Bắc Giang: Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành
Theo danh sách này, có 6 DN được cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế, 6 DN được cấp phép kinh doanh lữ hành nội địa và 1 chi nhánh DN lữ hành được cấp phép là Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Du lịch quốc tế Đình Anh hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Danh sách các DN lữ hành được cấp phép. |
Ông Trần Mai Phong, Chánh Thanh tra Sở VHTTDL cho biết, trước đây quy định về lĩnh vực này chưa chặt chẽ nên xảy ra tình trạng một số cá nhân, tổ chức, DN lợi dụng kinh doanh dịch vụ lữ hành, chào bán tuor hoạt động lộn xộn với các chiêu thức giá hấp dẫn, giá rẻ, thậm chí có DN chào tuor giá rẻ bằng một nửa, quá nửa so với dịch vụ cùng loại.
Trên thực tế, với những DN có đăng ký kinh doanh dịch vụ lữ hành chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước về thủ tục ký quỹ (từ 100 triệu đến 500 triệu đồng tùy lữ hành trong nước hay quốc tế), hành chính, thuế… thì giá thường cao hơn những đơn vị hoạt động chui, làm ăn theo kiểu chụp giật. Vì vậy dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động của các DN làm ăn nghiêm túc, rủi ro cho người dân.
Điển hình về chiêu thức hoạt động chụp giật, rủi ro cao cho khách hàng phải kể đến Công ty TNHH một thành viên Phong Nguyệt (xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang) do Nguyễn Thị Nguyệt đứng ra thành lập.
Trong vòng hơn 1 năm (từ tháng 5-2018 đến tháng 7-2019), nữ giám đốc này dẫn dụ khách hàng bằng cách chào mời và tổ chức nhiều tour du lịch giá rẻ hơn mặt bằng trên thị trường, có tour chỉ bằng một nửa so với các đơn vị khác.
Số tiền Nguyễn Thị Nguyệt lừa đảo chiếm đoạt thông qua hình thức bán tour du lịch giá rẻ lên tới hàng chục tỷ đồng. Vụ việc đang được cơ quan công an điều tra làm rõ.
Việc công khai danh sách các DN được cấp phép hoạt động nhằm giúp các cơ quan quản lý các cấp nắm rõ số đơn vị lữ hành đang hoạt động tại địa bàn, tiến hành các biện pháp quản lý thuộc thẩm quyền trách nhiệm khi cần thiết, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch.
Danh sách các DN lữ hành được cấp phép. |
Người dân căn cứ vào danh sách này để lựa chọn DN cung cấp dịch vụ phù hợp với mình, bảo đảm quyền lợi, tránh rủi ro khi sử dụng dịch vụ du lịch; tạo môi trường kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh giữa các DN làm du lịch; góp phần thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển bền vững.
Khách tham quan Khu Du lịch Tây Yên Tử. |
Sở VHTTDL khuyến cáo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh khi ký hợp đồng tuor du lịch cần yêu cầu các DN chào bán tuor xuất trình giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành để làm căn cứ ký kết hợp đồng dịch vụ (giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa do Giám đốc Sở VHTTDL cấp, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế do Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cấp).
Khi phát hiện các DN hoạt động không có giấy phép kinh doanh theo quy định không nên hợp đồng dịch vụ mà cần thông báo ngay về Sở VHTTDL để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Ông Trần Mai Phong cho biết, trong năm 2019, đơn vị phối hợp với Thanh tra Bộ VHTTDL và thanh tra theo kế hoạch 2 DN có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, các DN này đều chấp hành nghiêm túc các quy định về tuor, tuyến, hợp đồng… song có vi phạm là không báo cáo kết quả kinh doanh về cơ quan quản lý nhà nước. Năm 2020, Thanh tra Sở sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, chấn chỉnh lĩnh vực kinh doanh lữ hành.
Ý kiến bạn đọc (0)