Chùa Vĩnh Nghiêm - trường đại học Phật giáo đầu tiên
Ngày 23/9/2014, Website của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã đăng tải Hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ Di sản thế giới. Theo đó, chùa Vĩnh Nghiêm là một trong 6 điểm thuộc 3 tỉnh (Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang) được lựa chọn để lập hồ sơ. Căn cứ vào thư tịch cổ cho biết, ngôi chùa được xây dựng thời Lý (thế kỷ XI) có tên gọi là Chúc Thánh. Đến thời Trần (thế kỷ XIII-XIV), chùa được mở mang, tôn tạo và đổi tên là chùa Vĩnh Nghiêm.
Chùa Vĩnh Nghiêm từ lâu đã được nhìn nhận và tôn vinh là một trong những trung tâm truyền bá Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần, là nơi tổ chức và thành lập mô hình Phật giáo Nhất tông trên cơ sở hợp nhất các thiền phái đã có trước đó. Đây cũng là mô hình cho các tổ chức Giáo hội sau này. Sau khi từ bỏ ngai vàng đi tu, vua Trần Nhân Tông đã biến ngôi chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là chùa Đức La) thành trụ sở Trung ương của Giáo hội Trúc Lâm, chứa đủ hồ sơ của tăng, ni cả nước.
Chùa Vĩnh Nghiêm là điểm hành hương trên hành trình về Yên Tử. Ảnh: Đỗ Quyên. |
Điều đáng nói là cả ba vị Tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) đều lấy chùa Vĩnh Nghiêm làm trung tâm truyền bá Phật pháp của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Tháng 4/1308, Tổ Trần Nhân Tông đích thân tới chùa Vĩnh Nghiêm chủ trì giảng Truyền Ðăng Lục, sai quốc sư Ðạo Nhất giảng kinh Pháp Hoa cho chư tăng kiết hạ và thống nhất Giáo hội Phật giáo thời Trần. Tháng 9/1313, Tổ Pháp Loa phụng chiếu đến cư trú tại chùa Vĩnh Nghiêm, giữ vai trò đứng ra thành lập trụ sở của Trung ương Giáo hội Phật giáo Đại Việt. Ông đã tiến hành tuyển chọn tăng tài, phân định chức vụ tăng sĩ trong cả nước; kiểm tra tự viện và lập sổ bộ tăng tịch để quản lý số lượng hàng ngũ xuất gia, tiếp tăng độ chúng ba năm một lần. Tất cả những Phật sự này đều do Pháp Loa trực tiếp chỉ đạo. Lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, tăng, ni có hồ sơ tại Giáo hội.
Năm 1305, nhân chuyến theo vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm nghe Thiền sư Pháp Loa thuyết pháp, Huyền Quang đã ngộ đạo và xin xuất gia tại đây. Ông đã dâng biểu đến ba lần xin từ chức để xuất gia học đạo tu hành và được chấp nhận, với pháp hiệu Huyền Quang.
Với vai trò là trường đại học Phật giáo đầu tiên trong cả nước, chùa Vĩnh Nghiêm hiện lưu giữ 3.050 mộc bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực. Đây là bộ mộc bản gốc, duy nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử hiện còn lưu giữ được tại chùa để truyền bá tư tưởng cốt lõi của đạo Phật cho hàng trăm ngôi chùa với hàng triệu tăng, ni, phật tử từ xưa tới nay. Đặc biệt, mẫu chữ Nôm trong tác phẩm Thiền tông bản hạnh (một trong các đầu sách thuộc kho mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm) được Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm (The Vietnamese Nom Preservation Foundation, USA) lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode (ký hiệu NomNaTongLight,ttf) và được sử dụng như một ngôn ngữ quốc tế trên máy tính. Năm 2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hơn 700 năm qua, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã trải qua nhiều biến cố, gắn liền với diễn tiến thăng trầm của lịch sử Việt Nam nhưng vẫn được duy trì và phát triển. Ngày nay, tinh thần, tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thời Trần vẫn được tăng, ni, phật tử ở Việt Nam tu học. Từ trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm, tư tưởng của dòng thiền này lan rộng khắp các miền trong cả nước và thế giới. Chính vì vậy, Vĩnh Nghiêm đã trở thành đất Phật mà bao thế hệ phật tử ao ước được tới thăm: “Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm-Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành”.
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức hằng năm với quy mô lớn từ ngày 12 -14 tháng 2 Âm lịch, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Năm 2013, Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Với những giá trị tiêu biểu nổi bật, năm 2015, chùa Vĩnh Nghiêm được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Có thể nói, chùa Vĩnh Nghiêm là thánh tích quan trọng của Phật giáo Việt Nam nói chung, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng. Những tư liệu về chùa cũng như những thông tin chứa đựng trong kho mộc bản đóng vai trò đặc biệt trong việc xây dựng Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới trong thời gian tới.
Huyền Phương
Ý kiến bạn đọc (0)