Tăng lương tối thiểu vùng: Giám sát chặt, bảo đảm quyền lợi người lao động
Bảo đảm quyền lợi của công nhân
Từ năm 2015 đến nay, vào dịp 1-1 hằng năm, NLĐ làm việc theo hợp đồng đều mong ngóng được tăng lương TTV. Dù ít hay nhiều nhưng qua mỗi năm, mức lương tối thiểu được Chính phủ điều chỉnh tăng thêm. Đơn cử, năm 2015, lương tối thiểu vùng 1 đạt 3,1 triệu đồng/tháng, đến năm 2020 là 4,42 triệu đồng/tháng, tăng 1,32 triệu đồng sau 5 năm. Năm 2020, theo quy định của Nghị định 90, lương TTV tăng trung bình 5,5% so với năm 2019, mức tăng tuyệt đối từ 150-240 nghìn đồng/tháng/vùng. Mục tiêu của chính sách này là từng bước đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ.
![]() |
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Intermax Việt Nam.
|
Tại Công ty TNHH Intermax Việt Nam, xã Ngọc Vân (Tân Yên), ngay từ đầu năm, hơn 600 công nhân trong 13 chuyền sản xuất đã tất bật với những đơn hàng mới. Đi vào sản xuất từ đầu năm 2017, tình hình lao động của DN luôn ổn định, việc điều chỉnh lương TTV theo quy định luôn được chủ DN chấp hành nghiêm. Từ ngày 1-1 năm nay, NLĐ trong công ty nhận mức lương 3,9 triệu đồng/người/tháng, tăng 200 nghìn đồng so với năm 2019. Trên thực tế, mức lương TTV năm 2020 mà DN đang áp dụng đã cao hơn theo quy định thuộc vùng III (3.430.000 đồng). Chị Hoàng Thị Hường, công nhân công ty nói: “Tôi làm việc tại đây từ những ngày đầu. Mỗi lần được công ty thông báo tăng lương, dù không nhiều nhưng chúng tôi rất mừng bởi có thêm tiền để trang trải cuộc sống. Hiện tổng thu nhập mỗi tháng của tôi gần 8 triệu đồng”.
Lương TTV không chỉ được lấy làm căn cứ trả lương mà còn là cơ sở để DN đóng bảo hiểm xã hội, bảo đảm mức lương hưu của NLĐ sau này. Theo đó hằng năm ngoài được tăng lương, NLĐ hưởng đồng thời hai lợi ích này. Tại Công ty TNHH VN Daeshin Electronic, xã Song Khê (TP Bắc Giang), khi Nghị định 90 có hiệu lực, Ban Chấp hành Công đoàn kịp thời tham mưu với Ban Giám đốc xây dựng thang, bảng lương đúng theo quy định mới. Bà Nguyễn Thị Trang, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Nội dung điều chỉnh được thông báo công khai tại khu vực cửa ra vào và hệ thống loa truyền thanh để lao động nắm rõ. Mức áp dụng năm 2020 của công ty là 3.720.000 đồng/người/tháng, tăng 200 nghìn đồng so với năm 2019. Cùng đó, công ty vẫn bảo đảm chi trả đầy đủ nhiều khoản phụ cấp mỗi tháng như: Chuyên cần (300 nghìn đồng); thâm niên (500 nghìn đồng); xăng xe (150 nghìn đồng); độc hại (250 nghìn đồng); ăn ca (18 nghìn đồng/bữa). Tổng thu nhập dần tăng lên giúp NLĐ từng bước ổn định đời sống, thêm gắn bó với DN.
Không cắt giảm phụ cấp
Nghị định 90 của Chính phủ nêu rõ: “Khi thực hiện mức lương TTV quy định tại Nghị định này, DN không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của DN”.
Theo Nghị định 90, mức lương TTV áp dụng đối với NLĐ làm việc ở DN từ 1-1-2020 như sau: Vùng 1, mức 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 mức 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 mức 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 mức 3.070.000 đồng/tháng. Đối với tỉnh Bắc Giang, các huyện: Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Tân Yên, Lạng Giang và TP Bắc Giang thuộc vùng 3; các huyện Yên Thế, Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam thuộc vùng 4.
|
Quy định là vậy song trên thực tế, việc tăng lương diễn ra vào tháng 1 hằng năm, luôn trùng vào thời điểm các DN có nhiều khoản chi lớn như thưởng Tết dương lịch, âm lịch. Thêm nữa, lương tối thiểu tăng kéo theo mức đóng bảo hiểm xã hội và công đoàn phí tăng theo. Những điều này rất dễ dẫn tới nguy cơ chủ sử dụng lao động tìm cách trì hoãn tăng lương hoặc “lách luật” bằng cách cắt giảm các khoản phụ cấp đã được quy định trong hợp đồng hay thỏa ước lao động tập thể nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Trao đổi với ông Ngô Biên Cương, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh được biết: Toàn tỉnh hiện có 572 DN có tổ chức công đoàn với tổng số 145 nghìn đoàn viên. Trong số này có 480 DN đã thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể, chiếm 83,9%. Đến thời điểm này, theo báo cáo của 17 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 100% công đoàn cơ sở trong DN đều thực hiện nghiêm quy định tăng lương TTV và không phát sinh mâu thuẫn lao động từ cắt giảm phụ cấp. Một số đơn vị điển hình như: Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology Bắc Giang (KCN Vân Trung); Công ty TNHH GU Vina (KCN Đình Trám); Công ty TNHH Nichirin Việt Nam (KCN Quang Châu).
Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu tháng 12-2019, LĐLĐ tỉnh đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở tổ chức tuyên truyền, tập huấn nội dung Nghị định 90 tới đoàn viên, NLĐ và chủ sử dụng lao động. Xây dựng kế hoạch thực hiện nâng lương theo đúng quy định; thông báo công khai trong DN để công nhân nắm bắt được, yên tâm làm việc; đồng thời tự giám sát mức lương của mình để kiến nghị giải quyết quyền lợi. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh phối hợp với ngành lao động, Ban Quản lý các KCN tỉnh hướng dẫn cán bộ công đoàn cơ sở chủ động nắm bắt thông tin, giám sát chặt chẽ việc DN chi trả lương, các khoản ăn ca, phụ cấp chuyên cần, nặng nhọc. “Thực tế, đã từng có các vụ ngừng việc tập thể xuất phát từ nguyên nhân DN thực hiện chưa nghiêm quy định tăng lương TTV. Vì vậy, ở những DN đông công nhân, đã từng xảy ra tranh chấp, chúng tôi phân công cán bộ công đoàn chuyên trách bám sát nắm tình hình để việc điều chỉnh lương phù hợp, kịp thời ngăn chặn ngừng việc tập thể”, ông Ngô Biên Cương nhấn mạnh.
Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)