ sinh thái môi trường…
Trong công tác xây dựng, phát triển và quản lý các tuyến du lịch CVĐC, BQL CVĐC Non nước Cao Bằng phối hợp với đoàn chuyên gia mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO đến làm việc với các huyện, xã trong vùng CVĐC tiến hành rà soát, kiểm tra và đánh giá công tác quản lý, bảo vệ, khai thác hệ thống cơ sở vật chất; đầu tư, nâng cấp hạ tầng xây dựng các điểm checkin mới giới thiệu giá trị di sản CVĐC; kiểm tra hệ thống các biển, bảng thuyết minh…; tăng cường sự tham gia của chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư vệ sinh môi trường, bảo vệ, bảo tồn và phát huy các điểm di sản CVĐC...
Tiến hành khảo sát, nghiên cứu, bổ sung, đánh giá, xếp hạng các giá trị di sản mới xây dựng tuyến du lịch trải nghiệm thứ 4 “Một thời hoa lửa” huyện Quảng Hòa - Thạch An - Thành phố và tuyến thứ 5 “Kết nối CVĐC Toàn cầu UNESCO cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang với CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng” huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm.
Qua 2 lần tái thẩm định (năm 2020 và năm 2023), CVĐC Non nước Cao Bằng thực hiện các khuyến nghị của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO, ông Guy Martini, chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO nhận định: Cao Bằng tuy còn nhiều khó khăn nhưng các cấp, sở, ban, ngành luôn quan tâm chỉ đạo vận động nhân dân thực hiện tốt các khuyến nghị của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO về bảo vệ và phát huy các giá trị di sản CVĐC. Mỗi lần lên Cao Bằng tái thẩm định, tôi thấy sự vào cuộc tích cực hơn của các cơ quan quản lý nhà nước và người dân cùng chung tay bảo vệ tài nguyên môi trường, đa dạng sinh học, cảnh quan diện mạo địa chất, chống biến đổi khí hậu, phát triển làng nghề rèn dao, hương thơm, giấy dó, làm ngói máng thủ công, miến dong, dệt thổ cẩm truyền thống tại huyện Quảng Hòa, Hà Quảng, Nguyên Bình… kết nối với du lịch; nhiều huyện phát triển du lịch cộng đồng homestay gắn với nông nghiệp, làng nghề… tạo sinh kế tại chỗ cho đồng bào DTTS theo hướng bền vững. Kinh nghiệm về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản CVĐC Non nước Cao Bằng cần được chia sẻ với các nước thành viên mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO để cùng nhau bảo vệ, phát huy tốt hơn nữa các di sản CVĐC.
Sau 6 năm đi vào vận hành, CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng thực hiện tốt các khuyến nghị của UNESCO gồm: giáo dục về CVĐC; nâng cao nhận thức cộng đồng và người dân địa phương theo mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs); nghiêm cấm việc buôn bán các mẫu vật/vật liệu địa chất trong vùng CVĐC; hạ tầng cơ sở được nâng cấp, cải tạo đi lại thuận tiện; tăng cường sự tham gia của BQL trong các hoạt động của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO...
Cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên rừng, hệ sông suối, vườn quốc gia… đa dạng sinh học được bảo vệ tốt hơn. Đặc biệt, một số vùng đồng bào DTTS đã phát triển du lịch cộng đồng homestay gắn với làng nghề truyền thống, nông nghiệp… Bà con vừa bảo vệ giá trị di sản CVĐC vừa được hưởng lợi từ bảo vệ giá trị di sản địa chất và văn hóa bản địa. Qua đó, nâng tầm và phát huy hiệu quả giá trị di sản CVĐC, góp phần làm thêm nhiều sản phẩm du lịch mới đặc sắc, riêng có, thu hút khách đến Cao Bằng từ dưới 1 triệu lượt năm 2018 tăng lên gần 2 triệu lượt năm 2024.
Thực hiện tốt các khuyến nghị về mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO, CVĐC Non nước Cao Bằng đã góp phần cùng mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng bền vững; giải quyết vấn đề toàn cầu về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; tạo sinh kế cho bà con DTTS vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc về giảm nghèo bền vững; giữ gìn bản sắc văn hóa các DTTS…
Khẳng định uy tín cho Cao Bằng tổ chức Hội nghị lần thứ 8 trở thành diễn đàn tin cậy để chia sẻ với bạn bè trong nước và quốc tế về thực hiện các khuyến nghị mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO, thúc đẩy triển khai các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc.
Theo Báo Cao Bằng
Ý kiến bạn đọc (0)