Quan tâm ứng dụng kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực y dược
BẮC GIANG - Những năm qua, nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị trong và ngoài tỉnh quan tâm thực hiện các giải pháp, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) lĩnh vực y dược. Kết quả của hoạt động nghiên cứu đã được ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Phát huy hiệu quả
Ngành Y tế Bắc Giang ngày càng phát triển nhanh, vượt bậc, đạt nhiều thành tựu quan trọng trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; đóng góp vào đó có vai trò quan trọng của hoạt động nghiên cứu, thực hiện các giải pháp, dự án, đề tài KH&CN. Thống kê của Sở KH&CN, giai đoạn 2021-2024, Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài KH&CN tỉnh tư vấn, nghiệm thu 10 đề tài nghiên cứu KH&CN cấp tỉnh và 7 đề tài cấp cơ sở lĩnh vực y dược (tổ chức chủ trì đề tài là đơn vị ở cả trong và ngoài tỉnh).
|
Kíp mổ Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang thực hiện kỹ thuật phẫu thuật nội soi đặt tấm lưới sinh học treo cổ tử cung lên thành bụng. Ảnh: Sỹ Quyết. |
Hưởng ứng các phong trào thi đua do Công đoàn ngành Y tế Bắc Giang phát động, mỗi năm, cán bộ, đoàn viên đều tích cực học tập, nghiên cứu, thực hiện hàng trăm sáng kiến, giải pháp điều trị mới. Nội dung nghiên cứu đa dạng, phong phú như: Điều trị, điều dưỡng, chăm sóc người bệnh; dược; y tế công cộng; phòng bệnh; quản lý y tế; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ… Chất lượng các giải pháp, đề tài, dự án KH&CN ngày càng nâng cao, bám sát nhu cầu thực tiễn, góp phần nâng chất lượng khám, chữa bệnh.
Giai đoạn 2021-2024, Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài KH&CN tỉnh tư vấn, nghiệm thu 10 đề tài nghiên cứu KH&CN cấp tỉnh và 7 đề tài cấp cơ sở lĩnh vực y dược (tổ chức chủ trì đề tài là đơn vị ở cả trong và ngoài tỉnh). Chất lượng các đề tài, dự án KH&CN ngày càng nâng cao, bám sát nhu cầu thực tế. |
Từ năm 2021, Bệnh viện Sản-Nhi Bắc Giang đã áp dụng phương pháp sử dụng kháng sinh dự phòng trong mổ lấy thai và đến nay chưa có trường hợp nào nhiễm khuẩn ối, tỷ lệ thành công 100%. Trước kia, sản phụ phẫu thuật lấy thai cần tiêm kháng sinh 7 ngày đến khi ra viện. Với phương pháp mới, bệnh nhân chỉ cần tiêm 2 mũi kháng sinh. Trung bình mỗi năm, bệnh viện thực hiện khoảng 5 nghìn ca mổ lấy thai (tỷ lệ áp dụng kháng sinh dự phòng từ 85-90%), như vậy tiết kiệm từ 4,5-4,8 tỷ đồng chi phí điều trị. Điều quan trọng là giảm đau cho bệnh nhân, giảm dư lượng kháng sinh tiết qua sữa mẹ, giảm tác hại của kháng sinh đối với trẻ sơ sinh.
Năm 2019, Bệnh viện Ung bướu tỉnh triển khai kỹ thuật mở thông dạ dày qua nội soi, đến nay đã được nhân rộng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Theo ông Hoàng Trường Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mở thông dạ dày chỉ định cho bệnh nhân rối loạn nuốt kéo dài; khi cơ thể người bệnh không đưa thức ăn được từ miệng xuống dạ dày do bất kỳ nguyên nhân gì cũng cần phải mở thông dạ dày để tránh mất chất dinh dưỡng và suy kiệt.
Thời gian thực hiện kỹ thuật chỉ mất 15-20 phút, thủ thuật đơn giản, thực hiện tại phòng nội soi có gây mê giúp người bệnh không phải phẫu thuật lớn. Bệnh nhân ăn uống qua đường mở thông sau khoảng 8 giờ, có thể xuất viện ngay sau khi làm thủ thuật mà không phải nằm viện điều trị. Hiện một số bệnh viện tuyến cơ sở cũng đã làm chủ kỹ thuật này, giúp giảm bớt gánh nặng cho người bệnh, gia đình bệnh nhân và xã hội.
