Đồng Cao, Suối Hấu mai này ...
Mênh mang Đồng Cao
Cách Hà Nội 160 km, TP Bắc Giang 100 km, Đồng Cao có độ cao gần 1.000 mét so với mực nước biển, bao quanh là những dãy núi trùng điệp, bốn mùa mây trắng nhẹ bay. Thảo nguyên Đồng Cao nằm trọn vẹn trong hai xã Phúc Sơn và Vân Sơn (Sơn Động). Nét đặc trưng của Đồng Cao là những núi cỏ xanh mướt, trải dài rộng lớn. Đồng Cao còn được mệnh danh là “ngôi nhà của gió”.
Bên bếp lửa mùa đông ở Đồng Cao. |
Mùa nào cũng vậy, gió núi lồng lộng khắp thảo nguyên. Cảnh Đồng Cao khoáng đạt nhưng đẹp nhất ở Đồng Cao là khi du khách ngắm cảnh bình minh và hoàng hôn, cả vùng núi rực rỡ và huyền ảo, không gian quyến rũ đến lạ kỳ, làm mê mẩn những du khách ưa khám phá. Tôi lên Đồng Cao cuối tháng 1/2024, đúng vào lúc tiết trời lạnh giá.
Những ngày mưa rét, lạnh đến mức không ai muốn bước ra ngoài trời, già trẻ đều quây quần bên bếp lửa. Ngoài trời mưa phùn, mây bay tầng tầng lớp lớp, phủ kín thung lũng, ruộng nương. Làng bản chìm trong mây mù và giá rét. Có mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, những chiếc khăn mặt được phơi trên chiếc sào tre tại mái hiên, hôm trước còn ẩm ướt, đến sáng hôm sau đã đông cứng lại, tạo thành lớp nước đá, chạm tay vào lạnh buốt. Cỏ cây cũng vậy, những giọt sương trên đầu ngọn cỏ do nhiệt độ xuống thấp, cũng đông cứng thành những viên đá trong veo, nhìn như những hạt ngọc trời.
Những ngôi nhà ở Đồng Cao. |
Những ngày đông như vậy, bên bếp lửa hồng, trao nhau chén rượu men lá ấm nồng, nhâm nhi chút thịt khô xông khói cũng thú vị lắm sao? Cậu bạn làm chủ doanh nghiệp đi cùng đoàn tôi đưa ra ý tưởng: Mọi người chỉ biết đến Đồng Cao ngày trời xanh, mây trắng và gió thảo nguyên lồng lộng, đến đây ngắm trăng, ngắm sao, rồi cắm trại...
Nhưng khai thác những ngày giá rét nhất tại Đồng Cao thành tour du lịch trải nghiệm cái lạnh, ngắm băng tuyết mùa đông cũng thật thú vị với người thành phố. Hãy nghĩ đến sản phẩm độc lạ này để Đồng Cao đón khách được bốn mùa!
Tôi cho rằng ý kiến này rất hay. Chả biết có phải vì mình đã trót mê vùng đất này rồi không? Riêng tôi đã lên Đồng Cao nhiều lần, cả ngày nắng, ngày mưa, mùa xuân, mùa hạ, mùa thu. Và lần này lên Đồng Cao, tôi mang theo cả nỗi nhớ mùa đông…
Vẻ đẹp Suối Hấu
Tôi biết đến Suối Hấu là do lời giới thiệu của nhà giáo, họa sĩ, võ sư Nguyễn Chí Hướng, hiện đang công tác tại Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Sơn Động. Anh là người miền xuôi, tình nguyện lên đây lập nghiệp từ mấy chục năm trước. Hướng yêu Sơn Động đến lạ kỳ, đã từng nhiều lần vác giá vẽ lên Suối Hấu. Đam mê sáng tác bên dòng suối và những ngôi nhà tường trình, anh đã hoàn thành những tác phẩm mang đậm màu sắc vùng sơn cước.
