Thiều Dương - Công chúa xứ Bắc
Đền Từ Mận, xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang - nơi thờ Thiều Dương công chúa Lê Thị Ngọc Khanh. |
Trong bản gia phả chữ Hán, nhà nghiên cứu Hán-Nôm Trần Văn Lạng dịch: “Lê triều Thánh Tông thuần hoàng đế có con gái thứ tám là Thiều Dương Thiên Cực, Thái Trưởng công chúa Lê Thị Ngọc Khanh dự đánh giặc Liễu Thăng về đến đất Xuân Mãn (Xuân Hương) thì mất vào giờ tý ngày 22 tháng 2 được cấp ruộng thế nghiệp để trông nom giữ gìn tổ mộ, từ đường, lăng miếu.
Trước đây con gái thứ tám của nhà vua thu binh đánh giặc Liễu Thăng vâng lệnh vua sai đến xứ Nghệ An và các trấn, lộ cùng các tùy tòng và các tướng uy danh lừng lẫy, binh giáp tinh nhuệ, tiến đánh giặc thù, chém tướng giặc vang danh hiển hách... giúp nước yên dân, ổn định xã tắc, được hưởng việc thờ phụng theo nghi thức nhà nước. Niên hiệu triều Lê Hiền Tông thứ nhất sắc tặng gia ban đệ bát công chúa Lê Thị Ngọc Khanh là Tối Linh Đại Vương”...
Sử sách còn ghi nhận, cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, Lê Lợi tổ chức đại lễ ca khúc khải hoàn vào mùa xuân năm 1428. Khi xét công lao, Phạm Văn Liêu cùng 120 vị tướng lĩnh được dự hàng Khai quốc công thần.
Cùng năm ấy, Phạm Văn Liêu được Lê Lợi cử đi trấn giữ miền Kinh Bắc phên giậu của Đông Đô, đồng thời được triều đình cho phép nhập tịch tại đất Lạng Giang - nơi chiến trường xưa ông đã lập nhiều chiến công trong trận công thành Xương Giang. Phạm Văn Liêu có hai người con. Con gái là Phạm Minh Phi, con trai là Phạm Đức Hóa. Phạm Minh Phi được kén làm Phi, vợ vua Lê Thánh Tông. Phạm Đức Hóa được kén làm phò Mã lấy Thiều Dương công chúa, con gái vua Lê Thánh Tông.
Từ khi làm dâu nhà họ Phạm, cuộc đời công chúa Thiều Dương Lê Thị Ngọc Khanh gắn liền với cuộc đời Phò Mã Hoa phong hầu Phạm Đức Hóa và miền đất Kinh Bắc. Với những bổng lộc được ban thưởng của triều đình, vợ chồng công chúa Thiều Dương đã chiêu dân lập ấp mở làng, đồng thời mở lòng công đức giúp đỡ các địa phương tiền, ruộng để xây dựng mở mang các công trình phúc lợi như cầu, chợ, đền, chùa, miếu…
Ghi nhớ công lao của vợ chồng công chúa Thiều Dương- Hoa Phong hầu Phạm Đức Hóa cùng vị Khang quốc Công Phạm Văn Liêu, trên các miền quê thuộc đạo Kinh Bắc xưa trong đó có Bắc Giang, nhân dân nhiều nơi đã xây dựng đình, đền, miếu, phủ tôn thờ.
Đó là phần mộ và đền thờ Từ Mận, thuộc xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang. Ngôi đền tọa lạc bên cạnh dòng sông Thương, cảnh quan trên bến dưới thuyền. Đôi câu đối treo ở đền nói rõ về ân đức của người được thờ: Con gái đế vương, tấm lòng trinh liệt, thành phúc thần là chuyện cũ/ Đất ấy mây núi mưa sông, nhận chiếu vua ban, truyền lại đền thiêng.
Các ngôi đền khác thờ Thiều Dương công chúa như: Đền Vua Bà (Xa Lâu Điện) ở làng Ảm, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng; đền thờ công chúa Thiều Dương ở Hoàng Mai, Việt Yên; đình Cây Mai, xã Xuân Hương, Lạng Giang-nơi thờ Phạm Đức Hóa, phò mã dưới triều Lê, chồng của Ngọc Khanh công chúa.
Hiện nay tại di tích nhà thờ họ Phạm (xóm Chùa, xã Xuân Hương, Lạng Giang) còn lưu giữ nhiều tài liệu Hán - Nôm và hiện vật cổ liên quan đến cuộc đời công chúa Thiều Dương do các triều đại phong kiến thời Lê- Nguyễn ban phong. Đó là các đạo sắc phong, sắc chỉ, lệnh dụ, chiếu, sổ sách, đồ tế tự…
Qua những tư liệu này cho thấy, công chúa Thiều Dương Lê Thị Ngọc Khanh là nhân vật lịch sử có nhiều công lao với dân với nước, cuộc đời bà đã gắn bó sâu sắc, ân sâu nghĩa nặng với nhân dân miền Kinh Bắc nói chung và vùng đất Bắc Giang nói riêng.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)