Sắc màu chợ phiên Biển Động
Người dân đi chợ phiên Biển Động. |
Chợ Biển Động có từ thời Pháp thuộc. Cách đây khoảng 40 năm, khi tôi còn nhỏ, thường nghe mẹ kể chuyện đi chợ phiên Biển Động để mua bán hàng hóa, kiếm thêm đồng rau, đồng mắm nuôi chị em tôi khôn lớn. Gia đình tôi ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn), cách xã Biển Động khoảng 20 km. Thuở ấy, bố tôi làm cán bộ nhà nước, lương thấp. Mẹ làm nghề nông, vì thời buổi kinh tế khó khăn nên cứ khi nông nhàn mẹ lại cùng các cô trong xóm rủ nhau đi chợ, thường gọi là làm "hàng xáo".
Do đường xa, phương tiện di chuyển lúc đó chỉ là chiếc xe đạp cà tàng nên mỗi khi đến phiên chợ Biển Động, các cô trong xóm lại í ới gọi mẹ tôi từ 3 rưỡi sáng. Cứ thế, đoàn từ 3 - 5 người kì cạch đạp xe, rồi cũng đến chợ khi trời vừa sáng. Nhóm đi chợ của mẹ tôi thường mua đỗ xanh, đỗ tương, sắn khô… của bà con đồng bào dân tộc rồi vận chuyển về xã Hồng Giang (Lục Ngạn) hay thị trấn Chũ bán.
Để thồ được nhiều hàng, những chiếc xe đạp đã được gia cố vành và nan hoa to, chắc chắn hơn. Mỗi chiếc xe đạp có thể chở được cả tạ hàng, thậm chí nhiều hơn. Mẹ tôi bảo thời ấy phải đi chợ sớm thì mới đón được hàng của người dân ở một số ngả đường dẫn vào chợ.
Có hôm nhiều hàng, hôm ít hàng nhưng về cơ bản đi chợ nơi đây dễ mua bán. Mỗi buổi chợ tuy vất vả nhưng tính ra mỗi người cũng chia nhau lãi được dăm bảy nghìn đến hàng chục nghìn đồng. Bởi vậy, mỗi khi đi chợ về mẹ lại mua quà cho chị em tôi, khi thì mía tím, lúc thì bánh dày giã tay, nắm bỏng gạo…, có hôm mua được cả tổ mật ong rừng.
Xã Biển Động giáp với xã Tân Hoa và các xã vùng cao như: Phú Nhuận, Kim Sơn (Lục Ngạn) và một số xã của huyện Sơn Động. Vì thế, chợ không chỉ có những mặt hàng truyền thống của người dân vùng thấp mang lên bán như: Quần áo, giày dép, chăn màn, nhu yếu phẩm… mà còn có nhiều mặt hàng của đồng bào vùng cao như: Dây dướng (làm giấy bản), củ nâu (nhuộm quần áo), các mặt hàng thổ cẩm, mật ong, thuốc nam, vỏ (dùng để ăn với trầu, cau), đỗ tương, đỗ xanh, gạo nếp, sắn khô…
Xưa kia, tuy cơ sở hạ tầng rất đơn sơ chỉ có vài hàng quán dựng tạm cây que, phủ bạt nhưng chợ phiên họp rất sôi động, thu hút khá đông người ở các vùng về mua bán hàng hóa. Chợ Biển Động có các dãy hàng như: Hàng xén; hàng thịt, cá; hàng quà bánh… Chợ họp vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25 và 30 âm lịch hằng tháng; vào dịp lễ Tết chợ họp trước một ngày theo lịch thông thường. Thời gian họp chợ ngày Tết cũng kéo dài hơn, suốt từ sáng sớm đến chiều tà.
Cũng bởi chợ 5 hôm mới họp một lần nên người dân rất háo hức. Bà con không chỉ bán sản vật mình làm ra, mua về những vật dụng cần thiết mà còn gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giao lưu làn điệu dân ca. Do đường xa, có chàng trai, cô gái ở các xã như Sa Lý, Cấm Sơn (Lục Ngạn) đến Biển Động ngủ nhờ nhà người quen từ ngày hôm trước để hôm sau kịp đến chợ. Cũng chính từ đó mà nhiều cặp đôi đã nảy sinh tình cảm, nên vợ nên chồng.
Ông Trần Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Biển Động cho hay: Chợ phiên Biển Động đã có từ lâu đời và được duy trì đến nay. Chợ đã được xây dựng lại rộng rãi trong không gian hàng nghìn m2 với hơn 300 gian hàng. Các dãy ki ốt khang trang, có hệ thống phòng cháy, chữa cháy, đáp ứng cơ bản nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân, đạt chuẩn chợ nông thôn mới. Cùng với nhiều chợ phiên ở địa phương, chợ phiên Biển Động đã lưu giữ những nét đẹp trong đời sống của đồng bào các dân tộc ở Lục Ngạn.
Đức Thọ
Ý kiến bạn đọc (0)