Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng
BẮC GIANG - Ngày 24/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì tại điểm cầu trung tâm.
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Trương Văn Nam, Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ban, ngành, UBND 10 huyện, thị xã, thành phố.
Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì tại điểm cầu trung tâm. |
Sau 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, với những nỗ lực không ngừng, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những bước tiến quan trọng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Theo đó, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được triển khai mạnh mẽ như: Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động; xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; chuyển đổi vị trí công tác; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; từng bước hoàn thiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn…
Nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt kết quả rất tích cực, toàn diện, đồng bộ.
Thống kê 5 năm qua, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 37.032 cuộc thanh tra hành chính và 935.196 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 658.383 tỷ đồng, 28.321 ha đất; kiến nghị thu hồi 558.977 tỷ đồng, 5.516 ha đất.
Ban hành 599.203 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân với số tiền 27.325 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 12.934 tập thể và 15.873 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 1.714 vụ, 1.334 đối tượng.
Đặc biệt, TAND cấp tỉnh và cấp huyện trên cả nước đã thụ lý xét xử sơ thẩm 2.932 vụ án (7.583 bị cáo) về 7 tội danh tham nhũng. Đến thời điểm này đã đưa ra xét xử 2.120 vụ với 4.898 bị cáo. Kết quả xét xử 4.898 bị cáo không có trường hợp nào được xác định không phạm tội.
Thông qua xét xử các vụ án tham nhũng, tòa án đã tuyên tổng số tiền, tài sản tham nhũng (được quy đổi giá trị bằng tiền) phải thu hồi hơn 4.572 tỷ đồng.
Kết quả tích cực của công tác phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển KT-XH, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Đồng chí Trương Văn Nam, Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát hiện, xử lý tham nhũng chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, biểu hiện ngày càng tinh vi; các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội.
Phát biểu kết luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định thời gian tới công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, thể hiện quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước
Đồng chí đề nghị các bộ, ban, ngành, các địa phương nghiên cứu, thể chế hóa chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng; quán triệt và thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đó là vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.
Ưu tiên triển khai ngay việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về bộ máy nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức cùng với quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy theo chỉ đạo của T.Ư; tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý KT-XH, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, các quy định của pháp luật chặt chẽ.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kịp thời phát hiện xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; phát huy vai trò xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này…
Ý kiến bạn đọc (0)