Xử lý đất xen kẹp: Tránh lãng phí, tiện quản lý
Cán bộ Phòng TN&MT huyện phối hợp khảo sát lô đất xen kẹp của hộ anh Phùng Văn Cường, thôn An Thịnh, xã Cương Sơn. |
Khó canh tác
Chúng tôi cùng cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện về thôn An Thịnh, xã Cương Sơn tìm hiểu thực trạng đất xen kẹp ở đây. Qua trò chuyện, anh Phùng Văn Cường, hộ dân trong thôn chia sẻ: Từ nhiều năm nay, thửa đất diện tích 140 m2 nằm trên trục đường liên xã của gia đình anh phải bỏ hoang do xung quanh nhà dân xây kín, khó thoát nước. Gia đình từng trồng thử 250 cây na, 180 cây cam nhưng chỉ sau một thời gian bị chết do thối rễ. Hiện tại, trên khu đất trống, anh xây tạm một chòi nhỏ chứa một số vật dụng nhà nông và làm nơi trông coi khu vườn tạp gần đó. "Gia đình tôi và nhiều hộ khác rất mong Nhà nước có phương án chuyển đổi mục đích sử dụng để chúng tôi có đất ở, còn như thế này thật lãng phí", anh Cường nói.
Huyện Lục Nam có 205 thửa đất xen kẹp (chủ yếu nằm trong khu dân cư, có trục đường liên thôn, xã chạy qua), tổng diện tích khoảng 16 ha thuộc 24/27 xã, thị trấn. Diện tích các thửa từ 50- 120 m2 (bề rộng 4-6 m, tương ứng với 1 lô đất ở). Sở dĩ có tình trạng này là do trước kia ở nhiều thôn, xã có tình trạng giao bán đất trái thẩm quyền (chủ yếu là đất ruộng). Sau này, qua các đợt giải quyết, xử lý, đặc biệt là thực hiện Quyết định số 191 của UBND tỉnh ban hành Quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ở đối với một số trường hợp vướng mắc, tồn tại trước ngày 1-1-2012 cho hộ gia đình, cá nhân nên còn sót lại các thửa đất nằm xen kẹp giữa các hộ dân.
Qua đánh giá của cơ quan chức năng, hầu hết các thửa đất xen kẹp rất khó canh tác do diện tích nhỏ hẹp; đất cằn cỗi, khó khăn về nước tưới... Theo ông Nguyễn Duy Quảng, Trưởng phòng TN&MT, những lô đất này bị bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên, hiện nhiều hộ dân có nhu cầu chuyển đổi mục đích để làm đất ở. Đặc biệt, nếu không giải quyết thực trạng, việc quản lý rất khó khăn vì có thể các hộ dân sẽ tự cơi nới, lấn chiếm, xây dựng trái phép.
Tìm hướng giải quyết
Việc xử lý đất xen kẹp của huyện không chỉ giúp chính quyền và ngành chức năng thuận tiện trong quản lý, đáp ứng nhu cầu của người dân về nhà ở mà còn góp phần bổ sung nguồn ngân sách Nhà nước. Theo thống kê, hiện nợ đọng xây dựng cơ bản của huyện khoảng 27 tỷ đồng. Được biết, để giải quyết số nợ đọng này, một trong những giải pháp UBND huyện đề ra trong năm 2018 và những năm tới là tiến hành khảo sát, đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất xen kẹp thành đất ở để tăng nguồn thu ngân sách, bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Từ giữa năm 2017, UBND huyện chỉ đạo Phòng TN&MT phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát số lượng, diện tích các thửa đất xen kẹp. Thời điểm hiện tại có 41 vị trí đủ điều kiện vận dụng để chuyển đổi mục đích theo Luật Đất đai 2013. UDND huyện cũng đã xây dựng kế hoạch sử dụng đất năm 2018 và được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, năm nay, huyện sẽ giải quyết các thửa đất đã khảo sát này theo hướng ưu tiên những hộ đang sở hữu và có nhu cầu về đất ở. Số còn lại huyện đang xây dựng phương án giải quyết trình UBND tỉnh.
Khó khăn nhất địa phương đang gặp đó là với những thửa đất xen kẹp có bề rộng (từ 12-15 m bề mặt) bám mặt đường theo quy định không thể hợp thức hóa việc giao đất để chuyển đổi mục đích sử dụng cho một hộ theo bảng giá đất mà phải tổ chức đấu giá. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, động viên các hộ tự nguyện đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng để làm thủ tục đấu giá đất theo quy định của pháp luật; đồng thời đề nghị HĐND và UBND tỉnh có cơ chế phù hợp, bảo đảm đúng pháp luật để UBND huyện có cơ sở giải quyết những vướng mắc", ông Giáp Văn Ơn, Phó Chủ tịch UBND huyện nói.
Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)