Bắc Giang: Chuyển đổi số, tăng hiệu quả kết nối cung - cầu lao động
BẮC GIANG - Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động kết nối cung - cầu lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh đang tập trung triển khai. Qua đó tạo thuận lợi để lao động tiếp cận cơ hội việc làm ổn định, phù hợp.
3 năm trở lại đây, Trung tâm DVVL tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm định kỳ vào thứ Năm hằng tuần theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đây là ý tưởng nhằm đổi mới hình thức kết nối giữa doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ).
Cán bộ Trung tâm DVVL tỉnh hướng dẫn lao động lấy số tự động để giải quyết thủ tục bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn việc làm. |
Ngoài các công ty trong tỉnh, phiên giao dịch còn thu hút hàng trăm lượt DN thuộc nhiều tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc tham gia tuyển dụng. Để lao động nắm được các thông tin của nhà tuyển dụng, trước phiên giao dịch, Trung tâm đã tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Đồng thời, bố trí cán bộ, máy móc, thiết bị công nghệ, bảo đảm đường truyền ổn định để lao động trực tiếp đến phiên và người kết nối online đều được tư vấn, cung cấp đầy đủ thông tin. Cùng đó, DN, NLĐ được trao đổi trực tuyến, đưa ra lựa chọn phù hợp.
Nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, từ nguồn vốn đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025 (gần 6,6 tỷ đồng), Trung tâm DVVL (đơn vị chủ trì thực hiện dự án) phân bổ cho phòng lao động - thương binh và xã hội 10 huyện, thị xã, TP (mỗi đơn vị được 3 bộ máy tính để bàn và 1 máy tính xách tay); 192 xã, phường, thị trấn (mỗi đơn vị được bàn giao 2 bộ máy tính để bàn). Riêng 17 xã thuộc huyện Sơn Động được bổ sung thêm 17 màn hình chuyên dụng 55 inch. |
Chị Bùi Thị Miên (SN 1993) ở xã Bảo Đài (Lục Nam) từng nhiều năm làm việc trong khu công nghiệp (KCN) của tỉnh Thái Nguyên. Hiện chị đã lập gia đình, có con nhỏ nên muốn tìm việc gần nhà. Qua tìm hiểu, nắm được thông tin tuyển dụng của Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam (KCN Quang Châu) phù hợp với tay nghề, điều kiện của bản thân nên chị Miên đăng ký tuyển dụng. Tại Trung tâm, chị được đại diện DN phỏng vấn trực tuyến. Do đáp ứng đủ các điều kiện về tuổi, tay nghề nên chị Miên được hẹn đi làm ngay trong tháng 11 tới.
Là đơn vị trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nhiệm vụ chính của Trung tâm DVVL tỉnh là tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ, đáp ứng nhu cầu nhân lực của DN. Để thực hiện, cán bộ chuyên môn của Trung tâm thường xuyên nắm bắt, thu thập, phân tích thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các DN; đổi mới các phiên giao dịch việc làm để thông tin tuyên truyền, tư vấn và giới thiệu việc làm. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tổ chức 68 phiên giao dịch việc làm (trong đó có 40 phiên định kỳ, 16 phiên online, 10 phiên lưu động, 2 phiên chuyên đề). Ngoài ra còn có 4 hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp và 1 ngày hội việc làm. Kết quả có 300 lượt DN tham gia, thu hút hơn 13,5 nghìn lao động đến phiên giao dịch.
Cán bộ Trung tâm DVVL tỉnh hướng dẫn lao động kết nối trực tuyến với bộ phận tuyển dụng của DN. |
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh cho biết, những năm gần đây, để bắt kịp xu hướng, tăng hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, đơn vị đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nhiều hoạt động như: Triển khai số hóa hồ sơ lưu trữ; nâng cấp website chạy trên nền tảng IOS, Android để dễ dàng xem, sử dụng trên điện thoại di động; đưa vào hoạt động tổng đài Zalo OA với phần mềm trả lời, gửi tin nhắn tự động tới NLĐ và DN; khai thác tối đa tiện ích các mạng xã hội trong tư vấn, giới thiệu việc làm.
Với mong muốn giúp NLĐ và DN tiếp cận, tìm kiếm thông tin nhanh chóng, dễ dàng, đơn vị cập nhật nhu cầu tuyển dụng qua các website, trang mạng xã hội như: Fanpage Sàn giao dịch việc làm Bắc Giang, ứng dụng “Vieclambacgiang”… Thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao của DN, Trung tâm tiếp tục chú trọng công tác dự báo cung - cầu; đổi mới các phiên giao dịch việc làm, tăng tần suất phiên trực tuyến. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến tận huyện, xã khó khăn, vùng cao.
Ý kiến bạn đọc (0)