Bắc Giang xây dựng trường chuẩn quốc gia: Ưu tiên nguồn lực, bảo đảm thực chất, bền vững
Ưu tiên đầu tư xây dựng trường lớp học
So với các huyện, TP khác, Hiệp Hòa có địa bàn rộng, quy mô dân số đông trong khi hệ thống trường lớp hầu hết xây dựng đã nhiều năm, không đáp ứng được yêu cầu đổi mới dạy và học. Tháng 10/2015, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp của huyện mới đạt 67%, thấp nhất tỉnh. Xác định đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là nhiệm vụ cấp bách, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn ưu tiên nguồn lực xây dựng trường, lớp trước sau đó mới xây trụ sở làm việc.
Cơ sở vật chất Trường Tiểu học Thái Đào (Lạng Giang) khang trang, đáp ứng yêu cầu dạy và học. |
Huyện làm chủ đầu tư một số công trình; ngoài ra có cơ chế hỗ trợ các xã từ 200- 300 triệu đồng/phòng học (tăng khoảng 10 lần so với giai đoạn 2010-2015); các trường được công nhận mới đạt chuẩn quốc gia được hỗ trợ từ 100-200 triệu đồng để tu sửa cảnh quan, bổ sung cơ sở vật chất.
Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện xây được 703 phòng học, tổng mức đầu tư khoảng 360 tỷ đồng từ các nguồn vốn, trong đó xóa 232 phòng học tạm, học nhờ. Kết quả này nâng tỷ lệ kiên cố hóa là 84,7%; cùng đó tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 87,64%. Trong quá trình thực hiện, huyện bố trí đủ nguồn vốn tối thiểu cho các trường, đồng thời chỉ đạo những nơi có điều kiện thuận lợi tập trung hoàn thiện các điều kiện để nâng cao các tiêu chí. Ở Trường Tiểu học Danh Thắng, ngay sau khi có cơ sở vật chất khang trang, được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 lần thứ ba vào năm 2018, nhà trường đã tập trung xây dựng và tổ chức hiệu quả các mô hình giáo dục hiện đại theo chuẩn quốc gia mức độ 2.
Tổng hợp từ Sở GD&ĐT, kinh phí để thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016- 2020 hơn 1.683 tỷ đồng, trong đó xây hơn 1,2 nghìn phòng học, phòng bộ môn, còn lại là phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 89,5%, tăng 5,2%; hết năm 2020 tỷ lệ trường chuẩn quốc gia ước đạt 93,2%, tăng 15% so với năm 2015, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. |
Đến tháng 9/2020, huyện Lạng Giang có 72/72 trường học đạt chuẩn quốc gia, vượt kế hoạch 4 trường và nâng tỷ lệ đạt chuẩn lên 100%. Nhiều trường được thiết kế hiện đại như: Mầm non Hương Sơn; THCS Dương Đức, Tân Thanh...
Cùng với bảo đảm cơ sở vật chất, giai đoạn 2016-2020, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên được thực hiện thường xuyên, góp phần nâng tỷ lệ giáo viên đạt trình độ chuyên môn trên chuẩn ở các cấp học tăng so với trước; 100% cán bộ quản lý được bồi dưỡng lý luận chính trị.
Tiếp tục rà soát nâng chất lượng các tiêu chí
Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn quốc gia, cấp ủy, chính quyền địa phương có sự điều chỉnh linh hoạt để bảo đảm chất lượng các tiêu chí bền vững. Với những nơi đến thời hạn nhưng chưa đủ điều kiện, Sở GD&ĐT kiên quyết loại hồ sơ khi thẩm định, không để xảy ra tình trạng nợ tiêu chí.
Ví như Trường Tiểu học thị trấn Nhã Nam (Tân Yên), theo kế hoạch năm 2016 phải hoàn thành tiêu chí chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, sau khi xem xét các điều kiện, Đảng ủy, UBND thị trấn quyết định xin lùi lại 2 năm để có thời gian tập trung hoàn thiện các tiêu chí một cách vững chắc.
Cô và trò Trường THCS Vô Tranh (Lục Nam). |
Sau đó, địa phương đã huy động gần 15 tỷ đồng từ ngân sách và xã hội hóa tập trung mở rộng diện tích, xây dựng thêm nhiều hạng mục phòng học, phòng chức năng, xóa các phòng học cấp 4. Thầy giáo Trần Quang Chỉnh, Hiệu trưởng cho hay, nhờ được đầu tư đầy đủ hơn về cơ sở vật chất, năm 2018 trường đạt chuẩn quốc gia, 2 năm học gần đây chất lượng các phong trào thi đua của trường tăng lên. Năm học 2019-2020, trường xếp thứ 3/24 trường tiểu học toàn huyện về chất lượng giáo dục.
Có thể thấy rõ sau 5 năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, cơ sở vật chất, cảnh quan sư phạm tại các trường học trong tỉnh khang trang, sạch đẹp hơn, đáp ứng cho hoạt động dạy và học. Tuy vậy hiện nay, một số địa phương có trường đạt chuẩn quốc gia nhưng cơ sở vật chất chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu; có trường sau sáp nhập quy mô hơn 30 lớp nên không đúng tiêu chí theo quy định; chất lượng giáo dục không ổn định.
Theo ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, để tiếp tục nâng chất lượng các tiêu chí, thời gian tới, ngành tiếp tục phối hợp với các huyện, TP rà soát; xem xét đề xuất ưu tiên bố trí nguồn lực để xây dựng phòng học đạt tiêu chí trường chuẩn. Cùng đó, phát huy nội lực, tích cực vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà tài trợ và nhân dân ủng hộ vật tư, tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm chất lượng công trình.
Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)