Bắc Giang: Thêm những con đường đẹp, cây cầu trong mơ
Yên Dũng - Chí Linh, hai vùng địa linh của Bắc Giang và Hải Dương. Một bên là Kiếp Bạc, Côn Sơn và hàng chục điểm du lịch văn hóa, tâm linh trải dọc vùng đất. Một bên là vùng đất Phượng Hoàng với Tổ đình Vĩnh Nghiêm gắn với con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngăn cách giữa hai vùng đất ấy là Lục Đầu giang văng vẳng trong câu ca: Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí/ Lục Đầu vô thủ bất thu thanh (Dịch nghĩa: Vạn Kiếp có ngọn núi nào thì đều vương hơi kiếm khí/ Lục Đầu không có con nước nào không vang tiếng binh đao).
Tình cờ, tôi có dịp qua xã Đồng Việt (Yên Dũng) vào đúng thời điểm bên kia sông Thương, người dân Hải Dương nô nức đi thả đèn hoa đăng cầu an trong lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, trong khi ở bờ bên này, nhiều người dân Đồng Việt kéo nhau lên đê chăm chú dõi theo. Không thiếu những ánh mắt trẻ em mong muốn được qua bên kia sông để trực tiếp tham gia vào lễ hội nhiều ý nghĩa ấy…
Và bây giờ, một cây cầu trong mơ đang được khẩn trương xây dựng nối hai vùng đất. Những ngày cuối năm 2022, hàng trăm công nhân vẫn miệt mài trong giá rét để góp sức sớm hoàn thiện cây cầu. Ông Đỗ Văn Hùng (58 tuổi), người dân thôn Thượng, xã Đồng Việt không giấu được niềm hy vọng: “Mấy đứa con tôi đi làm xa nhà hết. Tôi cũng mong có cây cầu, kinh tế địa phương phát triển thì các con được về quê làm việc gần nhà. Vậy nên, tôi thường xuyên ra đây ngóng chờ, thấy được sự thay đổi từng ngày của cây cầu mà lòng vui lắm”.
Phối cảnh cầu Đồng Việt. |
Được biết, đây cũng là cây cầu dây văng đầu tiên ở cấp… tỉnh trong cả nước được xây dựng với tổng vốn đầu tư cho cả phần đường dẫn và cầu gần 1.500 tỷ đồng. Cây cầu có chiều dài gần 1 nghìn mét với chiều rộng mặt cầu hơn 20 mét hứa hẹn sẽ là điểm nhấn không chỉ về cảnh quan giữa hai vùng địa linh mà còn là dấu nối quan trọng trong phát triển kinh tế. Một huyết mạch trên con đường vận chuyển hàng hóa từ Bắc Ninh, Bắc Giang với các vùng công nghiệp rộng lớn sẽ được kết nối với các cảng biển của tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng thông qua con đường và cây cầu này. “Huyện cũng đang tích cực mở rộng thêm các con đường nối với quốc lộ 1A, với đường tỉnh 293 để tạo một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại đáp ứng nhu cầu giao thông, vận tải sau này”, ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng thông tin thêm.
Với bức tranh hạ tầng giao thông hiện nay, có thể thấy Bắc Giang đang hình thành một không gian mới với hệ thống các con đường, cầu mới được kết nối khoa học, tiện ích, đồng bộ và hiện đại. Đó là nhờ tầm nhìn, sự ưu tiên đặc biệt của tỉnh trong bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển giao thông. |
Rời Yên Dũng, xuyên qua Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng, theo đường vành đai IV vắt qua các khu công nghiệp Vân Trung, Đình Trám (Việt Yên) lên Hiệp Hòa, chỉ một loáng chúng tôi đã có mặt ở khu vực các xã Đông Lỗ, Bắc Lý. Quả thật, với những người lâu ngày chưa về lại Bắc Giang sẽ khó có thể hình dung ra những cung đường mới được mở. Và mỗi con đường như thế lại là một trải nghiệm mới, một không gian phát triển mới. Hiệp Hòa cũng là vùng đất được tỉnh tập trung xây dựng hạ tầng giao thông đối ngoại kết nối với các địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế, nhất là thu hút đầu tư phát triển công nghiệp là Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP Hà Nội. Hai dự án lớn trên địa bàn huyện là dự án xây dựng đường, cầu Hà Bắc 2 kết nối với QL18, Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) và dự án đường, cầu kết nối huyện Hiệp Hòa với TP Phổ Yên (Thái Nguyên). Trong đó, dự án cầu Hà Bắc có tổng vốn đầu tư gần 360 tỷ đồng, dự án nối với TP Phổ Yên có vốn đầu tư hơn 540 tỷ đồng. Cả hai dự án đều đang được tích cực triển khai thực hiện.
Dự án xây dựng đường, cầu Hà Bắc 2 được kỳ vọng sẽ khơi thông với vùng kinh tế công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, trong khi đó dự án đường, cầu từ quốc lộ 37 đến cầu Hòa Sơn sẽ khai thông con đường sang thủ phủ công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên, sau khi các dự án hoàn thành sẽ tạo nên lợi thế lớn trong phát triển kinh tế của huyện Hiệp Hòa. Ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa chia sẻ: “Hiệp Hòa ở thời điểm thực tại và trong tương lai là một trong những vùng trọng điểm công nghiệp phía Tây của tỉnh, nhưng để biến được những tiềm năng, lợi thế đó thành hiệu quả kinh tế thì giao thông phải đi trước một bước. Việc tập trung đầu tư giao thông kết nối, đối ngoại của tỉnh, của huyện chính là “sự tiếp nhiên liệu” cho động lực phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp của huyện; đồng thời lan tỏa những giá trị tích cực về văn hóa, xã hội, nhất là những giá trị lịch sử của các di tích Quốc gia đặc biệt An toàn khu II Hiệp Hòa”.
Thi công cầu Đồng Việt. |
Ở các huyện khác có tiếp giáp với tỉnh bạn cũng đều có dự án đang triển khai hoặc chuẩn bị triển khai. Có thể kể đến huyện Việt Yên là dự án xây dựng cầu Như Nguyệt với tổng vốn đầu tư 456 tỷ đồng. Tại hai huyện Tân Yên, Yên Thế có dự án kết nối quốc lộ 37, quốc lộ 17 đi huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) với tổng mức đầu tư hơn 1.450 tỷ đồng. Tại Lục Nam sẽ xây dựng cầu đường bộ Cẩm Lý tách khỏi đường sắt; ở huyện vùng cao Sơn Động là các tuyến đường nối từ thị trấn Tây Yên Tử sang tỉnh Quảng Ninh cũng đang được ngành giao thông đề nghị sớm triển khai trong thời gian tới…
Với bức tranh hạ tầng giao thông hiện nay, có thể thấy Bắc Giang đang hình thành một không gian mới với hệ thống các con đường, cầu mới được kết nối khoa học, tiện ích, đồng bộ và hiện đại. Đó là nhờ tầm nhìn, sự ưu tiên đặc biệt của tỉnh trong bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển giao thông. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải nhìn nhận: Chưa khi nào nguồn vốn bố trí cho giao thông lại được tập trung ưu tiên như hiện nay. Chỉ tính hai năm vừa qua, mỗi năm tỉnh chi gần 2 nghìn tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông, bằng cả một nhiệm kỳ trước đây. Với tầm nhìn và sự ưu tiên đó, cùng với chiến lược đầu tư bài bản, trải đều cho các khu vực trong tỉnh… sẽ là những điều kiện tiên quyết cho việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ghi chép của Nguyễn Trường
Ý kiến bạn đọc (0)