Phụ nữ vùng dân tộc thiểu số: Sức sống mới trong phong trào văn hóa, thể thao
BẮC GIANG - Nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên và góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các huyện miền núi, vùng cao trong tỉnh đã xây dựng, nhân rộng các câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ, thể thao.
Sôi nổi, thu hút hội viên
Mỗi tháng 2 lần vào chiều Chủ nhật, tại nhà văn hóa thôn Ván A, xã Phú Nhuận (Lục Ngạn), chị em hội viên Chi hội Phụ nữ thôn lại tổ chức hát Sình ca. Sình ca là niềm tự hào, nét văn hóa riêng của dân tộc Cao Lan với lối hát đối, hát giao duyên. Chị Hoàng Thị Mùi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn, Chủ nhiệm CLB hát Sình ca của xã cho biết: “Phú Nhuận có gần 60% dân số là người Cao Lan. Cách đây vài năm, Hội LHPN xã đã tham mưu với Đảng ủy, UBND xã thành lập CLB hát Sình ca nhằm bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa của người Cao Lan.
Tham gia CLB, các thành viên được gặp gỡ, giao lưu nhiều hơn, qua đó nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các chị em và thành viên”. Hoạt động sôi nổi, bổ ích, CLB đã thu hút nhiều người yêu Sình ca, hội viên phụ nữ trong xã. Từ những ngày đầu thành lập chỉ có 15 thành viên, đến nay đã tăng gần 3 lần. Nhiều chị em không phải thành viên cũng hăng hái tham gia tập luyện để biểu diễn tại các sự kiện, lễ hội của địa phương.
Thành viên CLB Sình ca xã Phú Nhuận (Lục Ngạn) tập luyện. |
Tại nhà văn hóa xã Tuấn Đạo (Sơn Động) vào mỗi buổi chiều tối luôn rộn tiếng nói cười của các thành viên CLB Văn hóa, thể thao thôn Linh Phú. Trụ sở và nhà văn hóa xã nằm tại thôn nên thuận tiện cho bà con tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao.
Bà Lục Thị Cúc, dân tộc Tày vui vẻ nói: “Sau giờ lao động, bà con trong thôn tập trung về đây chơi bóng chuyền hơi, tập văn nghệ, cùng nhau trò chuyện vui vẻ. Từ khi thành lập CLB, bà con không chỉ được rèn luyện, nâng cao sức khỏe mà còn có thêm những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc do các thành viên chia sẻ. Tình làng, nghĩa xóm từ đó cũng bền chặt hơn”.
Từ khi thành lập CLB, bà con không chỉ được rèn luyện, nâng cao sức khỏe mà còn có thêm những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc do các thành viên chia sẻ. Tình làng, nghĩa xóm từ đó cũng bền chặt hơn".
Bà Lục Thị Cúc, dân tộc Tày xã Tuấn Đạo
|
Để phong trào thể dục, thể thao, văn hóa - văn nghệ tại xã phát triển mạnh mẽ như hiện nay, cách đây hơn một năm, Hội LHPN xã Tuấn Đạo đã xây dựng mô hình điểm CLB Văn hóa, thể thao tại thôn Linh Phú và được người dân tích cực hưởng ứng. Đến nay, CLB đã được nhân rộng tại 100% thôn, bản trong xã.
Cũng giống như nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh, đời sống người dân ở xã Hồng Kỳ (Yên Thế) trước đây còn khó khăn nên chị em ít quan tâm đến các hoạt động hội. Để khắc phục tình trạng này, Hội LHPN xã đã thành lập CLB Dân vũ của phụ nữ để thu hút hội viên DTTS. Từ hiệu quả thiết thực của mô hình, Hội LHPN huyện đã nhân rộng ra toàn huyện. Hiện nay huyện có 25 CLB dân vũ, khiêu vũ thể thao, yoga hoạt động tích cực, thu hút đông đảo hội viên tham gia.
Phát triển CLB gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc
Hiện nay, hội phụ nữ các cấp trong toàn tỉnh đang duy trì gần 300 mô hình CLB, tổ nhóm văn hóa, văn nghệ, thể thao của phụ nữ DTTS thu hút khoảng 4,5 nghìn hội viên tham gia. Các CLB đã mang lại đời sống văn hóa tinh thần phong phú cho hội viên phụ nữ ở miền núi, vùng cao. Đồng thời, thúc đẩy phong trào thi đua ở cơ sở, nâng cao ý thức trách nhiệm của hội viên trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình. Các CLB đã tạo cơ hội cho hội viên phụ nữ giao lưu, học hỏi, phát triển bản thân. Từ đó xuất hiện nhiều điển hình phụ nữ DTTS như các chị: Trương Thị Thu, dân tộc Dao, xã Dương Hưu (Sơn Động); Hoàng Thị Mùi, dân tộc Cao Lan ở xã Phú Nhuận (Lục Ngạn); Hứa Thị Hiền, dân tộc Hoa ở xã Đông Hưng (Lục Nam); Ninh Thị Lim, dân tộc Cao Lan ở xã Xuân Lương (Yên Thế); Từ Thị Nhung, dân tộc Sán Dìu ở xã Hương Sơn (Lạng Giang)...
Thành viên CLB Dân vũ phụ nữ DTTS xã Hồng Kỳ (Yên Thế) trao đổi kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc. |
Trong xây dựng, nhân rộng các CLB của phụ nữ DTTS, Hội LHPN các huyện chú trọng phát triển mô hình gắn với đặc điểm văn hóa từng địa bàn, khu dân cư. Hương Sơn là xã miền núi duy nhất của huyện Lạng Giang có 56% dân số là người DTTS và nổi tiếng với làn điệu Then. Với mong muốn đưa nét văn hóa đặc trưng này đi sâu vào cộng đồng dân cư, hai năm qua, Hội LHPN huyện đã thành lập 6 CLB hát Then. Đây là một mô hình hoạt động theo chuyên đề mới nhằm khuyến khích hội viên tham gia bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng của DTTS.
Hội LHPN các huyện miền núi, vùng cao trong tỉnh đã có nhiều cách làm đem lại hiệu quả. Điển hình như Hội LHPN huyện Sơn Động phối hợp với các điểm du lịch tổ chức trải nghiệm văn hóa dân tộc dành cho du khách như: Mặc trang phục dân tộc, biểu diễn hát Soong hao, múa tắc xình tại các lễ hội, chương trình nghệ thuật... Nhiều CLB đã lan tỏa nét đẹp văn hóa của đồng bào DTTS và giúp hội viên phụ nữ tăng thu nhập khi tham gia tích cực vào hoạt động du lịch tại địa phương. Tại huyện Yên Thế, Hội LHPN huyện thành lập nhiều loại hình CLB của phụ nữ DTTS nhằm đa dạng sân chơi cho hội viên như: CLB Phụ nữ DTTS giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường (xã Đồng Vương); CLB hát Then thôn Đồng Cả (xã Canh Nậu); CLB dân ca Cao Lan (xã Xuân Lương); CLB dân vũ phụ nữ DTTS xã Hồng Kỳ.
Để duy trì, nhân rộng các loại hình CLB của phụ nữ, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội LHPN các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang tiếp tục thực hiện các nội dung của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các cấp hội tiếp tục thành lập, nhân rộng các loại hình CLB hay, sáng tạo đem lại hiệu quả trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống hội viên. Từ đó thu hút đông đảo chị em tham gia, củng cố, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Ý kiến bạn đọc (0)