Bắc Giang: Giá cám tăng, đại lý kêu khó bán, người chăn nuôi lo lỗ
Cám chất đống trong kho của cửa hàng thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi Thuận Thức (TP Bắc Giang) vì khó bán. |
“Trước đây, mỗi ngày cửa hàng bán khoảng 15 tấn cám nhưng nay giảm một nửa. Bởi người chăn nuôi không dám tái đàn vì lo bị thua lỗ”, đại diện cửa hàng cho biết.
Ông Lê Văn Hòa (ảnh) lo lắng vì giá cám không ngừng tăng. |
Tương tự, bà Nguyễn Thị Cẩn, chủ đại lý cám con cò (do Công ty Masan MEATlife sản xuất), số 94 đường Giáp Hải (TP Bắc Giang) cho hay, bà vừa nhận được thông báo tăng giá lần thứ 5 trong vòng hơn 4 tháng qua từ phía Công ty. Thời điểm tăng giá lần này được ấn định vào ngày 30/3 tới. Mỗi lần giá các loại cám được điều chỉnh tăng trung bình 300 đồng/kg.
Cá biệt, có công ty tăng giá thức ăn chăn nuôi từ 600 - 800 đồng/kg. Đây là đợt tăng giá mới nhất và cao nhất từ trước đến nay của mặt hàng này và là tháng thứ 5 liên tiếp các công ty thông báo tăng giá tới khách hàng. Hiện giá cám đã tăng từ 17-30% so với đầu năm ngoái.
Nguyên nhân tăng giá được phía Công ty Masan MEATlife đưa ra là do giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao. Đây cũng là tình trạng chung mà các doanh nghiệp sản xuất cám trong nước phải đối mặt. Tìm hiểu được biết, hiện giá đỗ tương và ngô trong nước (2 nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi) hiện tăng từ 2.500 - 4.000 đồng/kg.
Cứ nuôi 1 nghìn gà, hộ anh Nguyễn Minh Tưởng (ảnh), thôn Cầu Thầy, xã An Thượng (Yên Thế) lại phải thêm khoảng 10 triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi. |
Giá cám tăng khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Văn Hòa, thôn Cầu Chính, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) chia sẻ, trước đây gia đình ông luôn duy trì đàn lợn thương phẩm 50 con nhưng nay chỉ dám nuôi 16 con bởi không có vốn để mua cám cho lợn.
Ông Vũ Văn Tĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Kỹ thuật nông nghiệp Yên Thế cho biết, nếu trước đây nuôi 1.000 gà (trong vòng 4 tháng) người chăn nuôi chi phí hết 80 triệu đồng tiền cám thì nay tăng lên 90 triệu đồng. “Trong khi giá cám không ngừng tăng thì giá gà thịt lại đang ở mức thấp. Vì thế hầu hết các chủ chăn nuôi gà tại Yên Thế đều vào đàn rất dè dặt vì sợ lỗ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì tổng đàn, thu nhập của người dân và sức tăng trưởng ngành chăn nuôi ở địa phương”, ông Tĩnh nói.
Theo các chuyên gia, mặc dù đây là thời điểm khó khăn cho ngành chăn nuôi nhưng cũng là cơ hội để những doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi từ thức ăn chăn nuôi, chuồng trại đến chế biến kinh doanh thịt phát triển. Bởi vì những chuỗi này có thể san sẻ được rủi ro trong các khâu nên vẫn bảo đảm có lời hoặc không lỗ. Đây cũng là xu hướng kinh doanh mà các nước tiên tiến đã làm.
Bài, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)