Bắc Giang sẵn sàng phương án "4 tại chỗ" trong phòng, chống dịch
Ứng phó với từng cấp độ
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, mặc dù dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát nhưng tại các tỉnh, TP trong cả nước vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch quay trở lại rất cao. Tỉnh xác định đây là thời điểm “vàng” cho các địa phương chuẩn bị mọi điều kiện PCD.
Theo ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) PCD Covid-19 tỉnh, để không bị động, bất ngờ, BCĐ tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương lên phương án chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, cấp độ PCD theo phương châm “4 tại chỗ”.
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. |
Việt Yên là huyện trọng điểm phát triển công nghiệp, từng là tâm dịch nóng bỏng của tỉnh. Hiện các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài khu công nghiệp đã trở lại hoạt động, thu hút hơn 100 nghìn lao động từ các tỉnh, TP. Gần 50 nghìn lao động đang cư trú tại các nhà trọ.
Để chủ động ứng phó dịch bệnh, huyện đã xây dựng kịch bản xử lý với 3 cấp độ. Cụ thể: Cấp độ 1 khi số mắc Covid-19 dưới 50 người và số người cần cách ly tập trung (F1) dưới 1 nghìn người; cấp độ 2 khi số trường hợp mắc từ 50 đến dưới 200 người và số F1 từ 2,5 nghìn người đến 5 nghìn người; cấp độ 3 khi số trường hợp mắc từ 200 đến 500 người và số F1 từ 5 nghìn người đến 10 nghìn người. Ở mỗi cấp độ đều có phương án chi tiết, các giải pháp, nhiệm vụ của phòng, cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn.
Đáng chú ý, khi dịch bùng phát ở cấp độ 3, các cơ sở cách ly tập trung tại huyện bố trí tối thiểu 2 nghìn giường, tại xã bố trí tối thiểu 3 nghìn giường; trưng dụng toàn bộ các trường học, nhà văn hóa, cơ sở tôn giáo làm khu cách ly tập trung. Huyện cũng dự trù hơn 10 tỷ đồng để mua găng tay, khẩu trang, hóa chất. Huy động các lực lượng như: Công an, quân đội, giáo viên, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tham gia làm nhiệm vụ tác các khu cách ly.
Ngoài ra sẽ trưng dụng thêm khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ… qua đó nâng quy mô số giường cách ly toàn huyện đạt 10 nghìn giường. Đề xuất cho cách ly y tế tại nhà đối với F1, giảm tải cơ sở cách ly tập trung.
Nếu số F0 tăng cao, quá khả năng thu dung, điều trị thì các cơ sở y tế sẽ phân loại nguy cơ để phân tầng điều trị tại nhà cho các F0 thuộc nhóm nguy cơ thấp, có sự tư vấn, theo dõi sát sao của nhân viên y tế.
Kho chứa vật tư thiết bị y tế PCD tại UBND huyện Việt Yên. |
TP Bắc Giang cũng chuẩn bị kịch bản chi tiết với 3 cấp độ để ứng phó, trong đó tính đến số F0 từ 200 đến 500 người, số F1 cách ly tập từ 5 đến 10 nghìn người. Đến nay, UBND các phường, xã đã xây dựng phương án xử lý các tình huống khi dịch bệnh xuất hiện. Hơn 200 nhân viên y tế công lập và tư nhân của thành phố đã được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về lấy mẫu xét nghiệm, điều trị cho người bệnh.
Với tinh thần đoàn kết, hàng nghìn tình nguyện viên cũng sẵn sàng tham gia hoạt động hỗ trợ liên quan. Theo ông Nguyễn Hữu Đính, Phó Chủ tịch UBND TP Bắc Giang, từ kinh nghiệm đợt chống dịch trước đây, để bảo đảm công tác hậu cần, TP sẽ huy động các phương tiện chuyên chở hàng hóa, cung ứng nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân, nhất là các khu vực bị phong tỏa, nơi có mật độ dân số cao.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Sơn Động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để làm khu cách ly tập trung khi có dịch bệnh. |
Bám sát các văn bản chỉ đạo của tỉnh, các địa phương khác cũng đã lên phương án chuẩn bị khu cách ly, phương án xử lý PCD theo từng cấp độ, dự phòng số lượng nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế.
Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp sẽ trưng dụng trường học, nhà văn hóa làm khu cách ly tập trung. Ví như huyện Lục Ngạn ngoài 5 khu cách ly tập trung của huyện còn có 33 trường mầm non với tổng số hơn 1,7 nghìn giường. Huyện Yên Dũng cũng chuẩn bị 41 khu cách ly. Các cơ sở y tế từ huyện đến xã, thị trấn sẵn sàng giường bệnh để thu dung, điều trị bệnh nhân F0.
Người dân TP Bắc Giang thực hiện khai báo y tế trước lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. |
Phòng dịch xâm nhập từ bên ngoài
Có thể thấy, các kịch bản, kế hoạch ứng phó với dịch đã được các địa phương chủ động lên phương án kỹ lưỡng. Tuy nhiên, nhiều huyện, TP vẫn gặp khó khăn nhất định, các khu cách ly tập trung chủ yếu là trụ sở làm việc của xã, phường, thị trấn, trường học, trạm y tế nên diện tích, quy mô nhỏ, thiếu khu vệ sinh riêng. Nguồn nhân lực y tế ở tuyến cơ sở mỏng, do vừa phải thực hiện công tác chuyên môn hằng ngày vừa tham gia làm nhiệm vụ chống dịch với khối lượng công việc rất lớn.
Tuy nhiên, với phương châm phòng ngừa là chính, cấp ủy, chính quyền các huyện, TP đều thể hiện quyết tâm cao, tập trung đồng bộ nhiều các giải pháp ngăn chặn dịch xâm nhập từ bên ngoài vào địa bàn như: Nắm chắc người đến, về từ các địa phương đang có dịch để quản lý kịp thời. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa liên tỉnh; tổ chức hệ thống xe đưa, đón công nhân khoa học.
Một khu cách ly y tế tập trung của huyện Tân Yên. |
Tìm hiểu tại huyện Hiệp Hòa, từ giữa tháng 7 đến nay, lực lượng chức năng thiết lập 2 chốt kiểm soát tại khu vực cầu Đông Xuyên, xã Mai Đình (giáp với tỉnh Bắc Ninh) và khu vực cầu Vát, xã Hợp Thịnh (giáp với Hà Nội). Các xã ven sông Cầu cũng bố trí lực lượng kiểm soát hoạt động của các bến đò ngang, không để người dân tự do vào địa bàn.
Với xã Thanh Vân tiếp giáp xã Kha Sơn, huyện Phú Bình (Thái Nguyên), mới đây, UBND huyện Hiệp Hòa đã có văn bản đề nghị huyện Phú Bình kiên quyết không cho phép công dân qua lại giữa hai địa phương nếu không có giấy xét nghiệm Covid-19 kết quả âm tính còn hiệu lực.
Trực tiếp làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát PCD chân cầu Đông Xuyên, Đại úy Ngô Văn Hảo, Đội cảnh sát giao thông, Công an huyện Hiệp Hòa cho biết: “Những ngày qua, không quản ngại thời tiết mưa nắng, điều kiện ăn ở sinh hoạt thiếu thốn lực lượng chức năng tìm cách khắc phục, quyết tâm bám chốt, kịp thời phát hiện, ngăn chặn trường hợp sử dụng giấy tờ giả mạo hoặc không đủ điều kiện qua chốt”.
Ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa (ngoài cùng bên phải) động viên lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát PCD cầu Đông Xuyên, xã Mai Đình. |
Để bảo vệ thành quả chống dịch của tỉnh, các xã, thị trấn tiếp tục bám sát chỉ đạo của tỉnh, phát huy vai trò giám sát của tổ Covid-19 cộng đồng thường xuyên rà soát, nắm chắc thông tin người đến, trở về từ các địa phương, nhất là nơi đang có dịch để áp dụng hình thức quản lý kip thời. Tuyên truyền người dân cài ứng dụng Bluezone, mã QR trên điện thoại di động để tiện cho việc theo dõi, quản lý.
Đợt dịch Covid-19 thứ tư vừa qua, trên địa bàn tỉnh có hơn 5,7 nghìn người mắc Covid-19. Từng trải qua những ngày tháng cam go chống dịch nên khi các địa phương chuyển trạng thái bình thường mới, mỗi người, mỗi gia đình đều thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa của cuộc sống an toàn, họ vừa nỗ lực khôi phục sản xuất, kinh doanh, vừa tự nâng cao ý thức phòng dịch. Tin tưởng rằng, với các giải pháp chủ động, quyết liệt, đồng bộ từ cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng cùng sự tham gia tích cực của người dân, tỉnh Bắc Giang sẽ thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa chống dịch vừa sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy KT-XH phát triển.
Công Doanh-Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)