Bắc Giang: Cấp cứu hai ca bệnh nguy kịch do mắc uốn ván
Bệnh nhân đầu tiên là Phạm Đức Nam, 49 tuổi, ở thị trấn Thắng (Hiệp Hòa). Trước đó, ông Nam có vết xước nhỏ tại ở bàn chân bên phải (do ông đi dép có buộc dây sắt cứa vào). Nghĩ rằng vết thương nhỏ nên ông chủ quan không tiêm phòng uốn ván và vẫn ra đồng làm ruộng như mọi khi. Mấy ngày sau, vết thương trên bàn chân đã liền và thành sẹo. Tuy nhiên, ông Nam thấy người mệt mỏi, đau hàm, khó nói, co cứng cơ vùng cổ, sau đó lan xuống vùng lưng và bụng.
Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được làm các xét nghiệm và chẩn đoán bị uốn ván, điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới. Các bác sĩ đã tiêm huyết thanh cho bệnh nhân kháng độc tố uốn ván và dùng kháng sinh chống vi khuẩn.
Bệnh nhân Phạm Đức Nam đã hồi phục, trò chuyện với các bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm Bệnh nhiệt đới.
|
Theo diễn tiến của bệnh, sau vài ngày điều trị, bệnh nhân tiếp tục có những biểu hiện nguy kịch như: Trương lực cơ toàn thân, các cơn co giật gồng cứng gây suy hô hấp, tăng tiết đờm dãi. Trước tình huống nguy cấp, Trung tâm Bệnh nhiệt đới tổ chức hội chẩn mở rộng với các bác sĩ giỏi trong Bệnh viện, sau đó thống nhất mở khí quản cho bệnh nhân ngay tại Trung tâm. Cùng đó, điều chỉnh liều lượng thuốc an thần, thuốc giãn cơ, chống co giật kết hợp với các biện pháp điều trị hồi sức tích cực và chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Trước đây, những ca bệnh tương tự sẽ phải chuyển bệnh nhân sang Khoa Hồi sức tích cực - chống độc để điều trị hoặc chuyển lên tuyến trên. Nhờ được trang bị máy móc, thiết bị hồi sức và bác sĩ chuyên khoa nên hiện nay trung tâm hoàn toàn chủ động trong điều trị, cấp cứu người bệnh.
Bác sĩ Trương Quang Chiến trực tiếp điều trị cho biết: “Đây là ca bệnh mở khí quản đầu tiên với người mắc bệnh uốn ván nguy kịch tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới. Kỹ thuật này giúp khai thông đường thở, duy trì chức năng hô hấp, tránh tình huống phải đặt ống nội khí quản, thở máy xâm nhập kéo dài dẫn đến nguy cơ viêm phổi, giảm chi phí, rút ngắn thời gian điều trị.
Ngoài dùng thuốc điều trị tích cực, trong thời gian nằm viện gần một tháng, bệnh nhân Nam được điều dưỡng viên chăm sóc toàn diện bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý (ăn xông), luyện tập vận động phục hồi chức năng, vệ sinh cá nhân. Đến ngày 10/4, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, có thể tự thở qua khí quản, vận động nhẹ và được các bác sĩ rút xông dạ dày để tập ăn lại qua đường miệng. Dự kiến được ra viện vào ngày 11/4.
Các bác sĩ kiểm tra sức khỏe bệnh nhân Lương Văn Thân mới nhập viện điều trị bệnh uốn ván.
|
Ngày 8/4, Trung tâm Bệnh nhiệt đới tiếp nhận bệnh nhân Lương Văn Thân, 55 tuổi, ở xã Quý Sơn (Lục Ngạn) vào viện cấp cứu do nhiễm trùng uốn ván.
Người nhà bệnh nhân cho biết trước đó trong lúc làm vườn, ông Thân vô tình đá chân vào gai dẫn đến chảy máu. Vết thương nhỏ nên ông chỉ rửa chân sơ qua, ngày hôm sau làm việc bình thường.
Vài ngày sau, ông Thân có biểu hiện cứng hàm, nói khó, đau tức cơ toàn thân với mức độ tăng dần. Ngay khi nhập viện, các bác sĩ đã dùng huyết thanh kháng độc tố uốn ván, kháng sinh, dùng thuốc an thần. Hiện bệnh nhân đã cắt được các cơ co cứng toàn thân, đang được các bác sĩ tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới theo dõi và điều trị tích cực.
Uốn ván là bệnh truyền nhiễm cấp tính do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Thông thường vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở bị nhiễm bẩn (đất, cát bụi, phân người hoặc súc vật). Bác sĩ Trương Quang Chiến khuyến cáo người dân khi có vết thương hở trên cơ thể tuyệt đối không chủ quan. Vết xước dù nhỏ nhưng rất nguy hiểm; hoặc nếu sơ cứu sai cách sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn uốn ván âm thần làm cho bệnh tiến triển tăng nặng, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Bác sĩ lưu ý người dân trong quá trình sinh hoạt nếu khi không may va chạm xảy ra thương tích dù vết thương nhỏ cần nhanh chóng rửa vết thương dưới vòi nước sạch để loại bỏ dị vật, chất bẩn. Sau đó sát khuẩn bằng cồn hoặc ô xy già rồi băng bó vết thương. Chủ động đến cơ sở y tế để được tiêm vắc - xin phòng ngừa uốn ván.
Ý kiến bạn đọc (0)