Bắc Giang: Tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động của hội thẩm nhân dân
Ông Đặng Hồng Chiến chủ trì buổi khảo sát. |
Hiện nay, Đoàn Hội thẩm nhân dân TAND tỉnh có 26 người chia làm 4 nhóm, mỗi nhóm có trách nhiệm tham gia hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm của một tòa chuyên trách (tòa hình sự, hành chính, dân sự, gia đình và người chưa thành niên). Mỗi hội thẩm thực hiện 1-2 lần/tháng, bảo đảm tất cả hội thẩm đều được phân công và nhận được lịch xét xử ngay từ đầu tháng để chủ động sắp xếp công việc.
Từ đầu năm đến nay, Đoàn Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử sơ thẩm 363 vụ, trong đó hình sự 82 vụ, hôn nhân gia đình và án hình sự liên quan đến người chưa thành niên 184 vụ, dân sự và kinh doanh thương mại 45 vụ, hành chính 52 vụ. Bình quân mỗi hội thẩm tham gia xét xử và tuyên án 14 vụ.
Ông Lương Xuân Lộc, Chánh án TAND tỉnh phát biểu ý kiến. |
Theo đại diện TAND tỉnh, những năm gần đây, các loại án mà TAND hai cấp trong tỉnh phải thụ lý, giải quyết ngày càng nhiều về số lượng và tính chất phức tạp, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng xét xử và trách nhiệm của thẩm phán, hội thẩm nhân dân. Đặc biệt, khâu tranh tụng tại phiên tòa được chú trọng hơn, bảo đảm cho việc xét xử công minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không xử oan người không có tội và không bỏ lọt tội phạm.
Để đáp ứng yêu cầu, hằng năm TAND tỉnh đều bồi dưỡng kiến thức pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thẩm phán, hội thẩm nhân dân. Bố trí, sắp xếp lịch xét xử, thời gian nghiên cứu hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hội thẩm. TAND trang bị cho Đoàn Hội thẩm các luật, bộ luật, văn bản pháp luật, sổ sách ghi chép, cơ sở vật chất làm việc; chi trả đầy đủ chế độ, trang phục.
Ông Nguyễn Văn Chiến nêu ý kiến. |
Ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng Đoàn Hội thẩm nhân dân TAND tỉnh cho rằng, trong quá trình hoạt động, Đoàn Hội thẩm luôn bám sát nhiệm vụ; quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, tham gia xét xử, các hội thẩm đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp với thẩm phán, chủ tọa phiên tòa xét xử khách quan, công bằng, đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, tổ chức và công dân.
Tuy nhiên, cơ chế quản lý hội thẩm nhân dân còn lỏng lẻo, cơ cấu tổ chức đơn giản, hoạt động theo hình thức tự quản. Một số hội thẩm là cán bộ đương chức, hạn chế về thời gian nên chưa tích cực, chủ động tham gia tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu vụ án. Có hội thẩm thiếu kinh nghiệm, kỹ năng nên chưa thể hiện được vai trò của hội thẩm nhân dân trong hoạt động xét xử. Việc giữ mối liên hệ giữa Đoàn Hội thẩm nhân dân với Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh có thời điểm chưa chặt chẽ.
Về chế độ, hiện hội thẩm được hưởng bồi dưỡng phiên tòa ở mức 90 nghìn đồng/ngày để nghiên cứu hồ sơ hoặc tham gia xét xử, mức phụ cấp này là thấp, không bằng ngày công mức lương tối thiểu vùng theo quy định, chưa tương xứng với yêu cầu công việc và vị trí, vai trò của hội thẩm nhân dân.
Kết luận, ông Đặng Hồng Chiến đánh giá cao đóng góp của Đoàn Hội thẩm nhân dân vào kết quả xét xử chung của TAND tỉnh. Mặc dù chế độ bồi dưỡng còn thấp, điều kiện làm việc có hạn chế nhưng các hội thẩm vẫn tham gia nhiệt tình, trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng xét xử.
Ban Pháp chế đề nghị TAND tỉnh tiếp tục tạo điều kiện về cơ sở vật chất, cập nhật và cung cấp kịp thời, đầy đủ các văn bản pháp luật cho đội ngũ hội thẩm nhân dân. Trao đổi, làm việc với các cơ quan mà hội thẩm đương chức đang công tác về sắp xếp công việc, thời gian tham gia xét xử.
TAND tỉnh cần chủ động đề xuất, kiến nghị với HĐND tỉnh về chế độ, chính sách, bố trí ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Đoàn Hội thẩm nhân dân. Đối với các kiến nghị của TAND và Đoàn Hội thẩm nhân dân, Ban Pháp chế tiếp thu và sẽ sớm trình Thường trực HĐND tỉnh xem xét.
Tin, ảnh: Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)