Yên Định bình yên
Yên dân, yên địa bàn
Xã Yên Định từng là điểm nóng về an ninh trật tự khi xảy ra tranh chấp đất lâm nghiệp kéo dài hơn chục năm giữa một số hộ dân thôn Khe Táu với thôn Vách Gạo, xã Phú Nhuận (Lục Ngạn). Cùng đó là vụ tranh chấp đất rừng giữa thôn Đồng Hả với thôn Cống Luộc, xã Đèo Gia (Lục Ngạn). Lần này trở lại, trên diện tích đất của cả hai vụ tranh chấp, những hàng keo trồng hơn 2 năm trước đang phát triển xanh tốt, cao lút đầu người.
Xã Yên Định rực rỡ cờ hoa chào mừng Quốc khánh 2/9. |
“Vết sẹo” của vụ chặt hạ, đốt phá 65 ha rừng hồi tháng 5/2016 đã “lên da non” sau khi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp chính quyền quan tâm giải quyết dứt điểm. Nhắc lại những vụ ồn ào đã qua, Đại úy Đàm Văn Vượng, Trưởng Công an xã Yên Định cho biết: “Những giải pháp đồng bộ cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã đã góp phần ổn định tình hình, mang đến sự bình yên trong nhân dân”.
Để yên dân, giữ yên địa bàn, Công an xã đã tham mưu cho Đảng uỷ, UBND xã và Công an tỉnh, huyện nhiều chương trình, kế hoạch. Chú trọng đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thành lập thêm 3 mô hình mới gồm: “Người có uy tín tham gia bảo đảm an ninh trật tự (ANTT)”, “Cựu Công an xã tham gia bảo đảm ANTT, phòng chống thiên tai, dịch bệnh” và tổ “tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách pháp luật về quản lý đất đai, bảo vệ và phát triển rừng”.
Các mô hình tuy có tên gọi khác nhau nhưng đều có nhiệm vụ chung là tham gia tuyên truyền pháp luật, nắm bắt tình hình liên quan đến ANTT, phối hợp với các tổ hòa giải, tổ liên gia tự quản và Công an xã giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh từ cơ sở.
Đồng chí Trần Văn Tầng, Bí thư Chi bộ thôn Khe Táu cho biết: "Chi bộ giao nhiệm vụ cho tất cả 15 đảng viên bám làng, nắm hộ; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các văn bản giải quyết của các cấp có thẩm quyền về tranh chấp đất lâm nghiệp; thực hiện đúng các quy định theo địa giới hành chính đã phân chia... Cùng đó chỉ đạo Ban công tác mặt trận thôn tổ chức cho hội viên các đoàn thể ký cam kết, thực hiện nghiêm các quyết định của UBND tỉnh".
Vừa qua, Công an xã Yên Định được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen về thành tích cao trong công tác, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho tập thể nhân dân và cán bộ xã Yên Định về thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Chung sức đồng lòng xây dựng nông thôn mới
ANTT được bảo đảm là một trong những điều kiện thuận lợi để Yên Định thúc đẩy phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM).
Ông Kiều Việt Luân, Phó Chủ tịch UBND xã bộc bạch: "Yên Định có 1.170 hộ với hơn 5.000 nhân khẩu gồm 8 dân tộc (Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, San Chí, Sán Dìu, Hoa, Dao) sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 88%. Phấn đấu về đích xã NTM vào cuối năm nay, vì vậy, địa phương đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp. Địa bàn xã có tuyến quốc lộ 31 và tỉnh lộ 291 chạy qua nên thuận lợi cho nhân dân đi lại và giao lưu buôn bán, xã khuyến khích bà con phát triển dịch vụ. Bỏ lại sau lưng những ồn ào, những mâu thuẫn nhất thời, bà con đẩy mạnh sản xuất, xây dựng cuộc sống mới".
Sự đổi thay của Yên Định hôm nay là minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền và sự đồng lòng, chung sức của người dân. Con đường phía trước vẫn còn dài, nhưng với quyết tâm và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, tin rằng mục tiêu về đích NTM trong năm nay của xã sẽ trở thành hiện thực. |
Phát huy tiềm năng đất lâm nghiệp với diện tích rừng trồng gần 1.200 ha, cơ quan chuyên môn quan tâm hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng rừng, hỗ trợ người dân trong công tác lựa chọn giống cây trồng phù hợp đất đai thổ nhưỡng địa phương.
Gia đình đảng viên Cáy Thị Mùi (SN 1951) ở thôn Nhân Định trồng 3 sào lúa, 5 ha rừng và nhiều cây ăn quả, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Cùng với những chính sách hỗ trợ của các chương trình xóa đói, giảm nghèo của Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt.
Thu nhập bình quân của người dân trong xã hiện đạt 42,8 triệu đồng/người/năm. Về cơ sở hạ tầng, để tạo thuận tiện cho người dân và học sinh, giáo viên trong việc đi lại, đến trường, vận chuyển nông sản, hàng hóa, ngầm tràn Bà Nhài nối hai thôn Khe Táu và Đồng Hả vừa hoàn thành. Cây cầu mới từ thôn Trại Chùa đi Khe Táu cũng đang được xây dựng. Công trình nước sạch thôn Đồng Hả sau một thời gian dài bị vỡ đứt đường ống đã sửa chữa lại, cung cấp đủ đầy nước sinh hoạt cho hơn 100 hộ dân...
Đáng chú ý, nhiều bà con lớn tuổi dân tộc thiểu số chưa biết chữ tiếng Việt. Nhằm nâng cao dân trí, tháng 4 vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp với UBND xã mở 3 lớp xóa mù chữ cho 83 học viên tại điểm lẻ của Trường Tiểu học ở thôn Khe Táu và Đồng Hả. Đều đặn tối thứ Sáu hằng tuần, bà con tích cực rủ nhau đến lớp học bài, có gia đình cả vợ và chồng cùng tham gia. Chỉ trong thời gian 3 tháng, các học viên đã nghe, nói, đọc, viết chữ và làm một số phép tính cơ bản. Cùng với dạy chữ, lớp học còn kết hợp tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ các hủ tục lạc hậu.
Sự đổi thay của Yên Định hôm nay là minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền và sự đồng lòng, chung sức của người dân. Con đường phía trước vẫn còn dài, nhưng với quyết tâm và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, tin rằng mục tiêu về đích NTM trong năm nay của xã sẽ trở thành hiện thực.
Bài, ảnh: Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)