Du lịch Quảng Ninh sẵn sàng đón khách
Sau bão số 3, các địa phương trong tỉnh đã dần trở lại nhịp sống thường ngày. Với những nỗ lực khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đang từng bước đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, sẵn sàng cao nhất để đón khách du lịch.
Thành phố thủ phủ trở lại nhịp sống thường ngày
Ngay sau khi bão số 3 đi qua, các tàu du lịch đã tập trung bảo trì, bão dưỡng, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, an toàn khôi phục hoạt động trong thời gian sớm nhất.
Đoàn khách quốc tịch Mỹ lưu trú tại khách sạn Sài Gòn - Hạ Long. |
Gần như toàn bộ 180 tàu du lịch tham quan, lưu trú đã sẵn sàng đón khách trở lại từ ngày 13/9 khi tỉnh cho phép hoạt động vận chuyển khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long.
Anh Nguyễn Quang Khá, thuyền trưởng tàu Vịnh Xanh 9468, chia sẻ: Tôi rất mừng khi nhận được thông tin tỉnh cho phép đón khách trở lại. Tôi không nghĩ mọi thứ có thể quay trở lại nhanh đến vậy.
Đó là sự đồng, lòng quyết tâm của các doanh nghiệp và chính quyền, các lực lượng đã cùng nhau khắc phục hậu quả của trận bão lịch sử này. Dù còn khó khăn nhưng tôi luôn tin tưởng du lịch Quảng Ninh sớm phục hồi.
Các đội tàu du lịch đã nhanh chóng khắc phục hậu quả của bão, dành mọi nguồn lực để đảm bảo các yêu cầu đón khách trở lại. Anh Ngô Văn Nam, Phó Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long, cho biết: Tôi chưa bao giờ chứng kiến trận bão lớn như vậy, gây hậu quả nghiêm trọng đến các nhà tàu. Anh em nhà tàu đã sẵn sàng các trang thiết bị, đảm bảo an toàn kỹ thuật, nguồn lực để phục vụ tốt nhất du khách.
Từ ngày 10/9 đến nay, Vịnh Hạ Long đã đón hơn 6.000 lượt du khách đến tham quan, lưu trú, trong đó có nhiều đoàn khách nước ngoài.
Ngay sau khi bão đi qua, nhiều đoàn khách du lịch, nhất là khách quốc tế đã đến Hạ Long. Từ ngày 10/9 đến nay, thành phố đón hàng nghìn lượt khách, phần lớn là khách quốc tế.
Các doanh nghiêp kinh doanh du lịch vừa khắc phục thiệt hại sau bão, vừa đảm bảo các điều kiện tốt nhất để đón tiếp, phục vụ du khách với niềm tin vào sự phục hồi của du lịch thành phố như cách mà họ đã vượt qua đại dịch Covid-19.
Bà Elizabeth Dickerson (du khách Mỹ) chia sẻ: Đoàn chúng tôi có 31 người đi từ TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Huế. Trên đường đi chúng tôi có nghe tin về cơn bão tàn phá thành phố của các bạn.
Chúng tôi rất xót xa khi thấy cây cối nhà cửa, quê hương của các bạn bị tàn phá; mỗi người dân ở đây đều đang rất cố gắng làm cho nơi đây khôi phục trở lại. Khách sạn vẫn đảm bảo tốt các điều kiện nghỉ dưỡng cho khách.
Đây là lần thứ 2 tôi trở lại Hạ Long sau nhiều năm, nếu có cơ hội tôi sẽ trở lại để thấy được thành phố của các bạn phát triển hơn, xanh tươi hơn.
TP Hạ Long đã phát động chiến dịch cao điểm 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3, nhưng với tinh thần hiệp lực và đồng tâm của người dân thành phố, chỉ sau một nửa thời gian phát động, nhịp sống thường ngày nói chung và du lịch đang từng bước hồi sinh trở lại nơi tâm bão đi qua.
Bà Phan Thị Hải Hường, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long, nhấn mạnh: Ngay sau khi bão đi qua, lãnh đạo thành phố đã nhanh chóng, tích cực chỉ đạo các địa phương, kêu gọi người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả.
Đến nay nhịp sống đã dần quay trở lại. Điều đáng mừng là nhiều đoàn du khách đã chọn Hạ Long là điểm đến, nhất là khách quốc tế. Với tinh thần chủ động quyết tâm và tình yêu thành phố, chúng tôi mong muốn mỗi doanh nghiệp, người dân cùng chung tay xây dựng thành phố đẹp hơn.
Ngành Du lịch quyết tâm vượt khó
Hầu hết các cơ sở lưu trú ven biển bị thiệt hại: Vỡ kính, vỡ ngói, sập trần, hỏng đồ đạc; đổ cây xanh, cột đèn; hệ thống điện, điều hòa, nước bị thiệt hại nặng.
