Hoạt động Khuyến công: Đổi mới để hiệu quả
Hiệu quả bước đầu
Mặc dù những năm gần đây, tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, tỷ trọng, giá trị sản xuất của lĩnh vực này ngày càng tăng trong cơ cấu kinh tế song vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có quy mô nhỏ. Nhiều DN mới khởi nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thiếu vốn đầu tư, thiếu thiết bị máy móc, công nghệ… Do vậy năng lực sản xuất hạn chế, sản phẩm không đồng đều, giảm tính cạnh tranh, khó mở rộng thị trường, nhất là xuất khẩu.
Để từng bước khắc phục, năm nay, ngoài nguồn khuyến công quốc gia, UBND tỉnh phê duyệt 3,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh thực hiện 5 nội dung, 22 chương trình, đề án. Nội dung thực hiện bao gồm: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; nâng cao năng lực quản lý DN, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; tư vấn, trợ giúp cơ sở công nghiệp nông thôn…
Thực tế, các nội dung hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật đã chiếm gần một nửa tổng số đề án, chương trình khuyến công. Nội dung này chủ yếu triển khai hỗ trợ thiết bị máy móc của dây chuyền, một công đoạn để cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng hoặc một phần máy móc thiết bị sản xuất sản phẩm mới... Việc hỗ trợ này cũng nhanh chóng phát huy hiệu quả.
Ví như tại xưởng sản xuất cơ khí của Công ty TNHH Thương mại và sản xuất AZ HITECH Vina, xã Yên Sơn (Lục Nam). Theo Giám đốc Công ty Dương Văn Kiển, do lựa chọn hướng phát triển sản xuất cơ khí chính xác, gia công, chế tạo khuôn mẫu nên những máy móc công nghệ cao không thể thiếu và vô cùng quan trọng trong quy trình sản xuất. Mặc dù vậy, do nguồn lực hạn chế Công ty không thể ngay một lúc đầu tư nhiều máy móc. Với 300 triệu từ nguồn quỹ khuyến công, anh Kiển cùng lãnh đạo công ty mạnh dạn đầu tư thêm thiết bị để nâng quy mô sản xuất, vươn ra xuất khẩu và tạo thêm việc làm cho lao động ở địa phương.
Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh nghiệm thu đề án khuyến công quốc gia năm 2022 “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cơ khí” tại Công ty TNHH Đài Việt (Việt Yên). Ảnh: CTV. |
Hay như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP Bắc Giang) cũng vừa đầu tư kho lạnh 1.500 m3 với kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ 300 triệu đồng. Đây là kho lạnh lớn nhất trong 4 kho bảo quản tại DN hiện nay. Ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Công ty nói: “Nhiều năm tham gia chế biến nông sản, chúng tôi coi việc đổi mới trang thiết bị, công nghệ là ưu tiên hàng đầu. Nhờ đầu tư nguồn lực để cải tiến trang thiết bị, sản lượng xuất khẩu các mặt hàng như: Vải thiều, dứa và nhiều nông sản khác tăng theo từng năm”.
Phát triển ngành nghề có thế mạnh
Với lợi thế là vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc, cây trái quanh năm, Bắc Giang đã có những chính sách để phát triển tiềm năng, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm; phát triển sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, tỉnh rất chú trọng đến việc khuyến khích phát triển chế biến nông sản. Bám sát định hướng này, những năm gần đây, nguồn kinh phí khuyến công tập trung tư vấn, hỗ trợ phát triển các ngành nghề, lĩnh vực có thế mạnh tại địa phương như: Chế biến nông, lâm sản, sản xuất mỳ gạo, mộc và ngành nghề cơ khí....
Các chương trình, đề án khuyến công đã mang lại hiệu quả trực tiếp đối với các DN trong việc cải thiện máy móc thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất, tính cạnh tranh của sản phẩm. Việc mở rộng quy mô, năng lực sản xuất còn tạo thêm nhiều cơ hội việc làm đối với người lao động, thậm chí đối với những lao động đã quá tuổi, lao động không có cơ hội tìm kiếm việc làm tại các khu cụm công nghiệp.
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bắc Giang dự kiến nguồn lực huy động từ thực hiện kế hoạch khuyến công sẽ đạt hơn 300 tỷ đồng, bao gồm cả nguồn lực từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nguồn lực từ các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất công nghiệp. |
Chương trình khuyến công quốc gia và địa phương trong hai năm gần đây có ý nghĩa như một nguồn lực quan trọng giúp các cơ sở sản xuất nông thôn nhanh chóng phục hồi sau đại dịch Covid-19 và nắm bắt cơ hội phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế, đòi hỏi DN, cơ sở công nghiệp nông thôn cũng cần nhanh chóng, chủ động thích ứng, nắm bắt cơ hội, thực hiện nhiều giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, cùng chung sức thực hiện khát vọng phát triển, trở thành vùng công nghiệp trọng điểm phía Bắc.
Ông Nguỵ Đình Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết: “Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh dự kiến nguồn lực huy động từ thực hiện kế hoạch khuyến công sẽ đạt hơn 300 tỷ đồng, bao gồm cả nguồn lực từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nguồn lực từ các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất công nghiệp... Với trách nhiệm được giao, Trung tâm sẽ đổi mới công tác triển khai, bảo đảm bài bản, bám sát thực tế, nhu cầu cần hỗ trợ để các hoạt động khuyến công đến được đúng người, đúng đối tượng”.
Thu Thuỷ
Ý kiến bạn đọc (0)