Bắc Giang: Hội thảo khoa học bảo tồn ngôn ngữ các dân tộc thiểu số
Quang cảnh hội thảo. |
Gần 70 đại biểu đến từ Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); Ủy ban MTTQ tỉnh; Sở Văn hóa-Thể Thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Thông tin và Truyền thông; UBND các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế, Lạng Giang; Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; Hội bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh; các trường phổ thông dân tộc nội trú; một số người có uy tín trong đồng bào DTTS… tham gia hội thảo.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, hiện Ban Dân tộc tỉnh đã hoàn thành dự thảo Đề án “Bảo tồn, phát huy tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”, dự kiến trình UBND tỉnh trong tháng 9/2023.
Để tiếp tục hoàn thiện Đề án, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức hội thảo này nhằm trao đổi, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, những người có chuyên môn về công tác bảo tồn ngôn ngữ các DTTS.
Bà Tạ Thị Tâm, Viện Dân tộc học trao đổi tại hội thảo. |
Trao đổi tại đây, các đại biểu đánh giá cao việc nhóm biên soạn của Đề án sẽ xây dựng bộ tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm khắc phục khó khăn về thiếu tài liệu, nội dung giảng dạy đơn giản.
Đại biểu Viện Dân tộc học, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho rằng bộ tài liệu cần phù hợp với đối tượng truyền dạy, người học; phù hợp với văn hóa đặc trưng mỗi vùng miền; phải gắn với các quan điểm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Bắc Giang về công tác dân tộc. Bộ tài liệu được thể hiện bằng tiếng Việt, sau đó phiên sang tiếng dân tộc. Nhóm tác giả cần tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, người có chuyên môn ở T.Ư và địa phương khác để tham khảo.
Một trong những nội dung quan trọng của Đề án là lồng ghép nội dung dạy tiếng DTTS vào chương trình, hoạt động giáo dục tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường THCS vùng DTTS.
Theo đồng chí Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh, đổi mới hơn nữa góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh tại các nhà trường về việc bảo tồn tiếng dân tộc. Các nhà trường quan tâm xây dựng, duy trì câu lạc bộ, hội nhóm truyền dạy ngôn ngữ DTTS.
Ông Lưu Đình Tiến, Chủ tịch Hội Bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh trao đổi tại hội thảo. |
Đồng chí Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn đề nghị các cấp, ngành và mỗi địa phương quan tâm xây dựng cơ chế hỗ trợ, đầu tư ngân sách, tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy tiếng DTTS. Đơn cử như xây dựng mô hình văn hóa gắn với phát triển du lịch; khôi phục, tổ chức lại các trò chơi, điệu múa dân gian; hỗ trợ may trang phục; hỗ trợ mở các câu lạc bộ, lớp dạy tiếng dân tộc.
Hiện các lớp học tiếng DTTS chủ yếu do người có uy tín trong đồng bào DTTS tại các địa phương truyền dạy. Song có thời điểm số lượng người học giảm vì nhiều nguyên nhân như thiếu tài liệu, nội dung chưa hấp dẫn, một bộ phận người trẻ còn tâm lý e ngại khi nói tiếng dân tộc...
Các đại biểu đề nghị,thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển đổi số vào hoạt động giảng dạy; tổ chức hội thi hùng biện bằng tiếng dân tộc; tạo môi trường để người DTTS được sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ thường xuyên. Cùng đó, mỗi gia đình phải là lớp truyền dạy tiếng DTTS cho chính con em của mình ngay từ khi còn nhỏ.
Được biết, theo kết quả điều tra năm 2019, toàn tỉnh có hơn 1,8 triệu người, trong đó người DTTS chiếm 14,2% nhưng chỉ còn 1% nói được tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình. Vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ ngôn ngữ các DTTS là vấn đề rất cấp thiết.
Đề án “Bảo tồn, phát huy tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” xác định mục tiêu đến năm 2026 nâng tỷ lệ người DTTS nói được tiếng dân tộc lên 10% (chủ yếu là dân tộc Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay, Dao); tập trung ở 73 xã vùng đồng bào DTTS thuộc các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang.
Tin, ảnh: Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)