Ba trường của Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất cách tuyển sinh mới
Sinh viên trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong một giờ học tại phòng thí nghiệm. |
Thông tin trên được nêu tại hội nghị triển khai công tác tuyển sinh năm 2024 của Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 12/3.
Trưởng Ban Đào tạo Nguyễn Anh Tuấn cho biết năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục đổi mới tuyển sinh nhằm thu hút thí sinh giỏi, mở rộng quy mô tuyển sinh tại Hòa Lạc, tiếp tục tổ chức thi đánh giá năng lực và dành tối đa chỉ tiêu cho phương thức này.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng tiếp tục dùng điểm thi tốt nghiệp và một số phương thức khác như xét dựa vào chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level; kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (HCM); xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với điểm thi tốt nghiệp.
Ngoài ra, một số trường thành viên đại học này đề xuất thêm phương thức xét tuyển mới, nhằm tuyển được thí sinh có chất lượng đầu vào cao.
Ông Phạm Như Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội muốn có thêm hình thức phỏng vấn khi xét tuyển đầu vào, sau khi xét điểm thi tốt nghiệp hoặc điểm thi đánh giá năng lực của thí sinh. Ông cho rằng điều này phù hợp với đặc thù đào tạo kéo dài.
Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Nguyễn Xuân Long cho rằng có thể đưa vào sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP để xét tuyển trong toàn Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo ông, đây là phương thức có tính khả thi cao bởi bài thi được thực hiện trên máy tính, do Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề.
Hiện tại, theo quy chế tuyển sinh đại học chính quy của Đại học Quốc gia Hà Nội, chứng chỉ tiếng Anh được công nhận gồm IELTS và TOEFL iBT, sử dụng khi xét tuyển kết hợp. Chứng chỉ B2 (VSTEP 3-5) do trường Đại học Ngoại ngữ cấp mới được thí điểm với các ngành ngôn ngữ tiếng nước ngoài tại trường này.
Trong khi đó, ông Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ ủng hộ việc nâng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, thậm chí đề xuất trong điều kiện nhất định có thể dành 100% chỉ tiêu cho phương thức này.
Ông Trình chia sẻ từ thực tiễn cho thấy chất lượng sinh viên tốt nghiệp chưa cao, phần lớn sinh viên chưa đủ năng lực nghề nghiệp. Vì vậy, ông cho rằng cần tập trung vào những phương thức tuyển sinh ổn định và bền vững để tuyển được thí sinh có chất lượng đầu vào tốt.
Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết sẽ xem xét những đề xuất này.
Về chỉ tiêu tuyển sinh, dù xác định tăng khoảng 3.000 so với năm ngoái, hiện Đại học Quốc gia Hà Nội chưa giao chỉ tiêu cụ thể cho từng trường. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội yêu cầu các trường chủ động đề xuất chỉ tiêu trên cơ sở đảm bảo chất lượng. Ban Đào tạo căn cứ vào số liệu sinh viên tốt nghiệp đúng hạn của từng trường để phê duyệt.
Đại học Quốc gia Hà Nội có 12 trường, khoa xét tuyển hệ đại học chính quy. Năm ngoái, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển gần 15.000 sinh viên với 143 ngành, chương trình đào tạo thuộc các lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kinh tế - quản lý, luật, đào tạo giáo viên và sức khỏe, trong đó có 6 ngành mới.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)