Thủ tướng: Việt Nam không nằm ngoài cuộc chơi của Cách mạng công nghiệp 4.0
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu định hướng và chỉ đạo tại Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 diễn ra ngày 13-7 tại Hà Nội. (Ảnh: VGP) |
Đây là một trong những phát biểu định hướng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 diễn ra ngày 13-7 tại Hà Nội.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang bùng nổ, tác động đến nhiều quốc gia, Chính phủ các nước hết sức quan tâm và đã chủ động ban hành các chiến lược phát triển 4.0 cho riêng mình. Chẳng hạn như Đức (Industrie 4.0), Mỹ (Liên minh Internet công nghiệp), Hàn Quốc (iKorea 4.0), Trung Quốc (Made in China 2025)...Đối với Việt Nam, CMCN 4.0 cũng đang mang lại cơ hội cho nền công nghiệp số hóa, giúp tăng năng suất lao động, cải thiện hệ thống kết nối thông minh, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu thời gian xử lý, mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, CMCN lần thứ tư cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những đổi mới mạnh mẽ. Đó là phải xây dựng một hành lang phát lý chặt chẽ cho nền công nghiệp số hóa, phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Thời gian qua, Việt Nam đã có những bước chuẩn bị ban đầu. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22-4-2018 về định hướng xây dựng “Chính sách Công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Các Chỉ thị, nghị quyết đã đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó nhấn mạnh việc “Xây dựng và thực hiện Chiến lược tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Việt Nam”. Bộ Chính trị cũng đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng đề án “Chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ 4” trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về vấn đề này, trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đã chủ động triển khai chuyển giao ứng dụng và nghiên cứu công nghệ, đặc biệt nhiều công nghệ mới của thế giới như IoT, trí tuệ nhân tạo, người máy, bigdata...đã tạo ra và duy trì năng lực sản xuất có chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới sáng tạo. Các công nghệ mới của Công nghiệp 4.0 không chỉ phát huy tác dụng ở Việt Nam, còn đóng góp rất nhiều vào nền kinh tế xã hội, những giá trị gia tăng mang lại, đặc biệt là nâng cao năng suất lao động ở Việt Nam. Tuy nhiên đây mới chỉ là những kết quả bước đầu và cơ hội, tiềm năng phát triển còn rất lớn.
“Chúng ta nhận thức rất rõ, việc tiếp cận công nghệ 4.0 ở Việt Nam chưa bắt kịp với xu thế và bản chất của công nghiệp 4.0. Chính vì vậy, chúng ta cần có giải pháp triển khai nhanh, chủ động khai thác những cơ hội 4.0 mang lại”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định.
Để chủ động khai thác những cơ hội do cuộc CMCN 4.0 mang lại cũng như hạn chế những tác động không mong muốn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam rất quyết tâm xây dựng các định hướng lâu dài và chính sách cụ thể. Bên cạnh sự nỗ lực của chính mình, Việt Nam mong muốn hợp tác với các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế trong bối cảnh khoa học, công nghệ tiến bộ vượt bậc, lan tỏa nhanh chóng khi mà tiến trình mở cửa hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh; Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, chú trọng các quy định nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận và phát triển được công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới; tiếp tục chủ động rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp.
Đồng thời, các bộ, ngành địa phương cần xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là công nghệ thông tin-truyền thông, phát triển hạ tầng kết nối số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Hoàn thiện mạng di động 4G, nghiên cứu triển khai 5G, đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất; Phát triển khoa học công nghệ, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Triển khai các hướng nghiên cứu khoa học công nghệ mũi nhọn về công nghệ thông tin, vật lý, sinh học, trí tuệ nhân tạo... Lựa chọn phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm cạnh tranh chiến lược của quốc gia bám sát và tích hợp những công nghệ mới. Tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, có chính sách để phát triển mạnh doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Về nguồn nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng cho rằng, cần tiếp tục phát triển nhanh nguồn nhân lực, thúc đẩy triển khai giáo dục khoa học công nghệ, kỹ thuật...trong chương trình giáo dục phổ thông; nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đào tạo để đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam phải có khát vọng và hiện thực hóa khát vọng vươn ra ngoài biên giới quốc gia, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn chiếm lĩnh các thị trường khó tính của thế giới. Phải có phương án ứng phó với những tác động tiêu cực từ cuộc CMCN 4.0 như xây dựng những kịch bản nhằm thích ứng với tình hình thay đổi do tác động của cuộc cách mạng này; tăng cường quản lý rủi ro từ những hệ quả, nhất là các vấn đề về việc làm và quản trị nhà nước, quản trị doanh nghiệp.
Theo VnMedia
Ý kiến bạn đọc (0)