Yên Thế - Nhiều biện pháp giảm nghèo bền vững
BẮC GIANG - Xác định công tác giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, huyện Yên Thế đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp và thu được kết quả bước đầu.
Hỗ trợ giảm nghèo có trọng tâm, trọng điểm
Vài năm trở lại đây, nhờ được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo nên diện mạo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn huyện Yên Thế đổi thay rõ nét. Có được kết quả trên là do huyện xác định phát triển kinh tế ở vùng ĐBKK là một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ đó tập trung nguồn lực hỗ trợ nâng cấp các công trình hạ tầng gắn với phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa.
Mô hình trồng bưởi của gia đình chị Nguyễn Thị Hoài Anh, thôn Trại Cả, xã Đồng Lạc cho hiệu quả kinh tế cao. |
Mỗi năm bằng nguồn vốn Trung ương phân bổ thực hiện Chương trình 135, huyện đầu tư từ 10-15 tỷ đồng hỗ trợ 5 xã và các thôn, bản ĐBKK cứng hóa đường giao thông, kênh mương, trạm bơm. Đồng thời xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất dưa chuột, cây ăn quả các loại như: Cam Canh, bưởi Diễn, trồng rừng; chăn nuôi gia cầm, bò, dê… Ngoài ra, huyện hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các xã, thôn, bản đưa cơ giới hóa vào sản xuất như: Máy bơm nước, máy cắt cỏ, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy làm đất…
Hằng năm, Phòng Dân tộc, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các trung tâm dạy nghề tổ chức đào tạo nghề may, tiện, hàn và giới thiệu cho bà con dân tộc thiểu số nghèo vào làm việc tại các doanh nghiệp và đi xuất khẩu lao động. Năm 2023, huyện giới thiệu và tạo việc làm mới cho hơn 2 nghìn lao động. Để tạo “đòn bẩy” trong phát triển kinh tế, địa phương tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi tín dụng.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện đã triển khai 11 dự án hỗ trợ nuôi bò sinh sản với giá trị gần 5 tỷ đồng và tiếp tục xây dựng 5 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Các chính sách giảm nghèo thường xuyên như: Tín dụng ưu đãi, việc làm, đào tạo nghề, nhà ở... luôn được quan tâm. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 103 hộ nghèo, hộ cận nghèo, 239 hộ kinh doanh tại vùng đặc biệt khó khăn được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất.
Những tín hiệu vui
Là một trong những xã vùng cao, đời sống nhân dân còn khó khăn, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên và huy động từ nhân dân, những năm qua xã Canh Nậu đã quan tâm hỗ trợ và đầu tư cơ sở hạ tầng để thực hiện công tác giảm nghèo ở địa phương. Từ nguồn vốn Chương trình 135 do huyện phân bổ, hằng năm xã ưu tiên xây mới, nâng cấp một số công trình như đường giao thông, trạm bơm để giúp bà con đi lại, lưu thông hàng hóa thuận lợi và luân canh cây trồng, tăng thu nhập. Tuyên truyền, khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, phát triển trồng rừng dựa trên điều kiện sẵn có của địa phương.
Hiện, địa phương đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây mới Trạm bơm bản Trại Sông và cứng hóa kênh mương bản Gốc Dổi. Các công trình đưa vào sử dụng đã giúp người dân chủ động nước tưới cho gần 20 ha đất canh tác, không còn tình trạng bỏ ruộng không ở vụ xuân như trước; năng suất lúa đạt từ 200-250 kg/sào/vụ. Mới đây, một số ngầm, cầu dân sinh trên địa bàn cũng được nâng cấp như cầu Khuôn Đống, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho bà con nhân dân.
Ngoài ra, xã còn hỗ trợ, nhân rộng mô hình trồng dưa chuột vụ đông tại bản Chay, Đình với quy mô hơn 30 ha. Bà Nguyễn Thị Tuyến, bản Đình cho biết: “Mấy vụ vừa qua, dưa chuột được mùa, giá bán cao nên với diện tích 3 sào, gia đình thu lãi gần 60 triệu đồng/vụ, thu nhập cao hơn trồng lúa". Cũng ở bản Đình, gia đình Bà Nguyễn Thị Hiền thuộc diện hộ nghèo, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và vay vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình bà đã đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên đạt hiệu quả kinh tế và đã thoát nghèo.
Mô hình Thanh Long của hộ ông Phạm Văn Hào, thôn Đồng Bục, xã An Thượng. |
Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, xã Canh Nậu khuyến khích bà con trồng rừng, phát triển nghề bóc gỗ. Hiện toàn xã có hơn 1,2 nghìn ha rừng, mỗi năm cho thu nhập gần 40 tỷ đồng. Để đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững, xã Canh Nậu tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn, nhất là từ Chương trình 135, lồng ghép vốn xây dựng nông thôn mới, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng tại các bản còn khó khăn, hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp gắn với đào tạo nghề.
Tại thị trấn Phồn Xương, Ủy ban MTTQ thị trấn đã huy động từ nhiều nguồn hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở, trao tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán… Theo ông Nguyễn Văn Thế, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn, từ năm 2019 đến nay, địa phương đã vận động hỗ trợ xây mới, sửa chữa được 23 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo trị giá trên 770 triệu đồng. Nhờ được hỗ trợ tiền xây dựng và sửa chữa nhà ở đã giúp các hộ yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo ở thị trấn giảm từ 3,71% năm 2019 xuống còn 1,24% năm 2023.
Việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp lãnh đạo, ban, ngành, đoàn thể huyện, các nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân cùng chung tay đóng góp về vật chất và tinh thần. Từ đó tạo điều kiện cho hộ nghèo, gia đình chính sách có nhà ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Trên bình diện chung toàn huyện, nhờ triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, huy động tối đa nguồn lực nên tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh theo từng năm. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 4,91%, năm 2022 còn 3,76%, năm 2023 chỉ còn 2,83%, huyện phấn đấu năm 2024 giảm còn 2,29%. Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo giữa các xã, thị trấn, thời gian tới, huyện Yên Thế tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục bố trí nguồn vốn từ Chương trình 135, lồng ghép vốn xây dựng nông thôn mới, dạy nghề để ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng tại các xã; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất nông-lâm nghiệp gắn với đào tạo nghề. Thông qua đó giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất, tạo việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống.
Ý kiến bạn đọc (0)