Bắc Giang: Bảo tồn di tích để phát triển du lịch
Chưa tương xứng với tiềm năng
Với vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp với nhiều tỉnh, TP, có sự giao thoa về văn hóa nên huyện Hiệp Hòa sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Huyện có số lượng di tích lớn nhất tỉnh với 129 di tích được xếp hạng (trong đó có 8 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 13 di tích cấp Quốc gia). Huyện có 66 lễ hội truyền thống, trong đó lễ hội Y Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết, các lễ hội đặc sắc trên địa bàn huyện có kế hoạch bảo tồn, khai thác phục vụ phát triển du lịch như: Lễ hội Y Sơn (xã Hòa Sơn), Bơi chải (xã Mai Trung), Tung hoa (xã Mai Đình) và các loại hình nghệ thuật truyền thống: Ca trù, chèo, quan họ; các môn thể thao dân gian: Vật dân tộc, kéo co, cờ tướng hay các món ăn đặc trưng, như: Bánh chưng Vân, nham trám, gỏi cá…
Di tích lịch sử Đình Chợ Vân, xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa). |
Dù các di tích lịch sử - văn hóa được quan tâm trùng tu, tôn tạo, có giá trị rất lớn nhưng Hiệp Hòa vẫn gặp khó khăn trong khai thác các di sản này để phát triển du lịch. Năm 2022, toàn huyện chỉ đón khoảng 10 nghìn lượt du khách, chủ yếu là học sinh, cán bộ, công chức đến tham quan, lượng khách lưu trú thấp. Doanh thu từ hoạt động du lịch của huyện năm 2012 ước đạt khoảng 10 tỷ đồng, chủ yếu thu từ dịch vụ ăn uống.
Huyện Yên Thế là vùng đất nổi tiếng gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám. Trên địa bàn huyện có 120 di tích. Những năm qua, các di tích được quan tâm trùng tu, tôn tạo và bảo vệ. Hiện huyện đang xây dựng “Đền thờ Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân” tại chính khu vực đại bản doanh của nghĩa quân Yên Thế năm xưa (tổng kinh phí 112 tỷ đồng), cùng một số công trình khác trong Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám tại thị trấn Phồn Xương.
Được biết, mỗi năm, Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, nghiên cứu. Ngoài ra còn một số công trình văn hoá dân gian thu hút du khách đến chiêm bái, vãn cảnh như đền Huyết Hồ (Nguyệt Hồ), xã Hương Vĩ; đền Suối Cấy, xã Đồng Kỳ; đền Trắng, xã Đông Sơn. Dù vậy, lượng khách đến chủ yếu vào dịp lễ hội Yên Thế. Hầu hết khách du lịch không lưu trú qua đêm nên nguồn thu mang lại còn khiêm tốn.
Khảo sát cho thấy, các địa phương trong tỉnh đều chung thực trạng có rất ít du khách đến tham quan các điểm di tích lịch sử và thưởng thức “đặc sản” văn hóa phi vật thể.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Lý giải về nguyên nhân, ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin và Du lịch cho biết, di sản của tỉnh nhiều nhưng nằm rải rác, nhỏ lẻ, không nhiều di tích nổi bật, tiêu biểu. Đa phần di tích trải qua thời gian đã xuống cấp, khó khai thác phát triển du lịch nếu không được đầu tư. Cơ sở hạ tầng tại các điểm di tích chưa đồng bộ, chưa có quy hoạch điểm di tích gắn với phát triển du lịch.
Việc quảng bá, tuyên truyền về giá trị di sản gắn với du lịch còn hạn chế. Nhân lực phục vụ phát triển du lịch gắn với di sản còn yếu. Người có chuyên môn về du lịch lại yếu kiến thức chuyên môn về di sản, ngược lại có chuyên môn về di sản lại không có kỹ năng về du lịch, ngoại ngữ... Bên cạnh đó, tác động của xu thế thương mại hóa di sản, như: Trùng tu, tôn tạo không tuân thủ quy định gây mất bản sắc, mất yếu tố truyền thống, độc đáo nên ít hấp dẫn du khách.
Khách tham quan Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, thị trấn Phồn Xương (Yên Thế). |
Thực tế cho thấy, xuất phát điểm du lịch của tỉnh thấp; đầu tư vào du lịch có khởi sắc nhưng chưa bảo đảm các điều kiện cần thiết; quy hoạch chưa đầy đủ; loại hình du lịch đơn điệu; chưa hình thành rõ nét các tour tuyến; các điểm đến rời rạc, chưa kết nối thành mạng lưới thuận tiện, hấp dẫn. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thanh Thủy, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), điểm quan trọng nhất đó là Bắc Giang chưa tạo được khu/điểm du lịch đủ sức kích hoạt và liên kết các địa điểm du lịch trong toàn tỉnh, trong đó có các di tích.
Bắc Giang có hơn 2 nghìn di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 746 di tích được xếp hạng. Tỉnh có 4 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Dân ca quan họ, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt và thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; ca trù được ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Ngoài ra, tỉnh có 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 1 Di sản Tư liệu khu vực châu Á Thái Bình Dương (Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm). Năm 2022, có 1,35 triệu lượt khách du lịch đến Bắc Giang, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 650 tỷ đồng. |
Để phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử gắn với phát triển du lịch, bà Bùi Thanh Thủy cho rằng, tỉnh quan tâm xác định lại chiến lược du lịch một cách bài bản, lâu dài, trong đó có những giải pháp mang tính đột phá, sáng tạo. Hướng tới cả du lịch phổ thông và du lịch cao cấp. Các nhà quản lý cần thay đổi mạnh mẽ về tư duy, đầu tư trọng điểm để tạo ra một khu/điểm du lịch thực sự trở thành trung tâm, có thương hiệu đủ mạnh để thu hút khách. Xây dựng hệ sinh thái hạ tầng du lịch, nghỉ dưỡng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực… đồng bộ. Đồng thời hỗ trợ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá phục vụ du lịch. Bên cạnh đó “số hoá” cơ sở dữ liệu, ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ phát triển du lịch; tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác liên kết vùng về du lịch. Xây dựng các chương trình du lịch, sự kiện có giá trị định vị sản phẩm du lịch mang tính thương hiệu, bảo đảm sự khác biệt, độc đáo, riêng có của Bắc Giang.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, trong đó việc phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử phục vụ phát triển ngành kinh tế xanh này là rất cần thiết. Bởi thông qua du lịch, các giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc, lịch sử hào hùng của dân tộc được lan tỏa. Ngược lại, nguồn thu từ du lịch sẽ góp phần bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa - lịch sử mãi trường tồn.
Bài, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)