An toàn cây xanh - an toàn con người
BẮC GIANG - So với địa bàn khác, đến thời điểm này, may mắn là TP Bắc Giang gánh chịu thiệt hại về tài sản ít hơn; càng may mắn hơn nữa là không có người bị thương vong; đời sống, sinh hoạt của nhân dân cơ bản ổn. Tuy nhiên, số lượng cây xanh đổ, gãy rất lớn với hơn 1,8 nghìn cây trong toàn TP.
Số cây đổ bao gồm cả cây lớn, cây nhỏ, cây lâu năm lẫn cây mới trồng được gia cố chằng chống bằng cọc thép. Số lượng cây thiệt hại lớn bởi cơn bão quá mạnh và còn do địa bàn đô thị là nơi tập trung mật độ cây trồng dày trên các tuyến phố. Phần lớn trong số đó có thể khôi phục bằng cách cắt cành, trồng lại được, nhờ vậy giảm thiểu thiệt hại cũng như chi phí để trồng mới. Theo Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang, đến ngày 11/9, khối lượng công việc khắc phục thiệt hại về cây xanh đã được khoảng 90%.
Có thể nói, TP đã chỉ đạo rất kịp thời và hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công nhân lao động của Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang đã cật lực làm việc không quản khó khăn, ngày đêm để bảo đảm xử lý số cây gãy đổ nhanh nhất, bảo đảm an toàn cho người dân và giao thông thông suốt. Công tác này nhận được sự chung tay hỗ trợ của đông đảo các hộ dân và các mạnh thường quân, góp phần giảm tải cho cán bộ, công nhân đô thị.
Trong số cây gãy đổ, có nhiều cây rất lớn. Ví như cây xà cừ cổ thụ ở đường Lê Lợi đoạn Bệnh viện Đa khoa tỉnh; cành lớn của cây xà cừ lâu năm gãy rơi vào sân trụ sở Báo Bắc Giang; cây đa rất lớn trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh… Điều may mắn là cây xanh gãy đổ hầu như không gây ra thương vong cho người dân trên địa bàn bởi thời điểm gió bão mạnh nhất vào giữa đêm khuya, rất ít người qua lại và người dân được cảnh báo sớm nên đã tránh trú an toàn trong nhà.
Cây gãy đổ trong cơn cuồng phong cũng là dịp giúp thanh loại tự nhiên các cây yếu, cành khô, mục ruỗng. Tuy nhiên sau cơn bão vẫn có một số ít cây bị nghiêng đổ bởi gốc yếu, đất nhão do mưa, chịu thêm cơn gió mạnh quét qua. Cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên qua đi, việc khắc phục hậu quả còn nhiều.
Về lâu dài, điều cần quan tâm hơn nữa là công tác quản lý cây xanh đô thị. Cần thiết phải quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa bằng các thiết bị đo, khám cây công nghệ hiện đại; rà soát, theo dõi thường xuyên, chủ động cắt tỉa cành hoặc đốn hạ những cây không đủ độ an toàn. Còn nữa, TP cũng cân nhắc việc có nên giữ lại những cây lớn trên các khuôn viên, công viên, tuyến phố hay không bởi không chỉ trong mưa bão mà có thể ngay cả trong lúc trời yên, gió lặng thì những cây yếu, thân, cành mục rỗng hoặc tán quá lớn cũng có nguy cơ gãy đổ, gây thiệt hại về con người và tài sản, công trình.
Ý kiến bạn đọc (0)