Bắc Giang tập trung nguồn lực xây dựng các khu, điểm du lịch
Xây mới nhiều hạng mục
“Dù mới hình thành nhưng từ đầu năm 2019 đến nay ước tính có 15 vạn khách đến nơi này. Chúng tôi đã và đang đầu tư xây dựng thêm nhiều hạng mục mới, tạo ra những điểm nhấn hấp dẫn du khách”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Giám đốc Vận hành Khu Du lịch tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử chia sẻ với phóng viên về đầu tư phát triển du lịch.
Khu Du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động) đang là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. |
Khu Du lịch (KDL) tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử được xây dựng trên địa bàn xã Tuấn Mậu (Sơn Động) có tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, chia làm ba giai đoạn (từ 2016-2021). Đầu năm nay, KDL đã khánh thành giai đoạn 1, kinh phí đầu tư hơn 700 tỷ đồng với quần thể chức năng như tuyến cáp treo từ chùa Hạ lên chùa Thượng, quảng trường trung tâm, đồi tượng Phật hoàng…
Bà Ngân cho biết, hiện nay DN đang thi công một số hạng mục mới, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay như hệ thống nhà hàng ăn uống, công suất phục vụ 500 khách, vườn Tứ Đại theo kết cấu đài nước. Năm 2020, xây dựng hệ thống khách sạn lưu trú; trung tâm du khách; khu mua sắm, vui chơi; hồ cảnh quan… vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng.
Không chỉ KDL tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử, nhiều địa phương khác như Lục Nam, Yên Dũng, TP Bắc Giang, Yên Thế, các hạng mục công trình phục vụ phát triển du lịch đã và đang được đầu tư xây dựng. Tại huyện Lục Nam, dự án nâng cấp, sửa chữa đền Hạ và xây nhà hát văn trong quần thể khu KDL sinh thái Suối Mỡ với kinh phí gần 20 tỷ đồng hoàn thiện đầu năm 2019 đã tạo điển nhấn hấp dẫn du khách.
Ông Nguyễn Quang Tấn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án xây dựng huyện Lục Nam cho biết, dự án Hạ tầng KDL sinh thái Suối Mỡ, giai đoạn 2016-2020 có tổng mức tư hơn 80 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương đang tiến hành giải phóng mặt bằng (GPMB), theo đó sẽ tập trung cao vào việc xây dựng đường dẫn vào các đền.
Thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương, tỉnh đặc biệt là Nghị quyết số 44-NQ/TU ngày 30-3-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 – 2020, thời gian qua, công tác phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch, các dự án hỗ trợ được thực hiện bài bản, có trọng tâm, trọng điểm. Trong 2 năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền và đồng hành của DN, nhiều hạng mục công trình được triển khai với số vốn đầu tư, xây dựng hàng nghìn tỷ đồng.
Tìm hiểu tại huyện Yên Dũng, ông Trương Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, từ nguồn vốn các nhà đầu tư và xã hội hóa, các hạng mục ở thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng được xây dựng trị giá hơn 50 tỷ đồng; nhà lưu giữ, trưng bày mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm hơn 10 tỷ đồng. “Huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để DN có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, khả năng quản lý vào đầu tư các khu, điểm du lịch”, ông Hải nói.
Năm 2018, UBND tỉnh trao quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đăng ký và biên bản ghi nhớ đầu tư cho 10 DN, tổng số vốn đầu tư hơn 35 nghìn tỷ đồng. Từ đầu năm 2019 đến nay, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng 5 dự án, trong đó có một số dự án lớn như: Xây dựng khách sạn cao cấp và kinh doanh thương mại tổng hợp TP Bắc Giang, vốn đầu tư 468 tỷ đồng; dự án sân Golf Việt Yên (1.200 tỷ đồng); KDL văn hóa làng cổ Bắc Bộ tại xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên (520 tỷ đồng)...
Hàng loạt dự án xây dựng, mở rộng, nâng cấp đường giao thông kết nối tới các điểm, KDL đã và đang được triển khai như Dự án đường vành đai IV nối cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn qua các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa; thi công đường tỉnh 293 kéo dài, đoạn Thanh Sơn - Hạ Mi (giao nhau với quốc lộ 279) kết nối Quảng Ninh với KDL tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử...
Tích cực quảng bá, hút dự án
Song song với đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, địa phương liên quan tích cực tuyên truyền, quảng bá các khu, điểm du lịch thông qua cơ quan báo chí Trung ương, tỉnh, trang thông tin điện tử của các ngành, huyện, TP; lập trang fanpage trên mạng xã hội; các pa nô, băng rôn, khẩu hiệu; in tờ rơi, tờ gấp, phát hành ấn phẩm, tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao nhằm thu hút đông đảo khách thập phương tới tham quan, vãn cảnh, nghỉ dưỡng...
Hiện nay DN đang thi công một số hạng mục mới, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay như hệ thống nhà hàng ăn uống, công suất phục vụ 500 khách, vườn Tứ Đại theo kết cấu đài nước. Năm 2020, xây dựng hệ thống khách sạn lưu trú; trung tâm du khách; khu mua sắm, vui chơi; hồ cảnh quan… vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng”. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân |
Có thể nói, công tác xây dựng, đầu tư, quảng bá du lịch thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tích cực, đồng bộ. Cơ sở vật chất trong thực hiện mục tiêu phát triển du lịch ngày được nâng lên, tạo diện mạo mới cho du lịch Bắc Giang.
Ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với sở liên quan tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, cơ quan chức năng hỗ trợ nhà đầu tư, đặc biệt là công tác GPMB nhằm thực hiện có hiệu quả các dự án phát triển du lịch đã được UBND tỉnh chấp thuận, phê duyệt. Tích cực mời gọi, thu hút các dự án; xây dựng nâng cấp, sửa chữa hạ tầng giao thông.
Mặt khác, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tuyên truyền, quảng bá, áp dụng công nghệ du lịch thông minh… phấn đấu đạt chỉ tiêu đón 3 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh Bắc Giang vào năm 2020. Qua đó, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, phát triển triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)