Ai nhìn tranh anh vẽ về Suối Hấu cũng đều thích vì vẻ đẹp của đất và người nơi đây. Thật may niềm yêu thích Suối Hấu của anh đã lan tỏa đến nhiều người, trong đó có lãnh đạo huyện Sơn Động. Và giờ đây, mọi người cùng nhận ra Suối Hấu đẹp thật, bình yên thật. Phải chung tay cùng giữ bản sắc Suối Hấu, bảo tồn văn hóa bản địa và nay mai phát triển du lịch…
Địa hình Suối Hấu khá rộng. Ở đây người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng rừng. Những ngôi nhà trình tường còn lại trong khu vực này đều tập trung ở gần con suối hiền hòa, trong lành chảy dọc theo chiều dài của thôn Đồng Mương. Đứng ở ngã ba Quán Nhúng nhìn về Suối Hấu, du khách thấy những ngôi nhà trình tường rêu phong, trầm mặc nằm trong thung lũng nhỏ. Khung cảnh nơi đây yên bình với những đàn gà đông đúc, những con chó béo mượt nằm dài bên hiên nhà.
Tranh vẽ nhà tường đất của họa sĩ Nguyễn Chí Hướng. |
Ngoài nhà giáo, võ sư, họa sĩ Nguyễn Chí Hướng, tôi đã được gặp và trò chuyện cùng ba người cũng tâm huyết với vùng đất này. Đó là Bí thư Huyện ủy Sơn Động Ngụy Văn Tuyên; Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn Hoàng Văn Huynh và Trưởng thôn Đồng Mương Hoàng Thị Hà.
Mọi người đều có chung một ý nghĩ, Suối Hấu - Đồng Mương còn khó khăn, đang trăn trở vươn mình phát triển. Nhưng Suối Hấu cũng đang có trong mình nhiều khát vọng. Khát vọng sẽ trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn của huyện Sơn Động, khát vọng xóa đói giảm nghèo. Nói điều này rất có cơ sở, vì thứ nhất: Con đường bê tông về Suối Hấu, nối Đồng Quăn, Đồng Cuồm, Suối Thuốc… đang có kế hoạch được mở rộng. Giao thông phát triển sẽ là đòn bẩy cho kinh tế, văn hóa và du lịch cùng phát triển.
Thứ hai, huyện Sơn Động, xã Phúc Sơn và người dân Suối Hấu đang đồng nhất quan điểm giữ lại những ngôi nhà trình tường đầy bản sắc của mình để làm du lịch. Những ngôi nhà ở đây cơ bản là nhà đất 5 gian, lưng dựa núi, mặt tiền nhìn ra thung lũng và dòng suối, cảnh quan như vậy rất thuận lợi cho phát triển du lịch cộng đồng.
Thứ ba, Suối Hấu liền kề với Đồng Cao, con đường từ Đồng Cao về Suối Hấu khoảng cách chỉ vài km, núi rừng trùng điệp, hùng vĩ giúp du khách cảm nhận được cảnh đẹp và thêm yêu mến vùng đất này. Nếu Suối Hấu được đầu tư thêm một nhà văn hóa to rộng, đủ làm trung tâm du lịch cộng đồng, người dân Suối Hấu được hướng dẫn chỉnh trang nhà cửa, trồng hoa quanh nhà, ven suối, nở nụ cười tươi, thân thiện cùng du khách, mở tour “Một ngày trên Đồng Cao, một đêm bên Suối Hấu” thì việc Suối Hấu trở thành điểm du lịch là điều tất yếu.
Nay mai ngoài nghề rừng, Suối Hấu sẽ có thêm vùng dược liệu. Gà bản, lợn bản vốn đã rất ngon ở Suối Hấu rồi, lên Đồng Cao - Suối Hấu, ngắm cảnh quan, vui đùa cùng mây gió đại ngàn, thăm vùng dược liệu, thưởng thức ẩm thực đặc sắc vùng cao là một trải nghiệm đáng nhớ. Lòng tôi thật vui khi nghĩ về Đồng Cao - Suối Hấu mai này…
Lê Đức Cương
Ý kiến bạn đọc (0)