Bế mạc kỳ họp thứ năm, HĐND huyện Lục Nam khóa XIX: Thông qua 7 nghị quyết với 3 nhiệm vụ cấp bách
Chủ tịch UBND huyện Lục Nam Hà Quốc Hợp phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu. |
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều đại biểu đặt câu hỏi xung quanh những vấn đề tài nguyên- môi trường trên địa bàn huyện. Bà Trần Thị Cẩm Ly, Phó Ban Pháp chế, HĐND huyện nêu: Thực tế, rác thải nông thôn ở các xã, thị trấn ngày càng nhiều nhưng phần lớn không có chỗ để thu gom và xử lý, phát sinh tình trạng xả thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Duy Quảng, Trưởng Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện cho biết, theo số liệu thống kê, báo cáo gần đây của các xã, thị trấn, mỗi ngày rác thải sinh hoạt phát sinh trên toàn huyện là 107,3 tấn, rác thải được thu gom, xử lý tại các bãi rác, điểm tập kết rác và tự xử lý tại gia đình khoảng 101,8 tấn. Như vậy, mỗi ngày có trên 5 tấn rác thải sinh hoạt được người dân thải ra môi trường tự nhiên, không được thu gom, xử lý tồn lưu trong các hộ gia đình, ngõ xóm, thôn, phố, đường xá, kênh mương, ao hồ.
Để xử lý vấn đề trên, ông Quảng kiến nghị, trước mắt, một số vùng nông thôn xa trung tâm, chưa có bãi rác tập trung, điều kiện xe chở rác và đội ngũ thu gom thì giải pháp hữu hiệu là tuyên truyền người dân không vứt rác bừa bãi; vận động, hướng dẫn người dân nên tận dụng vườn, ruộng để xử lý rác thải hữu cơ, hạn chế dùng các sản phẩm gây nguy hại tới môi trường như: túi nilon, các sản phẩm bao bì bằng nhựa, thuỷ tinh… Bên cạnh đó, cấp ủy chính quyền, cả hệ thống chính trị, nhân dân vào cuộc, xác định việc thu gom, xử lý rác thải là nhiệm vụ của mình. “Các xã cần bố trí quỹ đất, kinh phí để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng theo dự án bãi xử lý rác thải đã được phê duyệt”, ông Quảng nói.
Bà Trần Thị Cẩm Ly, Phó Ban Pháp chế, HĐND huyện Lục Nam phát biểu chất vấn tại kỳ họp. |
Vấn đề chuyển đổi từ đất trồng cây hàng năm sang trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản, đại biểu Nguyễn Trọng Tuyên, Phó Ban Kinh tế- xã hội, HĐND huyện cho rằng, hiện nay việc chuyển đổi này rất chậm. Đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết nguyên nhân và giải pháp để giải quyết vấn đề trên? Theo ông Nguyễn Duy Quảng, nguyên nhân khách quan là do Luật Đất đai có nhiều bất cập, đặc biệt trong phân loại đất; chưa có hướng dẫn quy trình cụ thể cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi chuyển đổi hình thức sử dụng đất trong nội bộ nhóm đất nông nghiệp. Nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý đất đai ở cở sở còn lỏng lẻo, để nhân dân tự ý chuyển đổi hình thức sử dụng đất trong nông nghiệp diễn biến phức tạp, không kiểm soát được. Để khắc phục tình trạng trên, ông Quảng cho biết, tới đây UBND huyện sẽ xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của cấp huyện trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi của cấp tỉnh; đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa cấp xã trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi của cấp huyện. Do vậy, đề nghị UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và PTNT sớm tham mưu xây dựng kế hoạch.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chất vấn Trưởng Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện về việc thực hiện cung ứng xi- măng hỗ trợ cho cứng hóa đường giao thông nông thôn; biện pháp tăng cường quản lý, thanh toán khối lượng xi- măng cho các chủ đầu tư để xây dựng cứng hóa đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 07 /NQ-HĐND ngày 13-7-2017 của HĐND tỉnh...
3 nhiệm vụ cấp bách
Phát biểu làm rõ hơn những vấn đề đại biểu nêu, ông Hà Quốc Hợp, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho rằng, ngoài các nhiệm vụ trọng tâm khác, năm 2018 có 3 nhiệm vụ cấp bách cần tổ chức thực hiện, giải quyết, đó là tăng cường quản lý đất đai, không để vi phạm mới, tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 43 của BTV Tỉnh ủy về môi trường, trong đó sẽ khuyến khích các xã, thôn quy hoạch và xây dựng bãi rác thải và điểm thu gom rác tập trung; làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, giải quyết kịp thời các vụ việc, mâu thuẫn mới phát sinh ngay tại cơ sở; tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, thực hiện nghiêm túc kỷ cương, kỷ luật hành chính. Ông Hợp yêu cầu: “Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn phải gương mẫu, trách nhiệm, dám làm, dám chịu trách nhiệm và nhiệt huyết với các nhiệm vụ được giao; tích cực trao đổi, phối hợp giải quyết công việc liên quan”.
Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp. |
Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)