Cay cay khói bếp...
BẮC GIANG - Áp Tết năm ngoái, tôi đi chợ hoa, tiện đường ghé thăm vợ chồng anh bạn. Tôi với anh chị là đồng hương, đồng môn và đồng niên nhưng thâm niên “công dân Thủ đô” thì anh chị thua tôi gần bốn chục năm.
Chuyện là, sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi ở lại Hà Nội lập nghiệp, còn anh bạn thì về tỉnh nhà công tác theo tiếng gọi tình yêu của cô bạn cùng lớp thời phổ thông, đang dạy học ở trường làng. Gần bốn chục năm, hai đứa con nếp tẻ của anh chị đều lần lượt ra Hà Nội tu nghiệp rồi lập gia đình ở Thủ đô. Chúng năn nỉ mời ông bà ra đoàn tụ cùng con cháu. Mãi đến năm kia, anh chị mới nhận lời ra “nhập trạch” tại một căn hộ trên tầng 20 của một tòa chung cư, do các con mua cho cha mẹ dưỡng già...
![]() |
Minh họa: TQ. |
Cuối năm, người vừa xa quê có bạn cũ từ thời chăn trâu cắt cỏ đến thăm, thật là dịp trùng phùng dốc bầu tâm sự. Bạn tôi bùi ngùi nói rằng có lẽ năm sau, anh chị sẽ lại về quê ăn Tết từ đầu tháng Chạp. Tôi ngạc nhiên: Ơ hay, ở ngoài này đông đủ con trai con gái, cháu nội cháu ngoại, chứ về quê với ai? Thì đấy, chưa đến ba mươi Tết, chúng nó mang đến lỉnh kỉnh những hộp nhỏ thùng to; nào hương hoa, bánh chưng, giò chả, gà làm sạch lông, chuối xanh, bưởi bòng, mâm ngũ quả… chẳng thiếu thứ gì. Ở quê tầm này, ông bà còn mải lúi húi trong căn bếp nồng nặc những khói là khói nhé!
Bạn tôi vẫn chưa nguôi nỗi niềm: Ấy thế, chính cái mùi khói bếp chiều ba mươi ấy đấy! Tôi nhớ, ông ạ...
Đến lượt tôi ngồi thừ ra. Vâng bạn ơi, cả tôi nữa, hình như cũng vì cái mùi khói bếp ấy mà chiều cuối năm tôi tìm sang nhà bạn, thằng bạn gắn liền với tuổi thơ và tuổi trẻ của tôi ở làng quê, nơi chúng mình sinh ra và lớn lên, lăn lóc như củ sắn củ khoai một thời cơ cực nhưng đầy ắp thương yêu, trong trẻo... Tôi xa quê đã mấy chục năm, vẫn khôn nguôi không khí tất bật, bận bịu, ấm cúng trong căn bếp và mùi vị tỏa ra từ những thức ăn chuẩn bị cho mâm cỗ cúng gia tiên.
Nhiều năm qua, đôi khi tôi cũng ở lại ăn Tết ở Hà Nội, mâm cỗ cúng chiều tất niên rước ông bà và mâm cỗ ngày mùng hai hoặc mùng ba Tết để tiễn ông bà về lại cõi tiên, cũng đầy đủ các thức vị như ở quê nhà, nhưng sao vẫn cứ thiêu thiếu… Nhất là tiếng nổ lép bép của những thanh củi đang cháy rừng rực mà bố tôi đã hì hục cưa, chẻ… để dành từ rằm tháng Chạp; là cảnh mấy anh em tôi xăng xái giúp bố gói bánh chưng rồi ngồi chầu chực bên nồi bánh, chờ vớt những chiếc bánh “rùa” bé xíu mà bố vét những nhân, những thịt, những gạo còn thừa để gói riêng cho mấy đứa.
Rồi nữa, cũng cơm, cũng canh, cũng “thịt mỡ, dưa hành”… đủ món; nhưng cơm là cơm nồi điện chứ không phải nồi gang, cá rán chảo chống dính chứ không phải om trong nồi đất, xôi nấu nồi áp suất chứ không phải đồ trong cái chõ gỗ lưu truyền từ thời cụ nội tôi…
Chao ơi, nhớ se thắt cái căn bếp ở quê nhà ngổn ngang rổ rá, nồi niêu, củi rả… và mùi khói bếp ám vào từng món ăn, như là một thứ gia vị đặc trưng; dù khói ấy đã khiến mấy cô con dâu của mẹ tôi mỗi lần về quê nấu cỗ Tết là đôi mắt giàn dụa. Bất kể khâu nào, món gì cũng phải hỏi mẹ, dù các cô đều khéo léo giỏi giang cơm dẻo canh ngọt.
Nhưng mẹ dặn cỗ cúng ông bà tổ tiên thì nấu nướng không được nếm thử như nấu nướng thường ngày, mà cái khoản ngửi mùi để biết độ mặn nhạt thì các cô xin chào thua mẹ. Hơn thế nữa, có khi mẹ còn phát hiện ra cô này ướp thịt bằng nước mắm “chin-su” mang về từ thành phố, chứ không phải bằng chai nước mắm cốt mẹ thửa từ dưới xuôi; rồi cô kia mẹ dặn kho cá thì thêm một thìa mật mía, sao lại rắc đường kính?... Tất cả đều do mẹ nhìn, mẹ ngửi mà biết hết, khiến các cô chỉ biết lắc đầu nhìn nhau.
