Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Mang yêu thương đến với học trò
Lội suối, băng rừng đến lớp
Từ quốc lộ 31, qua cầu Cẩm Đàn rẽ vào con đường bê tông độc đạo hơn 20 km, chúng tôi tới UBND xã Phúc Sơn. Đây là tên mới sau khi sáp nhập hai xã Thạch Sơn và Phúc Thắng vào đầu năm 2020. Từ UBND xã đến Trường Tiểu học và THCS Phúc Sơn 2 phải đi qua 5 ngầm có biển cảnh báo nước sâu nguy hiểm.
![]() |
Đường đến trường của học sinh Khe Moòng, thôn Đồng Băm. |
Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn Nguyễn Thị Lương nói: “Hôm nay nắng ráo còn đỡ. Vào đợt mưa kéo dài vài ngày là các thôn bị cô lập hết vì lũ đổ về chia cắt đường”. Trường nằm trên sườn đồi ở thôn Đồng Băm, là ngôi trường liên cấp có số lượng học sinh ít nhất tỉnh.
Khu lớp học rộng khoảng 4 nghìn m2. Được sự quan tâm của các cấp, ngành, nhân dân, năm học 2022-2023, nhà trường có thêm 10 phòng học, chức năng mới khang trang. Tuy nhiên, dãy dành cho học sinh tiểu học vẫn lợp mái tôn, phòng học chật chội. Năm nay, trường có 9 khối lớp với 91 học sinh. Mỗi khối chỉ có một lớp, ít là 9, nhiều nhất là 14 em. Hơn 90% trong số này là con em đồng bào dân tộc thiểu số.
![]() |
Thầy và trò nhà trường phấn khởi khi có phòng học mới |
Để đến trường, nhiều học sinh ngày ngày vượt qua quãng đường dài, gần là 2 km, xa nhất cách hơn 9 km. Bố mất sớm, mẹ đi bước nữa nên Lý Nam Cường (SN 2009), học lớp 8 ở thôn Non Tá cùng ba em ở với ông bà nội già yếu. Anh em Cường thường xuyên phải đi bộ cả tiếng đồng hồ tới trường. Đường đi hầu hết là dốc cao, gồ ghề. Gặp ngày mưa, khi tới lớp cũng là lúc quần áo mấy anh em ướt sũng, lấm lem. Nhiều hôm học xong các em không thể về do nước ở các ngầm dâng cao.
Vất vả là thế nhưng các em vẫn miệt mài học tập vì thầy cô thường nói phải có kiến thức mới mong tìm kiếm việc làm để cuộc sống tốt hơn. Nhỏ bé như học sinh mầm non song Đặng Quý Hương (SN 2015) đã học lớp 2. Hằng ngày, em rời nhà từ khi sương còn giăng khắp các dãy núi, băng qua quãng đường 6 km cùng các bạn tới lớp.
![]() |
Học sinh vui đùa tại sân trường. |
Tung tăng chơi ở sân trường, em chỉ cho tôi con đường đất ngoằn ngoèo phía xa xa: “Nhà con đi về hướng bên đó cô ạ. Đường đi nhiều đá dăm, nắng không sao chứ mỗi khi mưa, cả nhóm phải bám lấy nhau để khỏi bị ngã. Những hôm bố mẹ không bận đi rừng thì con được đưa đi học bằng xe máy. Có nhiều đoạn khó đi, hai mẹ con xuống dắt bộ”.
Cùng với Cường, Hương, học sinh Trường Tiểu học và THCS Phúc Sơn 2 đều sinh sống cách xa trường. Những em có phụ huynh đưa đón không nhiều, hầu hết phải đi bộ từ 1 - 2 tiếng mới tới trường. Những cung đường ghập ghềnh trở thành thử thách mà những trẻ nhỏ nơi đây phải vượt qua. Càng nghe những câu chuyện về thầy và trò, tôi càng thấm thía, cảm thông với cuộc sống vất vả của bà con vùng đất này.
![]() |
Giờ giải lao của các em lớp 2A. |
Chị Triệu Thị Xuân (SN 1996), một phụ huynh ở thôn Đồng Băm cho biết: “Nhà tôi ở Khe Moòng, tận cùng trong thôn, đường đi đôi khi có nước chảy xiết, dễ sạt lở. Vợ chồng tôi đều vào rừng từ sớm chẳng thể đưa con đến trường. Có những lúc tôi muốn cho con nghỉ học vì cháu còn bé quá mà đường đi nguy hiểm. Thế nhưng thầy cô đến tận nhà động viên, tôi lại cố gắng cho con theo. Chỉ mong con được học hành tới nơi, tới chốn, sau này không vất vả như cha mẹ".
San sẻ khó khăn
Buổi trưa, khoảng 70 em ở lại trường để học tiếp buổi chiều. Cơ sở vật chất thiếu thốn nên xã bố trí trụ sở của Trạm Y tế xã Thạch Sơn cũ làm chỗ nghỉ trưa cho học sinh. Trong một căn phòng chừng 20 m2 có 6 chiếc giường tầng inox. Đây là đồ dùng do nhà hảo tâm tặng. Ở các phòng khác, do không có giường tầng, các em phải kê gạch, đặt các tấm gỗ lên rồi trải chiếu để ngả lưng.