Một số giải pháp, đề tài, dự án KH&CN khác cũng được đánh giá cao, áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn như: Nghiên cứu nâng cao năng lực thực hành chăm sóc của đội ngũ điều dưỡng trong các cơ sở y tế công lập tỉnh Bắc Giang; đánh giá hiệu quả điều trị nút mạch hóa chất trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh… Các nghiên cứu khoa học về cây dược liệu (nấm lim xanh, ngải, sâm tố nữ, ba kích, cà gai leo…) cũng góp phần khẳng định các giá trị cây dược liệu đem lại, đề xuất kế hoạch bảo tồn, nhân rộng, phát triển mô hình theo chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.
Lựa chọn đề tài cấp thiết, tính ứng dụng cao
Bên cạnh kết quả đạt được, một số giải pháp, đề tài nghiên cứu KH&CN lĩnh vực y dược vẫn chưa bảo đảm chất lượng như kỳ vọng, mới chỉ tập trung ở các đơn vị y tế tuyến tỉnh. Một số đơn vị chưa thực hiện tốt các quy định về quy trình đăng ký và đề nghị thẩm định đề tài cấp cơ sở. Chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học chưa cao, thiếu chuyên gia đầu ngành tư vấn. Vì một số nguyên nhân chủ quan, khách quan, một số đề tài, dự án phải dừng lại, gia hạn thời gian thực hiện. Hằng năm, nguồn kinh phí bố trí cho hoạt động nghiên cứu khoa học ở một số đơn vị còn hạn chế.
Sau khi thẳng thắn nhìn nhận khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, tổ chức đã quan tâm tháo gỡ. Theo đó, từng cá nhân, tổ chức chú trọng lựa chọn, sàng lọc kỹ các giải pháp, đề tài nghiên cứu ngay từ khâu xét duyệt đề cương; ưu tiên lựa chọn, đặt hàng các đề tài phù hợp với định hướng, cấp thiết, có tính ứng dụng cao. Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài KH&CN tỉnh thường mời các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học tham gia xét duyệt, thẩm định, đánh giá đề tài theo chuyên ngành, lĩnh vực phù hợp.
Nhiều đơn vị đã phát huy vai trò gương mẫu, tiên phong của đội ngũ lãnh đạo chủ chốt. Như ở Bệnh viện Sản-Nhi Bắc Giang, thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện là chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học. Hiện ông cùng nhóm tác giả đang thực hiện đề tài nghiên cứu về thực trạng bệnh thiếu máu, thiếu sắt, bệnh tan máu bẩm sinh ở trẻ em tại huyện Sơn Động. Kinh nghiệm của ông và nhóm tác giả là xác định rõ mục tiêu, các sản phẩm của đề tài; nghiên cứu kỹ lý luận, bám sát thực tiễn đời sống; điều tra, khảo sát, thu thập dữ liệu đầy đủ, đúng đối tượng; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan.
Vừa qua, Hội đồng KH&CN tỉnh họp và đề xuất 10 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh thực hiện trong năm 2025. Trong đó, lĩnh vực y dược có 2 nhiệm vụ (nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ đào tạo và sàng lọc ung thư cổ tử cung; nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm từ ba kích ở huyện Sơn Động).
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN, Phó Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh cho hay, thời gian tới, cơ quan thường trực Hội đồng tiếp tục quản lý chặt chẽ các nhiệm vụ lĩnh vực y dược nói riêng, các nhiệm vụ khác nói chung từ khi bắt đầu triển khai đến khi kết thúc, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Cùng đó quan tâm tuyên truyền, đề xuất ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Công đoàn ngành Y tế cũng thường xuyên chỉ đạo công đoàn cơ sở tham mưu với cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện cho cán bộ, đoàn viên tham gia học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn; đầu tư trang thiết bị hiện đại để triển khai kỹ thuật mới; quan tâm biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích trong nghiên cứu khoa học.
Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)