Bắc Giang tăng nguồn trợ giúp, bảo đảm an sinh cho người cao tuổi
Chưa đáp ứng nhu cầu
Tại Bắc Giang, tỷ lệ NCT tăng dần qua các năm, từ 8,78% năm 2009 lên khoảng 12% năm 2019. Tuổi thọ trung bình của người dân Bắc Giang ở mức cao (73,4 tuổi), xấp xỉ mức bình quân của cả nước (73,6 tuổi) nhưng chất lượng sức khỏe lại thấp.
Khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho NCT xã An Lạc (Sơn Động). |
Đánh giá của ngành y tế cho thấy, trong tổng số hơn 220,6 nghìn NCT (từ 60 tuổi trở lên) của toàn tỉnh hiện nay, chỉ có khoảng 5% có sức khỏe tốt, còn lại là trung bình và yếu. Bình quân mỗi NCT mắc từ 2 đến 3 bệnh mạn tính như: Mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường, đột quỵ, thoái hóa xương, khớp, suy giảm trí nhớ… và chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc đời; chi phí điều trị gấp 7-10 lần người trẻ.
Mức hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng của NCT từng bước được điều chỉnh. Tuy nhiên, thống kê của Hội NCT tỉnh, hiện mới có hơn 45,4 nghìn NCT được hưởng trợ cấp, bảo trợ xã hội hằng tháng (chiếm 20,4%); trong khi toàn tỉnh hiện vẫn còn gần 43,2 nghìn NCT thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, là người dân tộc thiểu số, khuyết tật.
Bà Lê Tố Quyên, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho rằng: Tốc độ già hóa dân số diễn ra quá nhanh đặt ra nhiều thách thức, nhất là với hệ thống chính sách và lĩnh vực y tế. Đặc biệt, với hơn 70% NCT của tỉnh hiện sống ở vùng nông thôn, làm nông nghiệp, không có lương hưu, trợ cấp và các khoản tích lũy khác, cuộc sống của họ còn gặp khó khăn. Nhiều người vẫn phải vất vả lao động để trang trải cuộc sống.
Tăng nguồn trợ giúp, xã hội hóa công tác chăm sóc NCT
Hiện nay, người già luôn thuộc nhóm ưu tiên hàng đầu trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, khi tốc độ già hóa dân số nhanh, để nâng cao mức sống cho NCT, về mặt chính sách trợ giúp, nhiều ý kiến cho rằng, các cấp, ngành chức năng nghiên cứu, điều chỉnh các quy định theo hướng nâng mức trợ cấp hằng tháng với NCT không có lương, không được hưởng bảo trợ xã hội hằng thắng. Đồng thời, hạ độ tuổi hưởng trợ cấp với người từ 80 tuổi hiện nay xuống còn 75 tuổi.
Trong xã hội hiện đại, quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con” đã dần thay đổi. Mô hình gia đình truyền thống (nhiều thế hệ chung sống) sang mô hình hạt nhân (chỉ có hai thế hệ), con cái có xu hướng sống độc lập với cha mẹ. Nhiều NCT dù có đông con cháu nhưng vẫn phải sống một mình.
Theo Luật NCT (năm 2009), NCT từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương, trợ cấp BHXH hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng được hỗ trợ 270 nghìn đồng/người/tháng. Ngoài ra, NCT thuộc diện khó khăn sẽ được trợ cấp hằng tháng với mức từ 270 nghìn đồng - 945 nghìn đồng/người/tháng tùy trường hợp cụ thể. |
Về vấn đề này, ông Dương Văn Trọng, Chủ tịch Hội NCT tỉnh cho rằng: Hiện cả tỉnh mới chỉ có Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh triển khai nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng NCT thuộc hộ nghèo, không có người phụng dưỡng với số lượng rất ít so với nhu cầu thực tế (hiện có 90 người). Trong khi đó, nhu cầu của nhiều gia đình cũng như bản thân NCT với các dịch vụ chăm sóc như trung tâm dưỡng lão ngày càng lớn.
Vì vậy, Hội NCT tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tích cực tham gia hỗ trợ công tác chăm sóc người già. Đặc biệt, khuyến khích phát triển mô hình chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng, nhất là kêu gọi nhà đầu tư xây dựng trung tâm dưỡng lão với đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, hướng tới cung cấp các dịch vụ chăm sóc người già có chất lượng tốt.
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần Y dược LanQ với dự án xây dựng khu an dưỡng- dưỡng lão, chăm sóc NCT. Công trình có tổng vốn đầu tư 60 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích hơn 23,6 nghìn m2 tại tổ dân phố Tân Mai, phường Đa Mai (TP Bắc Giang). Dự kiến dự án hoàn thành, đi vào hoạt động từ tháng 6/2023, công trình sẽ đáp ứng nhu cầu chăm sóc cho khoảng 500 NCT.
Bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Hội NCT các cấp cần tích cực vận động làm tốt công tác xã hội hóa, duy trì và phát triển chân quỹ, quỹ chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Để bảo đảm chất lượng cuộc sống khi về già, mỗi NCT đều cần sức khỏe, có tích lũy và được quan tâm chăm sóc, động viên về tinh thần.
Muốn vậy, các cấp, ngành, địa phương, gia đình, bản thân NCT cần lo cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện, mở rộng diện bao phủ, tiến tới BHYT toàn dân để lúc về già hưởng lương hưu bảo đảm cuộc sống, được chăm sóc sức khỏe thiết yếu được xem là giải pháp lâu dài.
Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)