Bia gửi giỗ - lưu truyền nét đẹp văn hóa
Bia gửi giỗ tại đình, chùa Ninh Động, xã Ninh Sơn. |
Đây là thể loại bia có tính chất làm bằng chứng giao kèo giữa bên gửi giỗ và bên nhận tiền kèm theo những quy định cụ thể trong ngày cúng giỗ. Tuy nhiên, nội dung của những tấm bia này lại phản ánh tư tưởng, văn hóa, phong tục, tập quán, kinh tế… của đời sống xã hội đương thời.
Tục gửi giỗ nảy sinh từ nhu cầu trong cuộc sống- mong muốn sau khi qua đời được hưởng sự thờ cúng mãi mãi. Đối tượng gửi giỗ thường là những người không có con trai nối dõi, người độc thân, người cô đơn không nơi nương tựa. Tuy nhiên, cũng có người lại xin gửi giỗ vào đình, chùa với quan niệm mong cho con cháu sau này làm ăn phát đạt, gặp nhiều điều tốt lành trong cuộc sống.
Bia gửi giỗ được ra đời khi trong làng, xã có những việc chi dùng lớn như: Tôn tạo, trùng tu di tích, làm đường, xây cầu, phu phen tạp dịch… và những việc công khác do người dân không đủ tiền nộp, vì vậy cần huy động tiền của trong dân. Những người có nhu cầu, nhân những dịp đó xin nộp tiền, ruộng giúp dân chi dùng vào việc chung rồi gửi giỗ cho bản thân và gia đình. Nội dung được khắc vào bia là liệt kê họ tên, số tiền, số ruộng và ngày giỗ cùng các đồ cúng lễ của những người gửi giỗ.
Bia “Kí kị bi” (bia ghi việc gửi giỗ) tại đình-chùa Ninh Động, xã Ninh Sơn (Việt Yên) niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1845) cho biết: “…Xã Ninh Động, huyện Việt Yên, phủ Thiên Phúc có việc tu bổ làm đình trung, chi phí khá nhiều, chưa biết dựa vào đâu. Giữa lúc đó, trong xã có ông Ngô Đình Nghiễm, tự Pháp Thông, vợ Ngô Thị Tựu cúng 160 quan tiền. Hoa màu, ruộng các xứ gồm: 1 thửa ruộng xứ Ao Bối 1 sào (phía Đông gần đường nhỏ), 1 thửa ruộng xứ nhà Ly 1 sào, 4 thước (Đông gần ruộng An Tứ), 1 thửa ruộng xứ Đồng Ngõa 1 sào, 4 thước, 1 thửa ruộng xứ Đống Quân 8 sào, 2 thước; 1 thửa ruộng xứ Đồng Ngõa 6 thước; lại 1 thửa ruộng các xứ gồm 1 thửa ruộng xứ Ao Bối 1 sào; 1 thửa ruộng xứ Đống Quân 2 sào; 1 thửa ruộng xứ Đồng Ngõa 1 sào; 1 thửa ruộng xứ nhà Ly 10 thước, 1 thửa ruộng xứ Đồng Băng 10 thước… để gửi giỗ cho bản thân”.
Bia “Kí kị bi kí” tại chùa Đông Kênh, xã Đông Sơn (Yên Thế), niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) ghi: “Nay thôn ta tu sửa chùa làng đã nhiều năm bị mưa dập gió vùi, ấp ta có bà Chu Thị Nhan là vợ cả của quan huấn đạo (quan phụ trách về việc dạy học) là người hảo tâm… bà đã xuất 200 nguyên đồng tiền bạc góp vào cho bản thôn chi dùng, gửi giỗ cho chồng và bản thân… Bà Nhan còn xuất 2 mẫu 9 sào 11 thước ruộng tốt giao cho dân thôn thay nhau canh tác để lấy vật phẩm cúng giỗ… dân thôn nhất nhất đồng thuận lập bia ghi lại để đời đời không quên”.
Bia “Hậu tự bi kí” chùa Linh Quang, thôn Quỳnh Độ, xã Bắc Lũng (Lục Nam), niên hiệu Khải Định thứ 8 (1923) có ghi: “Nay chùa Linh Quang, thôn Quỳnh Độ, xã Bắc Lũng, tổng Bắc Lũng, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang có chánh phó hưng công họ Nguyễn cùng Thiền tử Vũ Văn Phối đúc 1 tòa Cửu Long và 1 quả chuông đồng, công việc lớn lao, xét thấy còn thiếu khá nhiều tiền chi dùng. Có bà Nguyễn Thị Chiên, hiệu Diệu Đàn xuất 40 đồng tiền văn và 4 sào ruộng tại xứ Bến Đò để hưng công, số ruộng thì luân phiên canh tác mỗi năm thu lại 4 thúng thóc để chi dùng. Toàn họ cùng liên danh ký kết, nhất nhất thuận tình cho bà gửi giỗ và tôn bầu bà làm Hậu của chùa. Các tiết lệ đều được khắc ghi cụ thể vào bia…”.
Niên đại ra đời của bia gửi giỗ chủ yếu vào thời Nguyễn và tập trung phần lớn ở các chùa. Ngoài yếu tố do kinh tế phát triển thì sự bất ổn xã hội cũng là một nguyên nhân đẩy các tầng lớp nhân dân tìm đến thần linh, mong được cứu vớt.
Ở Bắc Giang có rất nhiều làng quê hình thành và duy trì được tục gửi giỗ. Nó không chỉ có ý nghĩa đối với cá nhân người gửi giỗ hoặc người được gửi giỗ mà còn có ý nghĩa đối với cả cộng đồng xã hội.
Thu Hường
Ý kiến bạn đọc (0)