Nhưng rồi mẹ tôi ngày mỗi già yếu, việc nấu nướng cỗ bàn ngày Tết phải giao phó lại cho mấy cô con dâu phân công nhau hằng năm về mà cáng đáng. Đó là một quyết định bước ngoặt, cực kỳ hệ trọng, cho nên năm đầu tiên “chuyển giao thế hệ bếp núc”, cả mấy gia đình anh em từ trong Nam ngoài Bắc đều tề tựu về.
Một cái Tết sum họp đông đủ cháu con nhất kể từ ngày bố chúng tôi qua đời, để bàn chuyện giỗ chạp, Tết nhất từ nay về sau. Gọi là “họp gia đình” nhưng cũng chẳng có gì khúc mắc gay cấn phải bàn nhiều. Bắt đầu từ năm sau là gia đình anh cả về trực Tết, rồi lần lượt những năm tiếp theo cứ theo thứ tự từ trên xuống mà xoay vòng. Ấy là quy định chung nhưng các gia đình nếu thu xếp được thì cố gắng về quê ăn Tết cho mẹ vui…
Xong cái việc “trực Tết” nhé, còn sắm cỗ Tết thì thực phẩm thời nay quá sẵn, đâu như cái thời phải mua sắm, tích trữ… có khi hàng tháng trời? Chẳng cứ gì Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… mà ngay ở thôn quê mình đây, dịch vụ cỗ bàn bây giờ cũng đâu ra đấy. Cưới hỏi, ma chay bây giờ mấy chục, mấy trăm mâm cũng đều thuê tất, từ A đến Z người ta nấu tận thị trấn, thậm chí tận thị xã...
Mẹ tôi ngồi im lặng lắng nghe các con bàn bạc, xong đâu đấy mới thủng thẳng: Đúng là thời nay sắm cỗ Tết rất thuận tiện đơn giản, nhưng đồ cúng ông bà tổ tiên, mình tự tay làm lấy vẫn hơn, vừa thể hiện tấm lòng con cháu, vừa sạch sẽ tinh khiết… Mấy cô con dâu đưa mắt nhìn nhau, rồi chị dâu cả lên tiếng: Là chúng con chỉ đặt mua đồ sống thôi. Tự tay mình chế biến nấu nướng vẫn ngon hơn chứ mẹ.
Cơ mà, với một số thứ như bánh chưng, giò chả… thì cũng phải theo thời thế, chứ bây giờ mà bày ra ngâm vo, xay giã, đun đun nấu nấu... thì thời gian đâu? Với lại, người ta bây giờ làm ăn hiện đại, sản xuất khép kín, nguyên liệu sạch, chất lượng cao, có mã vạch truy xuất kiểm chứng...
Thế là Tết ấy mẹ tôi yên tâm ngồi xem mấy đứa con cháu xúm xít làm cỗ Tết. Vợ tôi nói vui: Năm nay con làm cỗ Tết “ứng dụng” mẹ nhé! Chả là mùa hè năm kia mẹ ra Hà Nội nằm viện, vợ chồng tôi không có thời gian đưa cơm hằng buổi, mà mẹ thì không thích ăn cơm bệnh viện. Vợ tôi lên mạng, tải ứng dụng Grab Food về để hằng bữa đặt đồ ăn cho mẹ. Cứ a-lô hỏi mẹ bữa nay thích món gì là chỉ hơn chục phút sau đã có người bưng đến đúng món, thơm phức, nóng hổi...
Thoạt đầu, mẹ cứ tưởng vợ chồng tôi nấu rồi nhờ người mang đến, sau mới biết đó là “cơm ứng dụng” từ một siêu thị thức ăn khổng lồ của người Tây kinh doanh ở xứ ta, thì mẹ đã trót… nghiện mất rồi. Nay nghe con dâu nhắc lại, tưởng là mẹ sẽ bảo ăn uống thế thì tiền đâu cho xuể, nào ngờ mẹ trầm ngâm một lúc rồi thong thả nói:
- Tết cổ truyền mà không còn các thứ cổ truyền nấu từ bếp núc nhà mình, thực lòng mẹ không thích. Nhưng nếu cái “ông ứng dụng” ấy đã về làm ăn tận làng mình, thì các con cứ việc. Mẹ cũng không sống được suốt đời để bắt các con phải làm theo kiểu bếp núc ngày xưa. Mỗi thời mỗi khác, Tết nhất bây giờ ăn uống được bao nhiêu mà phải mâm cao cỗ đầy. Với lại các con cũng cần đi chơi, thăm thú, nghỉ ngơi… chứ ba ngày Tết về quê cứ phải lúi húi trong căn bếp sặc khói như đời mẹ sao được?...
Giọng mẹ nhỏ dần như chỉ nói cho mẹ nghe. Trên đôi má nhăn nheo chợt lăn hai giọt nước. Mấy cô con dâu cũng im lặng thẫn thờ, rồi cô nào mắt cũng hấp háy đỏ hoe, rõ ràng không phải vì khói bếp…
Ý kiến bạn đọc (0)