Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại
![]() |
Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn bị dẫn giải về nơi giam giữ. |
Liên quan đến tội phạm dâm ô, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục, Viện KSND tỉnh thống kê trong 4 tháng đầu năm 2022, cơ quan điều tra thụ lý 34 vụ với 41 bị can; đã khởi tố 8 vụ, 11 bị can; đề nghị truy tố 8 vụ, 8 bị can. Nhiều vụ việc được đưa ra xét xử để giáo dục riêng, phòng ngừa chung.
Giữa tháng 5/2022, TAND huyện Tân Yên mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (SN 1970) cư trú tại thị trấn Nhã Nam (Tân Yên) bị truy tố về tội "Dâm ô với trẻ em". Được biết, cuối năm 2021, tại nhà riêng, Nguyễn Anh Tuấn có hành vi dâm ô với con gái riêng của vợ (khi đó cháu bé 9 tuổi). Gia đình bị hại đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng. Vừa qua TAND huyện cùng cấp đã tuyên phạt bị cáo 4 năm tù giam.
Tháng 3/2022, TAND tỉnh tuyên phạt Giáp Văn Lào (SN 1968) ở xã Song Vân (Tân Yên) 7 năm tù về tội "Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi". Đáng nói, cháu H. đồng thuận giao cấu với Lào.
Trước đó, TAND huyện Yên Dũng mở phiên tòa xét xử ba bị cáo Nguyễn Thị Xiêm (SN 1981) ở xã Ngọc Châu (Tân Yên) phạm tội “Môi giới mại dâm”; Vũ Văn Hòa (SN 1976) ở xã Phong Châu, huyện Đông Hưng (Thái Bình) phạm tội “Mua dâm người dưới 18 tuổi” và Hứa Văn Yên (SN 1999) ở xã Đông Hưng (Lục Nam) về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Thị Xiêm 7 năm tù; Vũ Văn Hòa 3 năm tù và Hứa Văn Yên 3 năm 3 tháng tù.
![]() |
Nguyễn Thị Xiêm và Vũ Văn Hòa. |
Tham gia nhiều phiên tòa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại, bà Thân Thị Thúy Vân, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) cho hay, nhìn chung ở các vụ việc, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại thường lợi dụng sự non nớt về thể chất, nhận thức còn hạn chế hoặc thông qua mạng xã hội (Zalo, Facebook) để dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ (thường là bé gái) quan hệ tình dục. Hầu hết các vụ xâm hại xảy ra ở nơi vắng vẻ, vùng nông thôn, đối tượng là hàng xóm, người thân của bị hại. Nhiều trường hợp bố mẹ của trẻ ly hôn, ly thân hoặc đi làm xa, không dành thời gian quan tâm, giáo dục con cái.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do trẻ thiếu sự quan tâm, giáo dục, quản lý của gia đình, nhà trường, xã hội. Lối sống buông thả của một bộ phận thanh thiếu niên; văn hóa phẩm đồi trụy dễ dàng xâm nhập vào cuộc sống. Để phòng, chống xâm hại cho trẻ em, các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng đến các phụ huynh, những trường hợp trẻ em vùng nông thôn, hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự quan tâm từ bố mẹ.
![]() |
Cán bộ Hội Luật gia tỉnh tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em. |
Từ đầu năm đến nay, các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể như Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh… đã phối hợp tổ chức nhiều buổi tuyên truyền pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục cho trẻ em.
Giữa tháng 5/2022, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện Yên Thế, UBND xã Tam Hiệp và Trường THCS Tam Hiệp phối hợp tổ chức hội nghị “Tuyên truyền pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục và tai nạn thương tích trẻ em” cho hơn 300 học sinh nhà trường.
Bà Nguyễn Thị Dự, Phó Trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện (báo cáo viên) nhấn mạnh, gia đình và nhà trường cần tiếp tục quan tâm, giáo dục, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho trẻ trước nguy cơ bị xâm hại. Báo cáo viên cũng gợi ý một số biện pháp cho phụ huynh (những người trực tiếp gần gũi trẻ) như dạy trẻ biết tự bảo vệ bản thân mình; không cho người lạ (thậm chí là họ hàng) đụng chạm vào vùng riêng tư; dạy trẻ biết nói “Không” trước những lời dụ dỗ, lôi kéo không lành mạnh; thường xuyên quan sát, tâm sự với trẻ để kịp thời nhận ra những dấu hiệu bất thường về thể chất, tâm sinh lý. Nếu như con bị xâm hại không được đổ lỗi, phán xét, thay vào đó cần yêu thương, che chở con nhiều hơn, giúp con bình tâm, ổn định lại cuộc sống.
Bà Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội Bảo về quyền trẻ em tỉnh cho biết, ngoài phối hợp tuyên truyền pháp luật về phòng, chống xâm hại cho trẻ em, trong năm 2022 và những năm tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh theo dõi, tư vấn, hỗ trợ những trẻ em bị bạo lực, xâm hại; tham gia các đoàn giám sát của các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức, chủ động đề xuất nội dung giám sát liên quan đến trẻ em, nhất là vấn đề phòng chống xâm hại.
Bài, ảnh: Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)