Điếm Thiên và những dấu ấn lịch sử
Một số người cao tuổi của địa phương kể rằng, trước Cách mạng Tháng 8-1945, điếm Thiên có 2 nếp nhà, một nếp 3 gian to hơn, cửa hướng ra đồng Trũng (nay là khu đô thị Bách Việt), phía trước cổng có 2 cây đa to, một nếp nhà nhỏ hơn ở phía sau tiếp giáp với nhà dân.
Điếm Thiên. |
Hiện nay, điếm Thiên có bình đồ kiến trúc kiểu chữ đinh gồm tòa tiền tế 1 gian 2 chái nối vuông góc với hậu cung kết cấu kiến trúc đơn giản theo kiểu kèo kìm không chạm khắc cầu kỳ, chủ yếu là bào trơn đóng bén. Điếm tọa lạc trên khuôn viên rộng khoảng 350m². Ba mặt xung quanh là nhà dân tạo một cảnh quan không gian thoáng đẹp giữa một vùng đất yên bình.
Hiện trong điếm còn giữ một bát hương cổ thế kỷ XIX, một án thư đá xanh, tượng quan Thổ thần, ngai thờ, bài vị; một chum sành cổ, một liễn cổ dùng để giấu tài liệu bí mật của cách mạng và lương thực nuôi cán bộ Việt Minh. Những ngày lễ, tiết, đặc biệt ngày chính lệ 23 tháng Giêng âm lịch người dân tổ chức các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng truyền thống.
Ngoài phần tế lễ kính dâng Thổ thần, nhân dân tổ chức các trò chơi dân gian như: Kéo co, đập niêu, đi cầu kiều, chọi gà, đấu vật, hát ống... thu hút đông đảo nhân dân các vùng lân cận tham dự. Hằng năm, các cụ tổ chức cúng cháo vào mỗi dịp vào hè, ra hè. Xưa kia, người dân trong xóm thường họp bàn công việc chung và các tuần đinh tập trung làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ xóm làng.
Dĩnh Kế có vị trí trọng yếu, tiềm năng KT-XH quan trọng, truyền thống đoàn kết, tinh thần quật khởi chống giặc ngoại xâm. Ngay từ cuối những năm 20 của thế kỷ trước, khi đất nước còn chìm trong đêm trường nô lệ, ánh sáng cách mạng đầu tiên đã nhen nhóm trên mảnh đất này. Các thanh niên như Cầu, Son, Bìa là những đại biểu trẻ tuổi, tiên tiến của Dĩnh Kế đã tham gia hoạt động cách mạng.
Bước vào thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc (1939 - 1945), phong trào cách mạng ở Dĩnh Kế phát triển nhanh. Gia đình anh Chung, ông Tẻo, cụ Lý Trà là những cơ sở cách mạng. Đến năm 1943, tổ chức thanh niên cứu quốc xóm Thiên - phố Kế ra đời do anh Chung phụ trách. Ở Dĩnh Kế, từ khi phong trào cách mạng hình thành, một đường dây liên lạc với nhiều phương thức hoạt động bí mật đã được xây dựng và thực hiện nghiêm túc.
Trong đường dây liên lạc bí mật ấy, điếm Thiên là một trong mắt xích đặc biệt quan trọng. Từ điếm Thiên có thể đi sang Trại Nguột, làng Lường, Dĩnh Trì, Hương Gián và nhiều nơi khác, tránh những con mắt của quân địch từ bốt Kế, tránh được toán lính địch tuần tiễu ngày đêm trên đường 13, nay là đường 31.
Với những điều kiện ấy, từ năm 1940 đến 1945, điếm Thiên và các cơ sở cách mạng lân cận đã có nhiều cán bộ cách mạng qua lại, đứng chân. Lịch sử Đảng bộ phường Dĩnh Kế xuất bản năm 2015 đã khẳng định: "Trại Nguột được coi là xóm Đỏ của Dĩnh Kế. Để tránh bị chặn đường đi qua bốt Kế, các cán bộ cách mạng thường đi qua Dĩnh Trì, điếm xóm Thiên và các gia đình xung quanh trở thành nơi cán bộ qua lại đứng chân. Cán bộ qua lại hoạt động được nhân dân nuôi giấu an toàn...". Các đồng chí Chu Đình Khôi, Chu Đình Kỳ, Lê Hoàng, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đặng, Hồ Công Dự, Hoàng Hà Châu... là những cán bộ cách mạng qua lại hoạt động nhiều trên địa bàn này.
Điếm Thiên đã trở thành điểm liên lạc bí mật đặc biệt quan trọng của cách mạng lúc bấy giờ. Đồng thời cũng là điểm cảnh giới đảm bảo an toàn cho cán bộ về làm việc, hội họp tại nhà ông Tẻo và một số cơ sở khác. Các tài liệu cần cất giấu, cần phát đi đều được đặt ở nơi quy định trong chum sành chôn dưới bục án thư hoặc dưới chân đáy bát hương. Đằng sau điếm có một cái hườm rất thuận tiện cho quần chúng bí mật mang gạo, ngô, khoai, sắn đặt vào để tiếp tế cho các cơ sở nuôi giấu cán bộ...
Sau khi khảo cứu sơ bộ và nhận thấy tính lịch sử quan trọng của điếm Thiên, tháng 4-2017, phường Dĩnh Kế đã mời các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử đến tham quan và tổ chức hội thảo khoa học về giá trị lịch sử, văn hóa điếm Thiên, phường Dĩnh Kế. Trước những cứ liệu lịch sử quan trọng, các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử khẳng định điếm Thiên là một điểm di tích lịch sử cách mạng. Ngày 24-12-2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2012/QĐ - UBND công nhận điếm Thiên là di tích lịch sử.
Nguyễn Mạnh Hà
Ý kiến bạn đọc (0)