Bắc Giang: Nâng cấp dịch vụ lưu trú, “giữ chân” du khách
BẮC GIANG - Thời gian gần đây, hoạt động du lịch khởi sắc. Nhiều vận động viên (VĐV) đến tham dự các giải thể thao cấp quốc gia, quốc tế tổ chức trên địa bàn tỉnh. Để “giữ chân” du khách, các cấp chính quyền, ngành chức năng cùng doanh nghiệp, cơ sở lưu trú đang nỗ lực khắc phục hạn chế, đáp ứng nhu cầu về địa điểm ăn, nghỉ.
Đầu tư hạ tầng phục vụ du khách
Cuối tháng 5 vừa qua, Bắc Giang đăng cai tổ chức Giải Vô địch cờ vua trẻ quốc gia năm 2024. Giải diễn ra trong 2 tuần thu hút gần 1,5 nghìn VĐV đến từ các tỉnh, thành phố, ngành và câu lạc bộ cờ vua trên toàn quốc. Để tạo thuận lợi cho các đoàn tham dự giải, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Bắc Giang thông tin danh sách các nhà hàng, cơ sở lưu trú trên địa bàn TP Bắc Giang và một số điểm tham quan du lịch của tỉnh, mức phí dịch vụ để các đơn vị nắm bắt, liên hệ. Đồng thời, Sở có công văn đề nghị các khách sạn hỗ trợ, giảm giá cho các đoàn. Qua đó, đáp ứng tốt nơi lưu trú cho số lượng lớn VĐV, góp phần tạo nên thành công của giải. Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Đà Nẵng) chia sẻ: “Trong thời gian đưa con đến Bắc Giang tham dự giải, chúng tôi thuê phòng tại khách sạn Mường Thanh. Phòng đầy đủ tiện nghi, giá phải chăng; lễ tân, nhân viên phục vụ tận tình, chu đáo. Dịp đó đúng vào mùa vải thiều nên tôi cùng mọi người trong đoàn được đi tham quan vùng vải sớm Phúc Hòa”.
Khách liên hệ thuê phòng tại khách sạn Hải An. |
Thời gian gần đây, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh khởi sắc. Năm 2024, trên địa bàn tỉnh diễn ra các sự kiện lớn như : Tuần Văn hóa - Du lịch và khai hội Xuân Tây Yên Tử, Lễ hội kỷ niệm 140 năm Khởi nghĩa Yên Thế, Lễ hội Vật cầu nước làng Vân (thị xã Việt Yên) thu hút đông đảo du khách. Cùng đó, với cơ sở hạ tầng được đầu tư, Bắc Giang đăng cai tổ chức nhiều sự kiện, giải thể thao tầm quốc gia, quốc tế. Mỗi sự kiện thu hút hàng nghìn VĐV cùng lực lượng hỗ trợ, người thân của VĐV. Dịch vụ lưu trú của tỉnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 445 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch gồm: 1 khách sạn 4 sao, 10 khách sạn 3 sao, 30 khách sạn 1-2 sao, còn lại là cơ sở kinh doanh nhà nghỉ với khoảng 5 nghìn phòng, chủ yếu tập trung ở TP Bắc Giang và hơn 1,2 nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Anh Nguyễn Trung Thành, nhân viên bộ phận kinh doanh khách sạn Mường Thanh cho biết: “Khách sạn có 195 phòng, đáp ứng nơi nghỉ cho hơn 400 người. Các phòng được thiết kế hiện đại, sang trọng, đầy đủ thiết bị, dịch vụ ăn uống đa dạng, massage, xông hơi, bể bơi, phòng thể thao”. Ngoài khách sạn Mường Thanh, tại TP Bắc Giang còn nhiều khách sạn, nhà nghỉ 2-3 sao có cơ sở vật chất tốt, chất lượng phục vụ được đánh giá cao như: Khách sạn SOJO Bắc Giang tại đường Nguyễn Văn Cừ; khách sạn Hải An, đường Cả Trọng quy mô từ 100 -120 phòng đầy đủ các tiện nghi cùng hệ thống nhà ăn, quán buffet, cafe giải trí, khu tập gym, yoga…
Khắc phục những “điểm trừ”
Mặc dù có sự đầu tư song so với lượng khách đến Bắc Giang mỗi năm từ 1,8-2 triệu lượt người thì số lượng cơ sở và phòng lưu trú còn khiêm tốn. Thực tế, dịch vụ lưu trú tập trung chủ yếu tại TP Bắc Giang, còn ở các địa phương khác rất thưa thớt. Theo đại diện một số đơn vị lữ hành, các điểm du lịch cộng đồng tại Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế chỉ đáp ứng được nhu cầu lưu trú cho vài chục đến khoảng 100 khách trong ngày. Các cơ sở lưu trú ở đây còn thiếu tiện nghi, nhất là hệ thống điện một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng điều hòa khi du khách lưu trú, ăn uống.
