Bài học cảnh tỉnh về “việc nhẹ, lương cao”
BẮC GIANG - Ngồi lặng trong ngôi nhà của bố mẹ đẻ ở thị trấn Vôi (Lạng Giang), anh Tr (SN 1986) kể về chuỗi ngày sống trong sợ hãi trên đất Campuchia mà anh vừa trải qua.
Muôn kiểu “bẫy” người
Tháng 8/2024, anh Tr sang Campuchia làm việc theo lời giới thiệu của một người bạn ở tỉnh Quảng Ninh. Sang đến nơi, anh được bố trí ở trong đặc khu Tam Thái Tử thuộc thị xã Bavet (tỉnh Svay Rieng) giáp với cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Cứ ngỡ ở ngay biên giới nước mình như vậy thì làm sao mà gặp hiểm nguy được, nhưng không, vào đây anh phải nếm những chuỗi ngày đau khổ, suýt mất mạng.
Một đặc khu ở Campuchia - nơi anh Tr ở. |
Khi anh đang ở khu Tam Thái Tử, quản lý người Trung Quốc có đến bảo rằng tình hình ở đây đang bất ổn, bên ngoài đang biểu tình nên tất cả anh em phải lập tức di chuyển, tạm thời sang tỉnh Campot lánh nạn khoảng 10-15 ngày. Tối 24/10, một chiếc ô tô chở khoảng 50 người cả nam và nữ chủ yếu ở độ tuổi từ 20-30 sang khu vực núi Pô Cô (núi Tà Lơn) rồi đưa tất cả lên đỉnh núi. Khu này đang xây dựng hơn hai chục tòa nhà, xung quanh bao bọc bởi hàng rào thép gai cao tầm 4 mét, có mấy hàng rào bảo vệ, cứ cách chừng 50 mét lại có một người cầm dùi cui đứng đó. Những ngày đầu mọi người loanh quanh trong phòng, đến bữa có người mang cơm suất đến.
Nhóm của anh Tr có 8 người Việt Nam. Khoảng chục ngày sau mọi người được đưa vào một hội trường rất rộng, có người hướng dẫn lắp máy tính và cách thức lừa đảo. Lúc này anh Tr bắt đầu lo lắng và điện cho người quản lý hỏi sao bảo đi lánh nạn 10-15 ngày mà bây giờ quá nhiều ngày rồi vẫn bị nhốt ở đây. Người này xin khất là cố gắng thêm vài ngày nữa sẽ được về chỗ cũ. Sốt ruột và nghi ngờ, anh Tr kiên quyết: “Tất cả những hình ảnh, tài liệu, thông tin về mày tao đã gửi cho người A, người B, phải cho tao ra ngay, nếu không tao sẽ đưa hết thông tin lên mạng tố cáo mày”.
Sau mấy ngày vòng vo, cuối cùng nhóm lừa đảo “lộ mặt thật”. Chúng nói đã mua 8 người Việt Nam trong nhóm của anh Tr với giá tổng cộng 16.000 đô la Mỹ. Mỗi người phải trả từ 8.000 -10.000 đô la Mỹ mới được ra khỏi “động quỷ” ở Pô Cô.
Sống trong sợ hãi
Chưa có tiền từ gia đình gửi sang chuộc ngay, cả nhóm vẫn phải làm việc theo chỉ dẫn của những đối tượng lừa đảo. Hằng ngày chúng yêu cầu anh Tr và những người khác chạy quảng cáo, livestream trên Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok giới thiệu về cờ bạc, chứng khoán, giao dịch ngoại hối, hẹn hò, mua sắm nhằm dụ dỗ những người tham gia nạp tiền. Chỉ cần người xem bị kích thích lòng tham và nạp tiền là sẽ rơi “vào bẫy”. Vài lần đầu, người chơi có thể thắng nhưng không thể rút tiền hoặc rút được rất ít, càng chơi càng thua. Thậm chí, chúng còn làm giả các chứng từ chuyển tiền trong trường hợp người chơi muốn rút. Khi một chủ app đã lừa được số lượng khá lớn người chơi, ông chủ sẽ cho đánh sập app để tạo app khác.
