10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2022
Ảnh minh họa. |
1. Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và địa phương
Dự kiến năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 9% (cùng kỳ tăng 4,8%) đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành (kế hoạch tăng từ 8,5 - 9%). Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng khoảng 9%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (4,82%) và cao hơn kịch bản tăng trưởng tại Nghị quyết 01 (kịch bản GDP trong công nghiệp tăng 6,4 - 7,3%).
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì động lực của toàn ngành, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo dự kiến tăng trên 9% năm 2022, đóng góp hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
2. Xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới với hơn 732 tỷ USD, duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp
Dự kiến cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Có 39 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (hơn 1 mặt hàng so với năm 2021).
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Kết quả tăng trưởng của xuất khẩu năm 2022 là điểm sáng trong phát triển kinh tế đất nước, thể hiện sự nỗ lực của Bộ Công Thương trong thực thi đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt cơ hội phục hồi và khan hiếm hàng hóa từ các thị trường nhập khẩu, khai thác hiệu quả các FTA nhanh chóng đẩy mạnh xuất khẩu.
3. Công tác hội nhập kinh tế quốc tế đi vào chiều sâu mang tính thực chất
Chủ trương bảo đảm sự độc lập, tự chủ trong quá trình mở cửa, hội nhập, nâng cao tính tự cường của nền kinh tế đã được Bộ Công Thương triển khai nhất quán. Trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến động chưa từng có trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai các biện pháp đồng bộ để nâng cao tính tự lực, tự cường của nền kinh tế, từ đó đóng góp cho việc thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển hơn nữa kinh tế và nâng cao vị thế của đất nước.
Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường các nước mới có quan hệ thương mại tự do theo các Hiệp định định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đều có mức tăng trưởng trên 20%, thậm chí có một số thị trường trên 30%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung.
Nhiều mặt hàng nông nghiệp có giá trị gia tăng cao như rau quả tươi, rau củ quả chế biến, gạo, thủy sản, đã khai thác tốt cơ hội tại các thị trường FTA mới. Các thành tựu trên đã giúp đa dạng hóa thị trường, tránh bị phụ thuộc vào một số thị trường nhất định cũng như chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng ngày càng cao hơn.
4. Thương mại điện tử xếp thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng
Hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Bước vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, thương mại điện tử đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
5. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Thương vụ ở nước ngoài
Từ đầu năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương, hoạt động cung cấp thông tin thị trường và tư vấn thông tin thị trường cho hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương đặc biệt được quan tâm. Theo đó, Bộ đã phát huy sáng kiến tổ chức công tác giao ban xúc tiến thương mại của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị, tổ chức liên quan của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan thực hiện hàng tháng nhằm cung cấp thông tin về thị trường, những chính sách, quy định mới về thị trường và các khuyến nghị kịp thời cho các doanh nghiệp.
Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại cũng tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng kịp thời đổi mới, đa dạng hóa phương thức xúc tiến thương mại, qua đó hỗ trợ thiết thực có hiệu quả cho các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương. Bộ cũng đã tổ chức hàng trăm phiên tư vấn, kết nối thông tin thị trường cho các hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương mà ở đó, các Thương vụ đóng vai trò vừa là cầu nối vừa là nhà tư vấn thị trường xuất khẩu.
Với sự đổi mới này, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của hệ thống Thương vụ được nâng cao hơn trước rõ rệt, đóng góp quan trọng vào kết quả và thành tích ấn tượng của xuất khẩu Việt Nam năm 2022.
6. Công tác phòng vệ thương mại đạt kết quả nổi bật, góp phần bảo vệ sản xuất và thị trường trong nước.
Bộ Công Thương đã chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước. Đã phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài và đã đem lại những kết quả tích cực, nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường quan trọng, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Các biện pháp phòng vệ thương mại đã có tác động tích cực đến một số ngành đóng vai trò quan trọng như mía đường, sorbitol..., giúp bảo đảm việc làm và thu nhập cho nông dân, người lao động. Theo ước tính, các biện pháp phòng vệ thương mại đã góp phần bảo đảm việc làm của gần 150.000 người lao động. Ngoài ra, trong năm 2022, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các ngành sản xuất trong nước xử lý 16 vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất và xuất khẩu.
7. Thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao, vượt gấp 2,7 lần so với kế hoạch
Năm 2022, thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động lớn của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa (nhất là các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng…) có xu hướng tăng mạnh theo giá hàng hóa thế giới. Tuy nhiên, với sự theo dõi, điều hành sát sao của Bộ Công Thương và sự phối hợp của các Bộ, ngành chức năng trong Ban chỉ đạo điều hành giá Chính phủ, công tác điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu theo phân công và việc chỉ đạo triển khai tích cực Chương trình Bình ổn thị trường của Bộ Công Thương đã đạt kết quả tốt, góp phần quan trọng trong việc điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Thị trường hàng hóa thiết yếu nói chung tương đối ổn định, CPI cả năm 2022 được kiểm soát ở mức khoảng 3% (cách xa mức 4% Quốc hội giao).
Quy mô và dung lượng thị trường năm 2022 đạt mức tăng trưởng rất cao so với năm trước. Dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước đạt khoảng 5.639,5 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021 (kế hoạch tăng 8%).
8. Cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy cho sinh hoạt và nhu cầu sản xuất
Việc cung ứng điện năm 2022 của toàn hệ thống điện quốc gia đã được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước, đặc biệt là trong các dịp nghỉ lễ, tết dài ngày và trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa-thể thao lớn của đất nước.
9. Kiện toàn cơ cấu tổ chức Bộ Công Thương
Ngày 29/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2022, thay thế Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017.
Theo đó, cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương giảm 01 Vụ, 01 Cục và 23 phòng thuộc Vụ.
Nghị định 96 của Chính phủ quy định về cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương bao gồm 28 đơn vị, trong đó thêm 1 đầu mối. Cụ thể, trong 28 đơn vị, không có Cục Công tác phía Nam, sáp nhập Vụ Tài chính và đối mới doanh nghiệp và Vụ Kế hoạch thành Vụ Kế hoạch – Tài chính, bỏ Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; đồng thời bổ sung Ủy ban Cạnh tranh quốc gia.
Trong các đơn vị của Bộ Công Thương, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên được tổ chức 3 phòng, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi được tổ chức 3 phòng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ được tổ chức 3 phòng.
10. Luật Dầu khí sửa đổi chính thức được Quốc hội thông qua.
Tại Phiên họp ngày 14/11/2022 Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 (với tỷ lệ 472/475 Đại biểu Quốc hội có mặt đồng ý), gồm 11 chương, 69 điều, có hiệu lực từ ngày 01/7/2023.
Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 đã thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với các điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí với nhiều chính sách mới, trong đó đặc biệt là chính sách về điều tra cơ bản về dầu khí như điều tra, khảo sát; Hoàn thiện các quy định về trình tự phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí bảo đảm tính tương đồng với hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan. Đồng thời, quy định rõ chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhằm phân định rõ hai vai trò chính của Tập đoàn là thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao và tham gia hợp đồng dầu khí với vai trò nhà thầu...
Với các chính sách mới nêu trên, Luật Dầu khí số 12/2022/QH15 kỳ vọng sẽ tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc (0)