Bắc Giang: Triển khai thực hiện chiến lược phát triển trồng trọt
BẮC GIANG - UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch số 37 về việc thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.
Theo Kế hoạch, tỉnh Bắc Giang đặt ra mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân 2-3%/năm; đảm bảo tưới tiêu chủ động cho 100% diện tích chuyên lúa; diện tích cây ăn quả được áp dụng tưới tiết kiệm đạt 20%; tỷ lệ diện tích sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, thực hành nông nghiệp tốt đạt tiêu chuẩn (GAP và tương đương) đạt 10-15%; tỷ lệ diện tích trồng trọt đạt tiêu chuẩn hữu cơ đạt 1%; giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất trồng trọt đạt 150-160 triệu đồng…
Tỉnh tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm bản địa có lợi thế của các địa phương. |
Phấn đấu đến năm 2050, các sản phẩm ngành trồng trọt được sản xuất theo chuỗi liên kết, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường. Chủ động tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, bảo đảm phát triển sản xuất gắn với hiện đại hóa, bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai thực hiện. Trong đó chú trọng cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng có lợi thế của từng vùng, địa phương theo các nhóm sản phẩm. Thực hiện khoanh vùng, tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn tập trung theo hướng hiện đại, theo chuỗi giá trị.
Đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu thị trường như: Nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao… Thay đổi tư duy, cách thức tổ chức sản xuất trồng trọt theo hướng tập trung vào các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm bản địa có lợi thế của các địa phương.
Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến địa phương, doanh nghiệp, người dân về mã số vùng trồng, các quy định của các nước nhập khẩu nông sản lớn như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Thúc đẩy chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở dữ liệu số sản xuất, kinh doanh trồng trọt, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức triển khai, xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện; thường xuyên đôn đốc, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh hàng năm và theo yêu cầu.
UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, triển khai Kế hoạch thực hiện trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; đề xuất các dự án cụ thể để triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện quản lý, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn bảo đảm đáp ứng nhiệm vụ phát triển sản xuất trồng trọt của tỉnh đã đề ra.
TS
Ý kiến bạn đọc (0)