Anh Tr bị đánh bầm dập khắp người. |
Những nạn nhân như anh Tr nếu không làm đủ chỉ tiêu là bị hành hạ. Không lừa được 3 người mỗi ngày cũng bị đánh; lừa được 3 người nhưng không đủ số tiền cũng bị đánh; làm việc mỗi ngày khoảng 15 tiếng bên máy tính dẫn đến ngủ gật, ngủ quên cũng bị đánh. Chúng đánh công khai ngay tại nơi làm việc, trước mặt hàng trăm lao động khác, không phải đánh vài cái để cảnh cáo mà là đánh cả tiếng đồng hồ. Trước khi đánh, chúng bắt tất cả mọi người đứng vòng quanh chứng kiến. Ai cũng sợ hãi.
Theo lời anh Tr, khu vực nơi anh bị giam lỏng xảy ra nhiều vụ lừa đảo, buôn người. Đang làm thuê ở khu vực này, buổi tối vẫn còn ngồi quán uống nước với nhau, vậy mà sáng mai tỉnh dậy đã thấy mình ở một đặc khu khác cách xa vài trăm cây số. Những tên quản lý trắng trợn nói rằng đã mua mình về. Đang đi ở vỉa hè có thể bị dúi dùi cui điện, lôi lên ô tô và bị bán luôn.
- Đã sang đây là bắt buộc phải làm ra số tiền gấp nhiều lần số tiền chúng mua mình vào. Không làm được sẽ tiếp tục bị bán, bị tra tấn. Nhiều người bị đánh không chết nhưng quá sợ hãi, về được Việt Nam thì đầu óc ngẩn ngơ. Nhiều trường hợp chúng đòi tiền chuộc, người thân ở nhà không kịp gửi sang nên bị đánh tử vong. Gia đình lại phải mang cả trăm triệu sang mới mang được thi hài, tro cốt về”- anh Tr xót xa nói.
- Làm thế nào mà anh về được Việt Nam an toàn ? - tôi hỏi.
- Xác định đến nước này rồi thì một là sống, hai là chết, mà có chết thì sẽ chết ở Việt Nam nên tôi đã tìm mọi cách để thoát khỏi địa ngục đó. Có lần tôi bị đánh hơn 1 tiếng bằng gậy to như cái điếu cày. Ban đầu chúng vụt vài cái tôi còn thấy đau, sau đó là cắn răng chịu đựng. Những tên quản lý hỏi thông tin về gia đình, tôi có cho số điện thoại của mẹ tôi, chúng gọi về bảo gửi sang 5.000 USD để chuộc. Sau bao ngày tôi mất tích, bố mẹ nhận được thông tin nên đã đi vay mượn, bán cả đất ruộng đất vườn để có tiền chuộc con về. Tuy nhiên, do trước đó tôi quyết liệt phản ứng, đã gửi thông tin về những đối tượng lừa đảo, buôn người đến một số nơi nên chúng không dám làm quá. Khi bố mẹ tôi chưa gửi tiền sang thì một người bên đặc khu đã gọi điện bảo tôi sắp được về.
Bà L (mẹ của Tr) cho biết: “Khi Tr bị nạn, cả gia đình tôi cuống lên tìm mọi cách để cứu con, gọi điện, gửi đơn đến nhiều nơi. Cuối cùng, tôi đến Sở Ngoại vụ tỉnh Bắc Giang và được hướng dẫn làm đơn gửi Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đề nghị hỗ trợ. Nhờ có sự giúp đỡ của cơ quan chức năng, Tr đã được đưa về nhà từ đầu tháng 12. Không có niềm vui nào hơn đối với gia đình tôi. Nếu giờ này mà Tr chưa về, vợ chồng tôi và vợ con nó không biết sống ra sao”.
Sau gần 5 tháng ở Campuchia, anh Tr đã được giải cứu. Khi đi, anh lành lặn, khỏe mạnh; lúc trở về, khắp cơ thể chằng chịt những vết bầm tím do bị đánh đập. Cả bà L và anh Tr đều nhắn nhủ: Đừng ai dại dột nghe lời đường mật sang bên đó làm “việc nhẹ, lương cao”. Thực tế là sự nguy hiểm luôn rình rập, các nạn nhân bị bóc lột sức lao động và có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng, có người đã bị đánh đến tử vong do không làm theo yêu cầu của những đối tượng lừa đảo.
Ý kiến bạn đọc (0)