Bắc Giang: Thêm cây cầu hiện đại, nối niềm vui đôi bờ
Kết nối giao thương
Cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu có điểm đầu giao với đường ĐH.5B thuộc địa phận xã Cảnh Thụy, qua khu vực quy hoạch Khu công nghiệp đô thị, dịch vụ Đức Giang và Khu công nghiệp đô thị, dịch vụ Đồng Phúc. Điểm cuối kết nối với đường quy hoạch thuộc địa phận xã Hưng Đạo, TP Chí Linh (Hải Dương).
Lễ động thổ cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu đã diễn ra trong tháng 6/2022. Ảnh: Văn Vĩnh. |
Dự án có tổng chiều dài 8,59 km trong đó cầu dài 0,73 km, đường dẫn lên cầu hai bên là 7,86 km; tốc độ thiết kế 100 km/giờ đi qua 4 xã: Cảnh Thụy, Tư Mại, Đồng Phúc và Đồng Việt. Dự án được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng dự kiến năm 2025 hoàn thành.
Phấn khởi khi được dự lễ động thổ, ngắm nhìn phối cảnh toàn bộ cây cầu dây văng đầu tiên và lớn nhất của tỉnh đang dần hiện diện trên quê hương, ông Lương Đức Thạo, Trưởng thôn Cao Đồng, xã Đồng Phúc không giấu được niềm vui. Ông sinh ra và lớn lên ở Đồng Phúc nên hiểu đời sống bà con còn gặp khó khăn do 5/8 thôn ở ngoài vùng đê bối, đường cộc bởi sông ngăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng bấp bênh; giao thông cách trở, giao thương vì thế cũng bị ảnh hưởng.
Bao nhiêu năm qua, người dân nơi đây bị phụ thuộc vào đò, phà, thậm chí phải chèo đò tay nơi bến thôn Cựu rất vất vả, gặp thời tiết mưa bão còn nguy hiểm hơn. Khi có dự án xây dựng cầu, người dân rất vui mừng.
Vì vậy thôn Cao Đồng có hơn 40 nghìn m2 đất nông nghiệp bị ảnh hưởng nhưng người dân đều đồng thuận, nhất trí cao với phương án bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) của Nhà nước. Chính gia đình ông Thạo có 2 ngôi mộ của ông bà phải di dời, vì lợi ích chung, gia đình đã thực hiện sớm để dự án được triển khai thuận lợi.
Ông Thạo chia sẻ: “Khi cây cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng, nơi đây trở thành cửa ngõ thông thương vào huyện, sẽ thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư. Như vậy, người dân xã Đồng Phúc sẽ thêm cơ hội phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Việc có lợi cho địa phương nên chúng tôi đồng thuận ủng hộ”.
Theo sát dự án từ khi có quyết định phê duyệt, ông Nguyễn Văn Thưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho biết: “Bao đời nay, đôi bờ sông nối với nhau bằng những chuyến phà, đò. Vài năm trở lại đây khi mật độ người và phương tiện giao thông tăng cao, nhu cầu đi lại của người dân lớn nên phải chờ đợi, thậm chí còn mất an toàn khi lưu thông qua sông.
Đặc biệt khi trên địa bàn huyện đã được phê duyệt một số khu, cụm công nghiệp với số lượng người lao động gia tăng thì cây cầu Đồng Việt vững chãi, hiện đại thực sự là niềm vui của người dân”.
Đồng thuận cao trong giải phóng mặt bằng
Dự án cầu Đồng Việt được triển khai liên quan đến 646 hộ có đất bị thu hồi. Trong đó xã Tư Mại 115 hộ, xã Đồng Việt 78 hộ, xã Cảnh Thụy 96 hộ và xã Đồng Phúc 357 hộ. Tổng diện tích đất cần GPMB là 31,7 ha.
Cán bộ huyện Yên Dũng và lãnh đạo xã Đồng Phúc tuyên truyền đến người dân có đất thu hồi liên quan đến dự án xây dựng cầu Đồng Việt. |
Được sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các đồng chí Thường trực Huyện uỷ, UBND huyện, công tác tuyên truyền, vận động được quan tâm từ cấp huyện đến cơ sở. Vì vậy tạo được sự đồng thuận của nhân dân địa phương nói chung và của các hộ có đất bị ảnh hưởng của dự án nói riêng. Đơn cử như hộ ông Lê Hồng Xô, thôn Trung, xã Đồng Việt có diện tích bị thu hồi nhiều thứ 2 toàn tuyến với hơn 2,3 nghìn m2 nhưng sớm bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.
Cách làm của huyện là đặc biệt quan tâm và tập trung cao cho công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân địa phương hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của cây cầu. Các đồng chí lãnh đạo thường xuyên đi cơ sở nắm bắt tình hình; chỉ đạo quyết liệt thông qua kiểm điểm tiến độ, giao việc theo các mốc thời gian. GPMB đến đâu bàn giao cho chủ đầu tư đến đó, chỗ dễ làm trước, khó làm sau.
Cây cầu được kỳ vọng thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển du lịch; tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, đồng thời góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông theo định hướng quy hoạch phát triển giao thông - vận tải đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mở rộng kết nối giữa tỉnh Bắc Giang với Hải Dương và các tỉnh, TP trong khu vực. |
Tìm hiểu tại xã Đồng Phúc- nơi có diện tích đất thu hồi phục vụ dự án nhiều nhất, ông Trịnh Nam Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho hay: “Từ một địa phương có giao thông đi lại không thuận lợi, nay có dự án cầu, đường đi qua kết nối giao thương nên đại đa số nhân dân ủng hộ cao.
Đơn cử như trong ranh giới dự án có 7 ngôi mộ tại thôn Cao Đồng liên quan đến 6 hộ, các hộ đã nhận tiền và di chuyển mộ đến nơi mới. Tương tự, đối với đất nông nghiệp, đợt 1 có tổng diện tích thu hồi hơn 93,3 nghìn m2, 100% các hộ liên quan đã nhận tiền bồi thường GPMB với tổng kinh phí hơn 18,15 tỷ đồng. Đợt 2 và đợt 3 đang triển khai đúng tiến độ”.
Theo bà Phòng Thị Ngân, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Dũng thì hiện tại còn gặp khó khăn trong GPMB ở khu vực ngã 6, xã Đồng Phúc liên quan đến 47 hộ, tổng diện tích thu hồi hơn 7 nghìn m2.
Ông Phan Văn Đàm bị ảnh hưởng hơn 300 m2 và ngôi nhà hai tầng xây dựng đã hơn 20 năm ở chân đê chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho biết: “Việc giải tỏa nhà đất là không ai muốn, nhưng chủ trương của tỉnh, huyện xây cầu, làm đường để phát triển KT-XH thì chúng tôi đồng thuận. Mong Nhà nước có chính sách đền bù làm sao để người dân không bị thiệt thòi”.
Để giải quyết tồn tại này, UBND huyện chỉ đạo UBND xã Đồng Phúc chủ trì phối hợp với đơn vị tư vấn và các cơ quan chuyên môn kiểm tra, xác minh nguồn gốc đất của từng thửa, niêm yết công khai theo quy định. UBND huyện đã quy hoạch, bố trí phần diện tích và được HĐND tỉnh chấp thuận thực hiện tái định cư của dự án tại thôn Việt Thắng Làng .
Bài, ảnh: Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)