Bắc Giang nỗ lực bảo tồn thực hành Then
Nét đẹp trong đời sống văn hóa
Năm 21 tuổi, bà Chu Thị Hồng Vân (SN 1968), dân tộc Nùng, thôn Hố Cao, xã Hương Sơn (Lạng Giang) đi theo thầy Then, được truyền dạy về thực hành nghi lễ Then và làm thầy Then từ đó. Bà Vân có chất giọng rất riêng, không trong trẻo, vang sáng mà khàn đục, lạ. Trên địa bàn xã, nhiều người được bà truyền dạy nghi lễ Then.
Nghệ nhân Ưu tú Chu Thị Hồng Vân (ngồi thứ 2 từ phải sang) thực hành nghi lễ Then tại gia đình ở thôn Hố Cao, xã Hương Sơn (Lạng Giang). |
Tương tự, gần 20 năm qua, nghệ nhân Lục Văn Tích (SN 1978), dân tộc Nùng ở thôn Cầu Sắt, xã Sơn Hải (Lục Ngạn) vẫn miệt mài gìn giữ "lửa Then", được bà con yêu mến. Hồi nhỏ, anh Tích được nghe những câu Then, tiếng đàn tính qua buổi văn nghệ của thôn, xã, trong ngày hội. Năm 2004, anh Tích tự ứng tác với các nghệ nhân trong những cuộc hát rồi dần đam mê sưu tầm sách hát, học hỏi các nghệ nhân những kỹ năng, lề lối hát Then cổ do thế hệ đi trước để lại.
Hiện anh Tích là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hát Then Tày-Nùng xã Sơn Hải. Đến nay, anh đã truyền dạy cho hơn 30 người trong và ngoài xã biết chơi đàn tính và hát các làn điệu Then của dân tộc mình. Anh còn tham gia giảng dạy nghệ thuật Then cho nhiều học sinh trên địa bàn huyện Lục Ngạn.
Nghệ nhân Lục Văn Tích truyền dạy hát Then, hướng dẫn học sinh chơi đàn tính. |
Tại Bắc Giang, Then là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, lâu đời của người Tày, Nùng sinh sống trên địa bàn các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang. Then được chia thành 2 loại: Then trong các nghi lễ và Then trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ thường ngày.
Then trong nghi lễ mang đậm màu sắc tín ngưỡng. Thầy Then thường được mời thực hiện các nghi lễ: Cầu an, sinh nhật, giải hạn, nhà mới, gửi con, cúng tổ tiên, cầu mùa… Vào dịp trọng đại như cấp sắc cho người làm Then hay hội Then, thời gian có thể kéo dài 3 ngày, 3 đêm, dân gian gọi là lẩu Then.
Bên cạnh nghi lễ, Then thường được diễn xướng tại các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của cộng đồng dân cư hay những cuộc thi, liên hoan trong khuôn khổ ngày hội văn hóa dân tộc do các địa phương tổ chức. Đó là những làn điệu ngắn, có âm hưởng vui tươi được tách ra từ nghi lễ Then, sau đó cải biên, đặt lời mới cho phù hợp với việc trình diễn trên sân khấu.
Trang phục, nhạc cụ trong nghi lễ cúng Then của người dân tộc Tày, Nùng ở tỉnh Bắc Giang. |
Một trong những điểm đặc sắc của Then là ngôn ngữ ẩn chứa chiều sâu văn hóa. Nội dung các khúc hát Then tích hợp nhiều loại hình nghệ thuật đều toát lên tư tưởng nhân văn sâu sắc, chứa đựng tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa, nghĩa vợ chồng, răn dạy đạo lý làm người, ca ngợi làng bản, quê hương... Giai điệu Then sâu lắng, có sức truyền cảm, lay động lòng người qua âm thanh của đàn tính - nhạc cụ chính được sử dụng trong hát Then mượt mà, tạo nên vẻ đặc sắc của dân ca, dân vũ.
Do đó, Then gần gũi và được nhiều thế hệ người Tày, Nùng, Thái yêu thích, tồn tại trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đặc biệt, thực hành nghi lễ Then là kho tàng quý giá về di sản văn hóa cổ truyền của dân tộc, nguồn tư liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của người Tày, Nùng ở tỉnh Bắc Giang.
