Bắc Giang: Đổi mới hoạt động khuyến công
Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất bao bì Ánh Thảo sản xuất bao bì tại Cụm công nghiệp Đại Lâm (Lạng Giang) từ năm 2017. Khi mới thành lập, Công ty chỉ có 3 máy may bao bì tự động, nếu có thêm đơn hàng phải huy động nhân lực sản xuất bằng máy may gia công nên năng suất thấp.
Dây chuyền dệt bao bì tự động của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Ánh Thảo. |
Tháng 10/2021, Công ty đầu tư thêm 2 máy may tự động trị giá 700 triệu đồng, trong đó 300 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công của tỉnh. Nhờ đó, lượng sản phẩm tăng thêm 40%, tạo thêm việc làm cho 20 lao động. Tương tự, năm 2022, Công ty TNHH Hero Green (Cụm công nghiệp Đại Lâm) cũng được hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công của tỉnh. Nhờ nguồn hỗ trợ này, Công ty đã mạnh dạn đối ứng 500 triệu đồng để mua thêm 1 dây chuyền ghép đồ hộp nông sản chế biến, công suất 7,2 nghìn hộp/giờ.
Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (XTTM) Bắc Giang, nguồn ngân sách dành cho hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023 đạt hơn 16,6 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, đã có 100 đơn vị, cơ sở sản xuất được hỗ trợ. Nét mới trong công tác khuyến công giai đoạn 2021-2023 là các đề án hỗ trợ được xây dựng theo nhóm, ngành, thay vì đề án riêng lẻ như trong giai đoạn trước.
Ví như Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất bao bì Ánh Thảo và Công ty TNHH Hero Green được hỗ trợ theo nhóm mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đơn vị chức năng tập trung xây dựng những đề án hỗ trợ nhóm mô hình về chế biến nông, lâm sản (chủ yếu chế biến tinh) có khả năng tăng giá trị gia tăng và đóng góp lớn cho xuất khẩu, nguồn thu ngân sách; nhóm mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cơ khí, có khả năng tham gia sâu vào ngành công nghiệp phụ trợ, chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động khuyến công giai đoạn vừa qua còn những hạn chế. Tiến độ thực hiện một số đề án phải ngừng, điều chỉnh, bổ sung hoặc gia hạn thời gian thực hiện. Quy mô của các đề án tuy năm sau lớn hơn năm trước nhưng chưa có đề án khuyến công trọng tâm, trọng điểm thực hiện liên tục.
Ngoài ra, hoạt động khuyến công còn chịu tác động từ các chính sách hỗ trợ khác như: Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, cơ chế chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn… Do vậy, một số nội dung hoạt động khuyến công còn thấp và thiếu hấp dẫn. Theo phản ánh của nhiều DN, quy định về hồ sơ, thủ tục khuyến công còn phức tạp, trong khi mức hỗ trợ thấp. Đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực khuyến công địa phương chưa thật sự mạnh và chuyên nghiệp...
Năm 2021, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sông Hồng, xã Tăng Tiến (Việt Yên) được hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn quỹ khuyến công để đầu tư 1 máy đo tọa độ không gian ba chiều phục vụ sản xuất khuôn mẫu trong ngành cơ khí chính xác. Ảnh: Công nhân Công ty thao tác trên máy đo tọa độ không gian ba chiều. |
Được biết, theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ huy động nguồn lực hơn 300 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn kinh phí từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước và từ các chủ thể tham gia) cho chương trình khuyến công. Để nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công trong thời gian tới, ông Nguyễn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh cho rằng, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đầu tư đổi mới công nghệ cho các DN, vận động các DN dành nguồn lực nhất định cho đổi mới sáng tạo.
Nghiên cứu nhu cầu của các DN FDI trong tỉnh để tập trung hỗ trợ có trọng điểm cho các dự án công nghiệp hỗ trợ, tạo sự gắn kết giữa DN FDI và DN nội địa. Nghiên cứu sửa đổi hoặc đề nghị sửa đổi quy trình, thủ tục, hồ sơ xin hỗ trợ từ quỹ khuyến công sao cho đơn giản, dễ thực hiện, bảo đảm không thất thoát nguồn ngân sách hỗ trợ. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác khuyến công.
Bài, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)