Bắc Giang: Độc đáo phiên chợ âm dương mùng 2 Tết, mỗi năm chỉ họp một lần
Khi tôi hỏi chuyện về phiên chợ mùng 2 Tết, cụ Đắc và mấy cụ cao niên ở làng Cao Thượng, thị trấn Cao Thượng ồ cả lên: "Ối giời, từ bé tôi đã theo mẹ đi chợ rồi, đi từ tờ mờ đất chứ ngủ nghê tới sáng bảnh mới đi thì chợ đã tan hết rồi".
Chợ phiên mùng 2 Tết ở làng Cao Thượng bắt đầu họp từ lúc 3 giờ sáng. Ảnh tư liệu |
Phiên chợ âm dương Cao Thượng có nhiều tên gọi. Nào là chợ đình, chợ âm dương, chợ âm phủ, chợ mùng 2. Còn hỏi sao chợ lại có nhiều tên đến vậy? Tại sao lại có phiên chợ này ư. Chuyện dài lắm, có người cho rằng đây là vùng đất phải mở chợ âm phủ mới yên. Lại có người nói xưa nơi đây là bãi chiến trận, có rất nhiều người chết trong các cuộc giao tranh nên sau đó có chợ này.
Lại có quan niệm nơi này là chỗ giao hòa âm dương, thời điểm họp chợ vào lúc quá nửa đêm và mỗi năm chỉ họp một lần duy nhất tại đình làng là cơ hội hiếm hoi cho người sống và người chết gặp nhau. Cũng là một công đôi việc. Ở Cao Thượng cũng còn lưu truyền nhiều chuyện ly kỳ về những cuộc gặp mang màu sắc liêu trai, sau khi đi chợ về nhà kiểm tiền thấy cả những đồng tiền cũ, tiền âm phủ…
Đi vào những làng xung quanh đình Cao Thượng tôi cũng biết thêm nhiều thứ. Ở vùng này đậm đặc các di tích. Ngoài đình Cao Thượng còn có điếm Bậu, đình Bùi, đình Chanh, đình Hạ, chùa Tiên, xế bên một chút là đình Hoãn, đình Nội… Riêng quần thể di tích đình chùa Cao Thượng cũng ắp đầy những câu chuyện kể, trong đó chợ mùng 2 Tết chỉ là một.
Không nói thì ai cũng rõ, đất phải có người tới khai phá rồi mới thành xóm làng, sau đó mở chợ, xây đình chùa. Theo địa lý hành chính Kinh Bắc: Xa xưa, trong tổng Mục Sơn, huyện Yên Thế, phủ Lạng Giang có 8 xã. Ở xã Mục Sơn có 4 thôn là Cao Thượng, Bùi, Giã, Hạ. Ở xã Cao Thượng có thôn Cầu, Cao Thượng.
Cao Thượng là một làng và cũng là một xã. Làng cổ có lịch sử hình thành từ khá sớm nằm uốn vòng dọc theo sườn của núi Yên Ngựa, trước làng là ngòi Ngân Chử. Theo truyền tích, đình Cao Thượng khởi dựng từ thời Lê thế kỷ XVII. Cùng hướng và ở sau đình là chùa Cao Thượng có tới trăm gian rất nổi tiếng, năm 1890 bị giặc Pháp đốt phá mất. Giữa chùa và đình có một bãi rộng phẳng gọi là bãi Chợ và tại đó còn có một công quán là chỗ cho người qua lại dừng chân. Do có chợ ở đây nên đình Cao Thượng cũng còn gọi là đình Chợ.
Nhiều mặt hàng nông sản của bà con đem đến chợ bán. Ảnh tư liệu |
Trong câu chuyện về làng mình, các cụ cao niên có dịp ôn lại tích xưa của làng. Vùng đất này thờ thần Bạch Hổ nên mới có phiên chợ. Tục thờ hổ ngoài biểu thị cho quyền uy và sức mạnh, có chức năng trừ tà ma còn mang ý nghĩa cầu mưa và cầu cho mọi sự sinh sôi, phát triển. Thần hổ được thờ cúng với tư cách là một sơn thần nên nhiều khả năng phiên chợ này liên quan đến việc thờ thần Cao Sơn Đại vương. Như vậy thì phiên chợ âm dương có từ xa xưa.
Lại có người đồ rằng: Trong thời gian nổ ra phong trào Khởi nghĩa nông dân Yên Thế, thực dân Pháp cho rằng Cao Thượng- Luộc Hạ là nơi cung cấp nhân tài, vật lực, là Trạm liên lạc với nghĩa quân Cao Biều Tổng Bưởi, Lưu Kỳ, Hoàng Thái Nhân và Nghĩa quân Bãi Sậy. Cao Thượng là cửa ngõ vào Yên Thế, vì vậy vùng này là chiến trường thường xuyên diễn ra các cuộc giao tranh. Do có nhiều người mất trong chiến trận, vong linh vất vưởng nên có thể chuyện mở chợ bắt đầu từ đây.
Mọi người quan niệm đi chợ Cao Thượng đầu năm chủ yếu để lấy lộc may đầu năm. Ảnh tư liệu |
Với người dân huyện Tân Yên, nói đến chợ mùng 2 Tết, chợ âm dương, chợ âm phủ thì mọi người đều hiểu đó là chợ Tết ở đình Cao Thượng. Tục cổ vẫn duy trì, từ 3 giờ sáng người dân các làng lân cận lục tục đi chợ. Nhiều xứ đồng Cao Thượng còn có cả những ánh đèn le lói của người dân thu hái rau đêm mang đến phiên chợ mùng 2 Tết. Trên khu đất rộng trước chùa, sau đình là nơi bày bán hàng. Xưa là những dãy ngang dãy dọc thắp sáng bằng nến, đèn dầu. Hơn chục năm trở lại đây đèn dầu đã được thay bằng điện và chợ ngày càng đông vui với đủ các mặt hàng như: Quần áo, hoa quả, bánh kẹo... Nhiều nhất vẫn là đặc sản ẩm thực của địa phương: Bún, cá, rau cần, bánh đa, bánh gio.
Khác với sự xô bồ của những phiên chợ thông thường, mọi người quan niệm đi chợ âm dương chủ yếu để lấy lộc may đầu năm. Ai nấy đến chợ với tinh thần vui vẻ, cởi mở trong không khí ngày xuân. Ngoài việc trao đổi mua bán hàng hóa, bà con đến chợ chủ yếu để gặp gỡ chúc tụng nhau những lời chúc tốt đẹp nhất của năm mới và cũng là dịp làm phúc, làm điều thiện. Đi chợ không chỉ là một nét sinh hoạt văn hóa mà còn gieo vào lòng người về niềm tin, tính thiện.
Chợ mùng 2 Tết - Phiên chợ âm dương duy nhất còn lại ở Bắc Giang họp trước đình Cao Thượng, ngôi đình cổ nổi tiếng xứ Kinh Bắc cũng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đi chợ âm dương ngày đầu xuân, người dân mong muốn lưu giữ nét đẹp trong đời sống tinh thần.
Châu Giang
Ý kiến bạn đọc (0)