Nhân viên Khách sạn Mường Thanh bài trí phòng đón khách lưu trú. |
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các huyện, thị xã hầu hết có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng các đoàn khách lớn. Những điểm du lịch cộng đồng như bản Ven (Yên Thế), Bầu Tiên (Lục Ngạn), Vạn Hoa Hồ Va (Lục Nam) có diện tích rộng vài chục ha, quang cảnh đẹp song còn thiếu nhà vệ sinh công cộng, bãi đỗ xe. Đội ngũ hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ thiếu chuyên nghiệp. Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động) tuy phong cảnh thiên nhiên đẹp nhưng những hạng mục phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí chưa có. Hiện nay, lượng du khách lưu trú qua đêm tại địa bàn tỉnh thấp (khoảng 20%).
Thời gian tới, dự báo khách du lịch đến Bắc Giang tăng. Ngay trong những tháng cuối năm nay, tại tỉnh diễn ra các giải thể thao quy mô quốc gia như: Vô địch Jujitsu, vô địch Billiard snooker Pool, đá cầu đồng đội… sẽ thu hút số lượng lớn người tham dự. Cùng đó, giải chạy Báo Bắc Giang mở rộng diễn ra vào tháng 10 dự kiến có hàng nghìn VĐV trong và ngoài tỉnh tham gia.
Để đạt mục tiêu thu hút 3 triệu lượt du khách vào năm 2025, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh cùng cộng đồng DN và người làm du lịch quan tâm khắc phục những hạn chế. Trọng tâm là đầu tư nâng cấp cơ sở lưu trú, mở rộng, phát triển dịch vụ vui chơi, giải trí... để "giữ chân" du khách. |
Để đạt mục tiêu thu hút 3 triệu lượt du khách vào năm 2025, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người làm du lịch quan tâm khắc phục những hạn chế. Trọng tâm là đầu tư nâng cấp cơ sở lưu trú, phát triển dịch vụ vui chơi, giải trí... để "giữ chân" du khách. Sở VHTTDL đã tăng cường ứng dụng công nghệ trong phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá, thông tin về các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, nơi ăn uống cho du khách. Bà Dương Thị Hải Vân, Tổng Giám đốc Hợp tác xã Hải An, khách sạn Hải An cho biết: Đồng hành với các sự kiện văn hóa, thể thao do tỉnh đăng cai tổ chức, DN thực hiện chương trình ưu đãi giảm 30-50% giá thuê phòng cho các đoàn VĐV và du khách.
Theo ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các DN đầu tư phát triển du lịch. Chủ trương của tỉnh là tăng cường phát triển dịch vụ tại các địa phương, nâng cấp dịch vụ lưu trú, vui chơi, giải trí và dịch vụ ban đêm, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch. Mới đây, thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2030, toàn tỉnh có 7 điểm du lịch được hỗ trợ kinh phí cho hoạt động du lịch, gồm: Xây dựng, nâng cấp nhà đón khách, phòng lưu trú, thuyền, xe điện vận chuyển; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Tại các huyện miền núi, vùng cao, việc xây dựng khách sạn cao cấp khó khăn nên định hướng tập trung phát triển du lịch cộng đồng, mô hình lưu trú homestay vừa khai thác được nét văn hóa đặc sắc của địa phương vừa tận dụng cơ sở vật chất của người dân làm du lịch, góp phần tăng cơ sở lưu trú, giảm chi phí đầu tư.
Vi Lệ Thanh
Ý kiến bạn đọc (0)