Bắc Giang ngăn chặn sản xuất, buôn bán hàng giả
BẮC GIANG - Thời gian qua, công tác phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng giả được các cấp, ngành tỉnh đặc biệt quan tâm, đã chỉ đạo, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng và thị trường.
Thủ đoạn tinh vi
Từ ngày 1/1 đến ngày 8/5/2025, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức kiểm tra 200 vụ, xử lý 193 vụ sản xuất, kinh doanh hàng hóa vi phạm. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tiền xử lý hàng hóa vi phạm hơn 5 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị đã phối hợp với lực lượng công an tỉnh kiểm tra, xử lý 24 vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả, tăng hơn 10 vụ so cùng kỳ năm 2024. Đơn vị đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để khởi tố hình sự 3 vụ về sản xuất hàng hóa là thực phẩm có nhãn hàng hóa giả mạo nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa.
![]() |
Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) làm việc với Nguyễn Văn Khánh, trú tại thôn Lải, xã Đại Lâm (Lạng Giang) về hành vi sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả. Ảnh: CTV . |
Gần đây nhất ngày 7/5, Đội Quản lý thị trường số 4 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh) phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) và Công an xã Đại Lâm (Lạng Giang) bắt giữ Nguyễn Văn Khánh (sinh năm 1996) và Nguyễn Thị Hiên (sinh năm 2003) cùng trú tại thôn Lải, xã Đại Lâm do thực hiện hành vi sản xuất hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm giả. Các đối tượng này đã bán trót lọt hơn 100 nghìn đơn hàng cho người tiêu dùng trong cả nước thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee, Tiktok shop…
Từ ngày 1/1 đến 8/5/2025, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã tổ chức kiểm tra 200 vụ, xử lý 193 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử phạt, tiền xử lý hàng hóa vi phạm hơn 5 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị đã phối hợp với lực lượng công an kiểm tra, xử lý 24 vụ việc liên quan đến sản xuất và buôn bán hàng giả. |
Theo Công an tỉnh, đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả thường sử dụng một số phương thức, thủ đoạn, hình thức vi phạm như: Làm giả, làm nhái bao bì, logo, nhãn mác, xâm phạm sở hữu trí tuệ; buôn bán qua mạng xã hội, thương mại điện tử không hóa đơn, không chứng từ; trà trộn hàng giả vào hàng thật; sản xuất hàng giả ngay tại địa phương với nguyên liệu kém chất lượng...
Để tránh bị phát giác, các đối tượng thực hiện sản xuất khép kín, độc lập, sử dụng lao động là người thân; dùng các nhãn hàng hóa thật dán lên sản phẩm giả... Quá trình sản xuất, có đối tượng làm hai lớp bao bì, lớp bên ngoài vẫn ghi đúng tên cơ sở sản xuất của mình nhưng lớp trong ghi tên một cơ sở sản xuất có uy tín và khi bán hàng các đối tượng xé bỏ lớp vỏ ngoài nhằm lừa dối người tiêu dùng.
Các sản phẩm bị làm giả ngày càng đa dạng, từ hàng tiêu dùng thiết yếu, quần áo, mỹ phẩm, phụ tùng xe máy, nông sản, đặc sản đến thuốc bảo vệ thực vật, dược phẩm, sữa,... với cách thức tinh vi và được quảng bá công khai trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok,… Ông Nguyễn Văn Xuất, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh nhìn nhận: “Vấn nạn sản xuất, buôn bán hàng giả không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến doanh thu và uy tín của doanh nghiệp sản xuất chân chính mà còn đe dọa sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, làm suy yếu niềm tin vào thị trường hàng hóa trong nước”.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Thực tế cho thấy, việc kiểm soát hàng giả đang đối mặt với nhiều thách thức như: Phương thức hoạt động tinh vi của các đối tượng sản xuất và kinh doanh hàng giả, sự bùng nổ của thương mại điện tử đã tạo điều kiện cho việc mua - bán hàng giả trở nên dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, một số quy định pháp luật về hàng giả còn chưa đầy đủ, chồng chéo và thiếu tính răn đe, dẫn đến việc xử lý chưa hiệu quả. Nguyên nhân của tình trạng trên trước hết do lợi nhuận cao từ việc sản xuất, buôn bán hàng giả; người tiêu dùng thiếu kiến thức phân biệt hàng thật - giả; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý hàng giả còn chưa chặt chẽ...
![]() |
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 2, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra truy xuất nguồn gốc hàng hóa tại một cửa hàng tự chọn ở phường Bích Động (thị xã Việt Yên). |
Để xử lý tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, cùng với tăng cường công tác tuyên truyền trong Nhân dân, ông Ngô Chí Vinh, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho rằng ngành chức năng và tỉnh cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, đặc sản; quan tâm đầu tư các thiết bị kiểm tra nhanh chất lượng hàng hóa cho lực lượng quản lý thị trường, công an.
Theo ông Triệu Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.
Bên cạnh phối hợp với các lực lượng đẩy mạnh đấu tranh xử lý, ngặn chặn đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, đại diện Phòng Cảnh sát kinh tế cho rằng, ngành chức năng cần siết chặt việc cấp, dán mã QR, mã vạch lên từng sản phẩm hàng hoá; đơn vị sản xuất cần sử dụng các loại tem chống giả điện tử có thể xác thực qua SMS, website hoặc ứng dụng di động...
Các doanh nghiệp nên chủ động bảo vệ thương hiệu, đầu tư tem chống giả và hệ thống phân phối chính hãng; sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng phục vụ điều tra, xác minh khi có nghi vấn hàng hóa của mình bị các đơn vị khác làm giả. Song hành với đó, Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ, tem nhãn và xử lý hàng giả; xây dựng cơ chế bảo vệ người tố giác, khuyến khích cộng đồng xã hội cùng tham gia chống hàng giả.
Đối với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần phát huy vai trò nòng cốt của mình, tổ chức các chiến dịch truyền thông, tuyên truyền về cách phân biệt hàng thật - giả, phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả. Từ đó, nâng cao nhận thức, kiến thức trong Nhân dân về hàng thật, hàng giả, bảo đảm mỗi người dân đều là người tiêu dùng thông thái khi lựa chọn mua, sử dụng các sản phẩm hàng hóa trên thị trường.
Ý kiến bạn đọc (0)