Gìn giữ cho muôn đời sau
Sau khi di sản Then Tày, Nùng, Thái được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản được chính quyền, ngành chức năng ở các địa phương của tỉnh chú trọng. Nhiều CLB Then được thành lập, duy trì hoạt động, phát huy vai trò trong đời sống văn hóa cộng đồng. Nhiều cá nhân, CLB hát Then giành giải cao khi tham gia hội thi, hội diễn văn nghệ trong và ngoài tỉnh.
Tiết mục "Lời Then mẹ kể" của đoàn Lục Nam tại Hội thi Ca-múa nhạc dân gian do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang tổ chức. |
Từ năm 2015-2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành các bước lập hồ sơ di sản thực hành Then dân tộc Tày, Nùng đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua kiểm kê di sản, hiện toàn tỉnh có hơn 30 người làm nghi lễ then truyền thống. Cùng đó, các CLB Then văn nghệ ở các địa phương được thành lập ngày một nhiều.
Nhiều năm qua, Trường Tiểu học và THCS An Lạc (Sơn Động) vẫn duy trì việc truyền dạy hát Then vào các giờ hoạt động ngoại khóa, giáo dục địa phương thu hút nhiều học sinh tham gia; các xã: Lệ Viễn, An Lạc, Hữu Sản, Vân Sơn, Vĩnh An đều có CLB hát Then (mỗi CLB từ 10-15 người). Ở huyện Lục Ngạn hiện có 5 CLB hát Then ở các xã: Sơn Hải, Quý Sơn, Tân Hoa, Phì Điền, Kiên Lao. Mỗi CLB có từ 40-50 thành viên với nhiều lứa tuổi khác nhau, hoạt động hiệu quả. Nhiều người tham gia truyền dạy, góp phần vào công tác bảo tồn, giữ gìn di sản.
Ông Lãnh Văn Tập, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Lục Ngạn cho biết: Hằng năm, đơn vị thường xuyên phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh bồi dưỡng kỹ năng trình diễn Then cho các CLB. Các hội thi, hội diễn, liên hoan do huyện tổ chức đều có hát Then.
Ở các xã: Vô Tranh, Nghĩa Phương, Bảo Sơn (Lục Nam) cũng luôn duy trì tốt hoạt động của các CLB hát Then. Để khuyến khích việc thành lập, phát triển các CLB văn nghệ, trong đó có hát Then, mỗi CLB thành lập mới được huyện Lục Nam hỗ trợ kinh phí mua sắm trang phục. Đặc biệt, tại một số điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Sơn Động và Yên Thế, vài năm gần đây, Then văn nghệ được đưa vào phục vụ du lịch.
Nhân viên Bảo tàng tỉnh Bắc Giang trưng bày mô hình nghi lễ cúng Then của dân tộc Tày. |
Ngày 3/9/2022, tại tỉnh Tuyên Quang diễn ra Lễ đón Bằng ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bắc Giang là một trong 11 tỉnh có di sản Then được đón bằng ghi danh. Đây là niềm vinh dự, tự hào đối với tỉnh Bắc Giang nói chung, các huyện có di sản Then nói riêng.
Việc ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” chính là thương hiệu quốc gia mà thế giới dành cho Việt Nam, qua đó góp phần giới thiệu với bạn bè quốc tế về những di sản văn hóa đặc sắc miền núi phía bắc Việt Nam, làm cho khu vực này tăng thêm sức hấp dẫn, cuốn hút đối với du khách. Đồng thời, giúp đồng bào dân tộc của 11 địa phương có di sản Then nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của Then trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, để từ đó có những biện pháp thiết thực, hiệu quả trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu giá trị di sản Then. Tiếp tục duy trì, phát triển các CLB hát Then; mở rộng hình thức, phương pháp truyền dạy; đào tạo nghệ nhân trẻ; truyền dạy và thực hành tại cộng đồng; có cơ chế đãi ngộ với các nghệ nhân hát Then.
Chú trọng đưa nghệ thuật hát Then, đàn tính vào giảng dạy trong trường học, đặc biệt là các vùng có đông đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống; trong các hội diễn, liên hoan, hội thi. Tăng cường công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu về di sản Then; ứng dụng công nghệ thông tin vào việc lưu trữ, bảo tồn di sản.
Phương Ngân
Ý kiến bạn đọc (0)