![]() |
Bữa ăn bán trú của cô, trò nhà trường. |
Bãi đất trống cạnh dãy phòng nghỉ được che bằng tấm bạt mỏng làm bếp. Hằng ngày, các em chia nhóm để cùng nấu cơm. Nhà có gì các em mang đến cái đó và các thầy cô mua góp thêm. Thầy cô nào hết tiết sớm thì cùng vào bếp. Nhà trường tận dụng một khoảnh đất trống trồng thêm rau xanh.
Thương học trò, cứ sau mỗi ngày nghỉ cuối tuần trở lại trường, các thầy cô lại "tay xách, nách mang" đồ ăn, thức uống để cải thiện bữa ăn cho học trò. Sắp tới, trụ sở xã Thạch Sơn cũ sẽ được đầu tư, nâng cấp thành khu nội trú giúp cô trò nơi đây vơi đi phần nào khó khăn trong sinh hoạt.
![]() |
Cô giáo Hoàng Thị Thọ hướng dẫn học sinh đọc bài. |
Cô giáo Hoàng Thị Thọ đã gắn bó với ngôi trường này gần 4 năm. Cô cho biết: “Nhiều em thích đi học nhưng gia cảnh khó khăn nên cha mẹ muốn con nghỉ học. Ngoài tới các gia đình vận động, chúng tôi kêu gọi phụ huynh khác cùng giúp đỡ, kết hợp đưa đón các con”. Đơn cử như trường hợp của em Hoàng Văn Vượng (SN 2015), thôn Đồng Cao, nhà cách trường 8 km. Bố mẹ Vượng đi lao động ở nước ngoài cách đây ba năm, hiện không rõ tin tức.
Em ở nhà với ông bà nội già yếu. Mỗi khi trời mưa gió, vì không có ai đưa đón nên em đành nghỉ học. Để bảo đảm an toàn, giáo viên chủ nhiệm của em đã đến nhà xin phép ông bà cho em ở lại trường trong những ngày đi học. Thế là cứ đầu tuần, Vượng lại đi bộ tới trường rồi ở lại khu trạm y tế, tự mình nấu ăn.
![]() |
Học sinh chăm sóc rau xanh tại trường. |
Cuối tuần, các cô giáo nhờ phụ huynh cho em đi nhờ một vài đoạn về nhà. Hay như hoàn cảnh éo le của hai chị em La Thị Vân Anh (SN 2008) ở thôn Non Tá. Hai em sinh ra đều không biết mặt bố. Mẹ sau đó cũng bỏ đi để lại hai bé tự mình bươn chải dưới sự đùm bọc của thầy cô, hàng xóm.
Dành bao tâm huyết, mang yêu thương cho học trò, hằng ngày, cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Phúc Sơn 2 kiên trì đồng hành cùng các em trên con đường bồi đắp tri thức. Dù còn thiếu thốn đủ bề nhưng các thầy cô thường xuyên đóng góp, trích lương để hỗ trợ lương thực, thực phẩm, mua đồ dùng sinh hoạt, học tập, tặng quà cho học trò vào các dịp lễ, tết...
Để có thêm nguồn lực, cán bộ, giáo viên nhà trường tích cực kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ học sinh. Trong năm học 2021-2022, nhà trường đã vận động 10 đoàn từ thiện đến thăm, ủng hộ cơ sở vật chất, đồ dùng sinh hoạt, lương thực, thực phẩm, xe đạp, quần áo trị giá gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, có hai học sinh được nhận đỡ đầu đến khi học hết lớp 9 với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng.
![]() Nhà trường đạt được kết quả tích cực là nhờ sự đoàn kết, quyết tâm vượt khó, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục, đào tạo. Cùng đó là sự quan tâm của chính quyền cơ sở, hỗ trợ của các mạnh thường quân và các bậc phụ huynh. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự chung tay của cộng đồng để học sinh có điều kiện học tập tốt hơn".
Thầy Nguyễn Duy Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Phúc Sơn 2. |
Với sự nỗ lực của tập thể nhà trường, các em học sinh, mọi chỉ tiêu nhiệm vụ năm học đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Năm học 2021-2022, cán bộ, giáo viên đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. 6/22 thầy cô hoàn thành xuất sắc, cô Hoàng Thị Thọ được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp huyện.
Toàn trường có 8 học sinh đoạt giải tại các cuộc thi cấp huyện; 1 em đoạt giải khuyến khích cấp tỉnh Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên.
Điểm bình quân của học sinh nhà trường dự thi vào lớp 10 THPT cao hơn so với bình quân chung toàn huyện.
Tôi rời ngôi trường đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao, những đứa trẻ vẫy tay chào tạm biệt. Mong rằng sẽ có thêm nhiều sự quan tâm dành cho ngôi trường này để học trò nơi đây bớt thiệt thòi, được tiếp tục học hành, thực hiện ước mơ về một tương lai tươi sáng.
Bài, ảnh: Ngọc Anh - Đỗ Quyên
Ý kiến bạn đọc (0)