184 sĩ quan lên đường làm nhiệm vụ tại châu Phi
Các nữ sĩ quan thuộc Đội công binh số 2 lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, sáng 8/8. |
Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Gìn giữ hòa bình Việt Nam, cho biết các sĩ quan được huấn luyện; trang bị đầy đủ kiến thức, luật pháp quốc tế về nhân đạo, giao tranh, đối ngoại. Họ cũng được đào tạo về kỹ năng sinh tồn, nhận biết vật liệu nổ, chuẩn mực hành xử.
"Toàn bộ cán bộ, nhân viên trong Đội có đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ theo chức trách được giao", đại tá Thắng nói.
Theo ông, đây là lực lượng được tuyển chọn, điều động từ các cơ quan, đơn vị như: Quân khu 1, 2, 3, 4; Quân đoàn 1, 2; các Binh chủng: Công binh, Đặc công, Thông tin liên lạc; Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và cơ quan, đơn vị khác trong toàn quân.
Cục đã chỉ đạo Đội Công binh số 1 (đang thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn) kiểm kê, nâng cấp trang thiết bị; bàn giao cho Đội Công binh số 2. Cục phối hợp Binh chủng Công binh mua sắm và đóng gói toàn bộ quân trang, nhu yếu phẩm, để vận chuyển.
Giao nhiệm vụ cho Đội Công binh số 2, thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, yêu cầu thành viên của Đội đoàn kết, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. "Các quân nhân cần giữ vững và phát huy truyền thống, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong mắt bạn bè quốc tế; tiếp tục xây dựng hình ảnh tốt đẹp về Quân đội nhân dân Việt Nam", thượng tướng yêu cầu.
Trung tá Phạm Văn Hảo, Phó đội trưởng Đội Công binh số 2 cho biết đây là lần thứ ba anh tham gia thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Nhiệm kỳ thứ nhất, anh làm quan sát viên quân sự tại phái bộ UNMISS tại Nam Sudan, nhiệm kỳ thứ hai làm Phó giám đốc bệnh viện dã chiến 2.3.
"Lần thứ 3 lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ cũng như nắm chắc đặc thù địa bàn để giúp đỡ đồng đội sớm bắt nhịp công việc. Tôi sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ mà tổ chức, quân đội giao", anh Hảo nói.
Theo lộ trình do Liên Hợp Quốc sắp xếp, để đến khu vực làm nhiệm vụ tại Abyei, Đội sẽ phải qua 5 chặng bay. Đội công binh số 1 và số 2 đã phối hợp, nắm bắt đặc thù của địa bàn. Đội sẽ tiếp tục nhiệm vụ bảo đảm cầu, đường, xây dựng các công trình và một số hoạt động dân vận, hỗ trợ nhân đạo.
Thượng úy Phùng Thị Lan Hương, sĩ quan bảo đảm y tế cho Đội công binh số 2, xúc động khi lần đầu lên đường thực hiện nhiệm vụ tại châu Phi. Bên cạnh công tác quân y, chị muốn sẽ tích cực hỗ trợ lực lượng y tế tại địa phương tại Nam Sudan.
Thượng úy Hương cho biết gia đình hỗ trợ chị rất nhiều, trông nom cháu khi chị đi vắng. "Mong muốn của tôi là chăm sóc sức khỏe được cho nhiều trẻ em, phụ nữ. Tôi cũng chuẩn bị những món quà và rất nóng lòng được mang tặng các bé ở Nam Sudan", chị chia sẻ.
Ngày 20/11/2022, Bộ trưởng Quốc phòng ký quyết định thành lập Đội Công binh số 2 với quân số 203 người, trong đó 184 chính thức và 19 dự bị (27 sĩ quan, 176 quân nhân chuyên nghiệp). Abyei là khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan. Hai nước đã ký Thỏa thuận ngày 20/6/2011, cam kết rút quân khỏi khu vực phi quân sự tại Abyei và thiết lập cơ chế hỗn hợp để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, cho đến nay hai nước chưa có nhiều tiến triển thực chất.
UNISFA được thành lập năm 2011 theo Nghị quyết 1990 của Hội đồng Bảo an với nhiệm vụ bảo vệ thường dân và thúc đẩy phi quân sự hóa tại Abyei, được bổ sung nhiệm vụ hỗ trợ Cơ chế Hỗn hợp về Kiểm chứng và Giám sát biên giới chung (JBVMM) tại Abyei theo Nghị quyết 2024 ngày 14/12/2011.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)