Bắc Giang: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và chính quyền thân thiện
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Mạc Yến |
Các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ tỉnh; Mai Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng BCĐ tỉnh; Phạm Văn Thịnh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các thành viên BCĐ tỉnh và Tổ giúp việc; trưởng BCĐ thực hiện QCDC, trưởng BCĐ xây dựng chính quyền thân thiện các huyện ủy, thành ủy; trưởng ban dân vận các huyện ủy, thành ủy…
Theo đánh giá của BCĐ tỉnh, năm 2022, các cơ quan, sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TP, xã, phường, thị trấn đã xây dựng kế hoạch thực hiện QCDC ở địa phương, cơ quan, đơn vị; quy định cụ thể những nội dung công khai để người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động biết, được bàn và quyết định trực tiếp, những nội dung được tham gia ý kiến và giám sát, kiểm tra.
Đối với loại hình xã, phường, thị trấn, chính quyền cơ sở đã quan tâm, thực hiện nghiêm các nội dung công khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, cơ sở. Ban thanh tra nhân dân ở cơ sở đã tổ chức 2.092 cuộc giám sát trên các lĩnh vực; phát hiện sai phạm, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với 17 vụ việc. Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 828 dự án đầu tư, đã phát hiện vi phạm, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với 5 dự án.
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Mạc Yến |
Trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện QCDC gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; lắng nghe và giải quyết kịp thời ý kiến phản ánh, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến việc thực hiện QCDC ở một số địa phương, đơn vị chưa thường xuyên; hình thức chưa đa dạng; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, công khai còn hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền, BCĐ cấp huyện chưa quan tâm, chú trọng triển khai, cụ thể hóa văn bản, chỉ thị của T.Ư, tỉnh về thực hiện QCDC ở cơ sở...
Tại hội nghị đã có 5 ý kiến thảo luận, tập trung vào các vấn đề như, những bài học, kinh nghiệm trong việc thực hiện Chỉ thị số 09- CT/TU, ngày 10/8/2021 của BTV Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện QCDC ở cơ sở; những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm trong công tác tham mưu triển khai hoạt động của BCĐ và giải pháp thực hiện xây dựng chính quyền thân thiện trong thời gian tiếp theo; kết quả bước đầu triển khai mô hình “Ngày thứ 6 nhanh” tại phường Lê Lợi (TP Bắc Giang)…
Một số đại biểu đưa ra những kiến nghị, đề xuất cụ thể nhằm làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chính quyền thân thiện ở địa phương. Đồng chí Lương Thế Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lục Nam đề nghị tiếp tục bổ sung và hoàn thiện hệ thống các tiêu chí xây dựng và đánh giá chính quyền thân thiện phù hợp từng địa phương, đơn vị, vùng miền; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức tiếp xúc trực tiếp với nhân dân.
Đồng chí Mai Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Mạc Yến |
Hội nghị cũng thông qua kế hoạch triển khai, xây dựng chính quyền thân thiện xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2025. Theo đó, mục tiêu năm 2023, 30% đơn vị cấp xã đạt chuẩn chính quyền thân thiện; năm 2024, 60% đơn vị cấp xã đạt chuẩn chính quyền thân thiện; năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn chính quyền thân thiện.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Mai Sơn cho rằng, kinh nghiệm để thực hiện tốt mô hình chính quyền thân thiện thì việc gì hay, có lợi cho dân, doanh nghiệp thì quyết liệt chỉ đạo, làm bài bản; ưu tiên đầu tư nguồn lực về cơ sở vật chất và con người, bảo đảm giải quyết tốt mọi công việc của người dân; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác này.
Theo đồng chí Mai Sơn, để đạt được những mục tiêu đã đề ra trong xây dựng chính quyền thân thiện, trước hết cần tăng cường tuyên truyền, kịp thời biểu dương những điển hình tiên tiến, phê bình nghiêm những nơi làm chưa tốt. Trong tháng 4 tới đây, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tiến hành rà soát, xem xét những mô hình nào thực sự hiệu quả để nhân rộng; nâng cao trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức ở bộ phận “một cửa”, xử lý, điều chuyển những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Thị Thu Hồng nhấn mạnh, trong năm 2022, tỉnh đã triển khai có hiệu quả một số văn bản của T.Ư liên quan đến thực hiện QCDC ở cơ sở; công tác tuyên truyền đã được tăng cường, tạo điều kiện cho các cấp triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra. Các địa phương đã tích cực triển khai xây dựng mô hình chính quyền thân thiện.
Đồng chí Lương Thế Tuấn phát biểu tham luận. Ảnh: Mạc Yến |
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng đề nghị, năm 2023, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, triển khai có hiệu quả những chỉ đạo của tỉnh về việc thực hiện QCDC ở cơ sở, rà soát các văn bản liên quan cho phù hợp, trước khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực; tăng cường tuyên truyền về thực hiện QCDC ở cơ sở, nêu rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người dân; gắn chặt việc thực hiện mô hình chính quyền thân thiện với một số mô hình ở cơ sở như mô hình “Công an xã, phường, thị trấn thân thiện, phục vụ, kỷ cương” hay tổ dân vận cộng đồng… Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn trước khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cán bộ lãnh đạo các cấp.
Quan tâm kiện toàn, đổi mới, nâng cao chất lượng BCĐ thực hiện QCDC các cấp, trong đó bổ sung nội dung chính là xây dựng mô hình chính quyền thân thiện; làm tốt công tác nghiên cứu, khảo sát, nắm bắt thông tin, dư luận xã hội; đồng thời tập trung nâng cao chất lượng mô hình chính quyền thân thiện, đẩy mạnh cải cách hành chính; quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác này.
Ban Dân vận Tỉnh ủy bổ sung nội dung liên quan đến việc chỉ đạo xây dựng chính quyền thân thiện vào tiểu ban xây dựng thực hành QCDC xã, phường, thị trấn, không thành lập tiểu ban mới; rà soát, phối hợp với đơn vị liên quan sửa Quy chế văn hóa công sở, cập nhật những thông tin mới như quy định trong sử dụng mạng Internet, mạng xã hội…
MTTQ và các đoàn thể phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc đổi mới phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, thực hiện tốt chức năng giám sát; thi đua, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình trong công tác này.
Ý kiến bạn đọc (0)