Bắc Giang: Đào tạo giảng viên cấp tỉnh về quản lý sức khỏe cây trồng
Quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPHM) là hệ thống quản lý cây trồng mà các biện pháp tác động dựa trên nền tảng môi trường cụ thể (đất, nước, thời tiết, sinh vật gây hại, sinh vật có ích) nhằm giảm thiểu những tác động gây bất lợi cho cây trồng; phát huy các yếu tố nội tại của cây trồng, ngăn chặn bùng phát sinh vật gây hại.
Đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, phát triển IPHM còn nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Học viên học tập trên đồng ruộng. |
Trước tính ưu việt của IPHM, ngày 23/9/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quyết định số 3592/QĐ-BNN-BVTV về phê duyệt kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực của Việt Nam giai đoạn 2022-2030 và Quyết định số 5416/QĐ-BNN-BVTV ngày 18/12/2023 phê duyệt Đề án phát triển IPHM đến năm 2030.
Cụ thể hóa tại địa phương, ngày 5/9/2023, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 46/KH-UBND về triển khai thúc đẩy ứng dụng IPHM trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2030. Một trong những mục tiêu đề ra là đào tạo 90 giảng viên cấp tỉnh, mỗi xã có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 5 nông dân IPHM nòng cốt; trên 80% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng.
Thực hiện mục tiêu trên, năm nay Chi cục Trồng trọt và BVTV mở lớp đào tạo giảng viên IPHM cấp tỉnh trên cây lúa trong vụ mùa. Lớp học gồm 30 người, dưới sự đào tạo của 4 giảng viên IPHM quốc gia. Trong thời gian 42 ngày, các học viên đã được đào tạo theo phương pháp trao đổi hai chiều, vừa học vừa vận dụng kiến thức để thực hành.
Cụ thể, giảng viên đưa ra nội dung học tập có mục đích yêu cầu, cách thức tiến hành, câu hỏi thảo luận. Học viên thảo luận nhóm và đưa ra quyết định của nhóm. Sau đó các nhóm đại diện trình bày báo cáo của nhóm. Cuối cùng giảng viên thống nhất và đưa ra kết luận nội dung thảo luận.
Kết quả tổng kết vào ngày 24/9 cho thấy, các học viên tham gia lớp đào tạo IPHM đã nắm chắc phương pháp tập huấn, kỹ năng truyền đạt, hoạt động nhóm,… Trên cơ sở được thảo luận, trao đổi và thực hành, các học viên đã được trang bị và nâng cao nhận thức về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lúa. Nắm chắc về sinh lý cây lúa qua các giai đoạn phát triển như: Giai đoạn mạ, đẻ nhánh, làm đòng, trỗ bông- phơi màu, chín; biết được phương pháp điều tra, phân tích hệ sinh thái ruộng lúa để quan sát, ghi chép các chỉ tiêu về sự sinh trưởng, phát triển, theo dõi diễn biến mật độ, tỷ lệ hại của các đối tượng dịch hại phát sinh, thảo luận đánh giá, phân tích và đưa ra các biện pháp quản lý tiếp theo.
Bên cạnh đó, các học viên nắm được vai trò của hệ sinh thái ruộng lúa, biết cách đánh giá và đưa ra quyết định áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp dựa trên thực tế đồng ruộng. Từ đó nắm bắt được quy trình quản lý tổng hợp các loại dịch hại trên cây lúa như quản lý sâu hại, bệnh hại, cỏ dại, chuột hại…; thảo luận, hiểu biết cơ bản về thuốc BVTV.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, trước đây, một số học viên chưa từng hoạt động nhóm và chưa có kỹ năng thuyết trình trên lớp. Qua khóa học, kỹ năng hoạt động nhóm của các học viên trong lớp đã được nâng lên rõ rệt. Khi được giảng viên hướng dẫn, góp ý cùng sự nỗ lực của bản thân, các học viên đã tự tin thuyết trình và tập huấn cho nông dân một cách thuần thục.
Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)