Sơn Động: Hơn 1,3 nghìn lao động là người DTTS được đào tạo nghề
BẮC GIANG - Để từng bước cải thiện, nâng cao mức sống và giảm nghèo bền vững cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), huyện Sơn Động đặc biệt quan tâm đào tạo nghề, tư vấn, giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động.
Từ năm 2019 đến nay, từ các nguồn kinh phí, huyện đã mở các lớp sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng về chăn nuôi thú y, điện dân dụng, may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp cho hơn 1,8 nghìn lao động nông thôn, trong đó có 1,3 nghìn lao động là người DTTS, chiếm tỷ lệ 72% tổng số của toàn huyện. Cùng đó, các cơ quan chức năng của huyện đã tổ chức 37 lớp tập huấn, tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 6 nghìn lượt người lao động (trong đó có 5,1 nghìn lao động là người DTTS).
Hướng dẫn người lao động sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng tại xã Giáo Liêm. |
Nhờ vậy, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ. Đến nay, lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ lệ 56%; công nghiệp - xây dựng 19%, dịch vụ 25%. Kết quả đào tạo nghề cho lao động là người DTTS đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn huyện đến nay đạt hơn 74% %. Giá trị sản xuất/ha đất sản xuất nông nghiệp năm 2023 đạt 70 triệu đồng/ha. Tỷ lệ hộ nghèo tính đến hết năm 2023 là 15,5% (giảm 10,2% so với năm 2021), trong đó hộ nghèo DTTS hơn 2 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ 62,6% tổng số hộ nghèo của toàn huyện.
Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của Chính phủ, từ năm 2019 đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã triển khai cho vay ưu đãi đối với 19,5 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng kinh phí cho vay là gần 1,2 nghìn tỷ đồng, dư nợ trên 900 tỷ đồng. Chính sách tín dụng đã tạo nguồn lực quan trọng cho người nghèo, người DTTS cải thiện nhà ở, học nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, tăng thu nhập, ổn định đời sống.
Trên địa bàn huyện hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh có quy mô lớn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh như: Mật ong rừng, nấm lim xanh, ba kích tím, rượu men lá, táo Đại Sơn... Tại các xã, thị trấn xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu điển hình làm kinh tế giỏi trong vùng đồng bào DTTS như: Ông Trần Văn Tầng, dân tộc Sán Dìu, xã An Bá; ông Chu Văn Ninh, dân tộc Nùng, xã Yên Định; ông Lý Tiến Dũng, dân tộc Nùng, xã Đại Sơn...
y
Ý kiến bạn đọc (0)