Bệnh viện Hồi sức Covid giảm 1/3 số ca nặng và tử vong
Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết thông tin trên vào chiều 13/9. Ông nhận định "đây là tín hiệu rất tích cực sau hàng loạt biện pháp chống dịch quyết liệt của thành phố".
Bệnh nhân nặng điều trị tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 chủ yếu từ 50 tuổi trở lên, kèm bệnh lý nền béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp... |
Tròn hai tháng hoạt động, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 - tầng cuối trong mô hình điều trị 3 tầng, có quy mô lớn nhất TP HCM - đã thu dung 2.900 bệnh nhân nặng và nguy kịch, trong đó 2/3 tuổi từ 50 trở lên, kèm bệnh lý nền như béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp... Hiện 50% bệnh nhân đã xuất viện, hoặc giảm từ mức độ nặng sang nhẹ và được chuyển đến bệnh viện tầng dưới tiếp tục điều trị. Số còn lại đang điều trị đều là bệnh nhân nặng.
10 ngày trước đó, số bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 hằng ngày dao động khoảng 710-715 người. Trước đó nữa, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 70 bệnh nhân. Những ngày qua, số bệnh nhân giảm dần, tiếp nhận hơn 40 ca một ngày. Đến trưa 13/9, còn 666 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 150-200 người giảm dần mức độ nặng. Số bệnh nhân được xuất viện hằng ngày tại bệnh viện khoảng 30-50 ca. Số ca tử vong cũng giảm, từ mỗi ngày 16-17 ca xuống 9-10 ca.
Các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 tuyến dưới cũng có những dấu hiệu khả quan, như giảm số ca mới thu dung, giảm ca tử vong, không còn nhiều F0 trở nặng như hồi tháng 8 về trước, số nặng đều được kịp thời chuyển đến các bệnh viện hồi sức, theo bác sĩ Linh.
Số F0 cộng đồng ghi nhận hằng ngày còn cao, 5.000-6.000 ca một ngày, song hầu hết đã được tiếp cận sớm với y tế địa phương và được phát thuốc điều trị kịp thời, do đó ngăn chặn tình trạng bệnh diễn tiến nặng.
"Nếu tình hình tiếp tục ổn định như thế này, chúng tôi hy vọng sắp tới lượng bệnh nhân xuất viện sẽ nhiều hơn lượng bệnh nhân nặng nhập viện", bác sĩ Linh nói.
Để đạt được thành quả bước đầu này, Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 chia sẻ, lực lượng y tế đã nỗ lực làm việc hết sức. Đơn vị anh giống một bệnh viện "Liên hợp quốc" với lực lượng y tế chi viện từ khắp nơi, từ Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định... ở TP HCM, đến các bệnh viện trung ương như Nhi Trung ương, K, các bệnh viện từ Thanh Hóa, Hải Phòng... Bệnh viện được ưu tiên trang thiết bị, vật tư, tổ chức như một bệnh viện đa khoa có thể triển khai phẫu thuật, mở khí quản, can thiệp mạch vành, mổ bắt thai cho sản phụ... ngay tại chỗ.
Khi nhận nhiệm vụ, nhiều bác sĩ, điều dưỡng rất trẻ, không chuyên về hồi sức. Song hằng ngày đối diện với lượng bệnh nhân nguy kịch, số tử vong quá nhiều, độ ngũ y tế đoàn kết, không quan tâm đến nguy cơ lây nhiễm hay đời sống riêng tư, chỉ hướng đến mục tiêu là cứu sống nhiều bệnh nhân nhất, bác sĩ Linh nói.
Tuy nhiên, bác sĩ Linh cũng thẳng thắn nhìn nhận "vẫn còn rất nhiều khó khăn", như thiếu dụng cụ y tế và vật tư tiêu hao vì nguồn cung hiện nay quá ít. "Đôi khi một số thứ có tiền cũng không thể mua được", anh nói. Nhìn chung, tình trạng y tế quá tải vẫn còn, hiện nay bệnh viện chỉ đáp ứng 20-25% nhân sự so với nhu cầu, trong khi số bệnh nhân quá đông. Nhân viên y tế, nhất là cấp chỉ huy, phải bám trụ bệnh viện, hầu như không nghỉ, để sẵn sàng xử trí những tình huống bất ngờ.
Nhằm kéo giảm hơn nữa số ca nhiễm mới, trở nặng và tử vong, bác sĩ Linh kiến nghị thành phố phủ vaccine mũi hai nhanh nhất có thể. Bộ Y tế xem xét sớm cho trẻ em trên 12 tuổi tiêm vaccine, khi đã bắt đầu đi học trở lại. Người dân dù đã tiêm chủng vẫn cần thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, bởi khoảng 5-7% người tiêm hai mũi vaccine bị nhiễm bệnh, thậm chí trở nặng, tử vong.
"Chỉ như vậy mới ngăn chặn được những làn sóng Covid-19 tiếp theo", bác sĩ Linh nói.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)