Lãnh đạo TP Hạ Long và đại diện Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long kiểm tra công tác chuẩn bị đón khách của các tàu du lịch. |
Dù vậy, đến nay các địa phương Móng Cái, Hải Hà, Uông Bí, 100% cơ sở lưu trú; huyện Cô Tô, 30% cơ sở lưu trú với 60% tổng số phòng sẵn sàng đón khách. Huyện Vân Đồn, các cơ sở lưu trú tại các xã Quan Lạn, Minh Châu đang khắc phục, chưa đủ điều kiện đón khách, một số cơ sở trong bờ đã sẵn sàng phục vụ.
11/12 huyện, thị xã, thành phố có khu, điểm du lịch được công nhận; 67/87 điểm du lịch sẵn sàng đón khách trở lại; 20 điểm du lịch đang khắc phục sự cố, chưa đón khách.
Một số điểm du lịch trọng điểm tại TP Hạ Long như: Bảo tàng Quảng Ninh; Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, khu vui chơi giải trí Sunworld, Khu du lịch Tuần Châu… bị thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, đang sửa chữa để sớm đón khách.
Các khu du lịch tại các địa phương Móng Cái, Uông Bí, Đông Triều khẩn trương khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh môi trường; sửa chữa những hư hỏng, ổn định tình hình để phục vụ khách.
Một số đoàn khách quốc tế có chương trình từ trước, sau bão vẫn thực hiện hành trình đến Quảng Ninh. Các cơ sở lưu trú đang thu xếp đón tiếp, phục vụ khách. Tuy nhiên công tác tổ chức phục vụ gặp khó khăn do điện, nước chưa ổn định; hệ thống viễn thông, việc cung ứng thực phẩm, xăng dầu gặp khó khăn.
Nhiều tuyến đường, phố và tại các khu điểm du lịch nhiều điểm bị sạt lở, đứt gãy; cây đổ gây ách tắc giao thông; tình hình mưa lũ tiếp tục kéo dài liên tục ảnh hưởng tới việc phục hồi SXKD của các cơ sở kinh doanh du lịch.
Theo đại diện Sở Du lịch, thời gian tới ngành Du lịch đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung khắc phục các sự cố; ưu tiên cấp điện, viễn thông, kịp thời xử lý các vấn đề về vệ sinh môi trường, ATTP để thực hiện đón khách.
Đồng thời chỉ đạo các đơn vị bảo hiểm giải quyết nhanh các thủ tục bảo hiểm để doanh nghiệp sớm có nguồn lực để phục hồi SXKD; chỉ đạo rà soát, quản lý chặt chẽ giá nguyên liệu, vật liệu xây dựng để hỗ trợ giảm chi phí cải tạo, sửa chữa; đảm bảo việc cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm; ổn định giá thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu...
Các doanh nghiệp du lịch tiếp tục tập trung cao độ tổ chức dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường, chú trọng công tác đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên và du khách; chỉ tổ chức hoạt động ở những khu vực thực sự đảm bảo an toàn.
Đồng thời duy trì tốt việc phục vụ các đoàn khách đã đặt trước và các đoàn khách mới; đảm bảo chất lượng dịch vụ, giá cả, vệ sinh ATTP; có giải pháp điều chuyển các đoàn khách đã đặt sang cơ sở khác nếu chưa sẵn sàng đón khách.
Đặc biệt, phối hợp, liên kết cùng chính quyền để chuyển tải thông điệp Quảng Ninh đã và luôn sẵn sàng phục vụ du khách; khẳng định điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn; tiếp tục tổ chức, tham gia các chương trình kích cầu du lịch, các roadshow, liên hoan ẩm thực… để thu hút khách du lịch trở lại.
Ngành Du lịch đề nghị tỉnh xem xét, đề xuất một số chính sách hỗ trợ đặc thù để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch nói riêng, hệ thống doanh nghiệp nói chung, bị thiệt hại sau bão.
Cụ thể, cơ cấu lại thời gian vay, nợ; miễn, giảm lãi vay hoặc được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước cho vay ưu đãi đối với các khách hàng bị thiệt hại; giảm tiền thuê đất, thuế đất, mặt nước; giãn thuế dịch vụ; tạm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, phí vệ sinh môi trường hoặc xem xét gia hạn thời gian quyết toán các loại thuế.
UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh ban hành chính sách miễn, giảm phí tham quan Vịnh Hạ Long từ nay đến cuối năm 2024 để kích cầu thu hút du khách đến Quảng Ninh.
Ý kiến bạn đọc (0)