Ấn tượng hội thi trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang
BẮC GIANG - Ngày 22/8, tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức hội thi trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ Nhất, năm 2024.
Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Quốc khánh 2/9 và 79 năm Ngày Truyền thống ngành Văn hóa 28/8 (1945-2024). Tới dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương và đông đảo khán giả trong tỉnh.
Ban tổ chức trao cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia hội thi. |
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL nhấn mạnh, trên địa bàn tỉnh, mỗi dân tộc có trang phục riêng tạo nên sự phù hợp, khác biệt theo giới tính, lứa tuổi và địa vị xã hội. Nghệ thuật trang trí trên các trang phục đa dạng và phong phú, biểu trưng đặc sắc cho văn hóa của từng dân tộc.
Nhằm bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống, nhiều địa phương, cơ sở trên địa bàn tỉnh đã có các chương trình hành động, hoạt động tích cực, ý nghĩa như: Định kỳ tổ chức các cuộc thi trình diễn trang phục truyền thống gắn với lễ hội, ngày hội văn hóa; khuyến khích các nghệ nhân, diễn viên và nhân dân mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình khi tham gia hội họp, lễ hội và trình diễn nghệ thuật trên sân khấu…
Tiết mục "Lễ cưới dân tộc Dao Thanh Phán" của huyện Sơn Động giành giải đặc biệt.
Hội thi trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang lần thứ Nhất năm 2024 nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số; giới thiệu, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Đây cũng là hoạt động thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Qua đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý thức giữ gìn di sản, phát huy tính tích cực, ý thức tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số; tạo điều kiện cho đồng bào được giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Một phần dự thi của huyện Lục Nam. |
Tham gia hội thi có hơn 130 thí sinh của 5 huyện có đông dân tộc thiểu số sinh sống gồm: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang. Các thí sinh tuổi từ 16 đến 28, là người dân tộc thiểu số đang sinh sống, học tập, làm việc tại địa phương.
Mỗi đoàn trình diễn trang phục truyền thống của 2 đến 5 dân tộc thiểu số với chủ đề trang phục ngày thường, lễ hội, lễ cưới trên nền nhạc kèm thuyết minh. Theo đánh giá của Ban giám khảo, nhiều phần trình diễn đặc sắc được đầu tư bài bản, dàn dựng công phu, trang phục đẹp, phong thái tự tin, lời thuyết minh hấp dẫn gây ấn tượng với khán giả như: "Lễ cưới người Dao đỏ", "Quay tơ, dệt vải" của huyện Lục Ngạn; "Lễ cưới dân tộc Dao Thanh Phán" của huyện Sơn Động...
Thí sinh Chu Thị Nhật Lan, huyện Lục Ngạn với trang phục dân tộc Nùng đoạt giải trình diễn ấn tượng.
Ban tổ chức trao 14 giải A, 13 giải B và 8 giải C toàn đoàn và các tiết mục. Trong đó 3 giải A toàn đoàn thuộc về các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động. Ban tổ chức trao 1 giải Đặc biệt cho tiết mục "Lễ cưới dân tộc Dao Thanh Phán" của huyện Sơn Động; giải trình diễn ấn tượng cho thí sinh Chu Thị Nhật Lan, huyện Lục Ngạn với trang phục dân tộc Nùng.
Nhân dịp này, Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày tư liệu di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao, dân tộc Hoa tỉnh Bắc Giang, gồm trang phục, ẩm thực, sản phẩm nông nghiệp.
Dưới đây là một số hình ảnh tại hội thi:
Tiết mục trình diễn trang phục của đoàn Lạng Giang. |
Thí sinh huyện Lục Ngạn trong phần thi trang phục lễ hội. |
Tiết mục trình diễn trang phục lễ cưới của đoàn Sơn Động. |
Các thí sinh chuẩn bị trước giờ trình diễn. |
Đông đảo khán giả theo dõi hội thi. |
Đại diện Ban tổ chức trao giải toàn đoàn cho các đơn vị. |
Đồng bào Dao (Sơn Động) trình diễn thêu trang phục. |
Trưng bày di sản văn hóa truyền thống tại Bảo tàng tỉnh. |
Tiết mục giành giải Nhất của đoàn Lạng Giang tại phần thi trang phục lễ hội.
Lệ Thanh- Thu Thủy
Ý kiến bạn đọc (0)